Giáo viên Phan Thiết nên nhờ Liên đoàn Lao động thành phố bảo vệ quyền lợi
GDVN- Chúng tôi rất muốn có một vài trường hợp phản ánh cụ thể để có người thật, việc thật mới làm việc dễ hơn. Không có thông tin rõ ràng làm sao làm việc được.
Liên quan đến việc giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố Phan Thiết không nhận được tiền dạy phụ trội từ ngân sách và tiền dạy buổi 2 trong năm học 2019-2020, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được đơn phản ánh của một số giáo viên và đã có loạt bài viết trong thời gian vừa qua:
Đơn xin cứu xét của giáo viên tiểu học thành phố Phan Thiết (Ảnh giáo viên cung cấp)
Giáo viên Phan Thiết phản ánh dạy thừa giờ nhưng không được thanh toán
Chế độ thừa giờ của giáo viên Phan Thiết: lệnh miệng hiệu lực hơn văn bản?
Phan Thiết có tình trạng lợi dụng Covid-19 "ngâm" tiền dạy buổi 2 của giáo viên?
Phan Thiết đã có chỉ đạo trả tiền dạy thêm, vì sao các trường vẫn ngâm?
Cùng với việc phản ánh về tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên tiếp tục gửi đơn phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận.
Thế nhưng thời gian cứ trôi qua mà những quyền lợi thiết thực của những nhà giáo nơi đây vẫn chưa được giải quyết.
Phan Thiết đã có chỉ đạo trả tiền dạy thêm, vì sao các trường vẫn ngâm?
Giáo viên đơn độc đòi quyền lợi
Kết thúc năm học 2019-2020, giáo viên tại thành phố Phan Thiết nhận được thông tin năm học này do giáo viên không dạy đủ 35 tuần thực dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên không nhận được thanh toán tiền dạy tăng giờ theo ngân sách của nhà nước.
Nguyên do, nhà trường không thực hiện việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên trong thời gian học sinh không đến trường nhưng vẫn không ngừng học.
Số tiết vượt trội của giáo viên người ít có vài chục tiết, người nhiều lên đến hơn trăm tiết, đây là số tiền không nhỏ so với thu nhập thấp của nhiều nhà giáo.
Không chỉ tiền vượt giờ ngân sách, ngay tiền dạy buổi 2 của giáo viên tiểu học thuộc trường học dạy 2 buổi/ngày, giáo viên vẫn không được nhận tiền thù lao trong khi phụ huynh đã đóng hết tiền học phí cho con cả năm học.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Thiết thì cho rằng: “Khi nhận được công văn của Sở, chúng tôi triển khai ngay đến các trường.
Đề nghị hiệu trưởng các trường hướng dẫn giáo viên, nếu có tham gia giảng dạy trong thời gian này thì liệt kê để hưởng chế độ, nhưng phải có cơ sở chứng minh”.
Chế độ thừa giờ của giáo viên Phan Thiết: lệnh miệng hiệu lực hơn văn bản?
Còn trường học lại khẳng định: “Chúng tôi làm có căn cứ và không làm sai. Nhà trường cũng có đấu tranh giành quyền lợi cho giáo viên của mình, cũng ghi nhận công sức của thầy cô nhưng phải thực hiện chỉ đạo từ trên xuống dưới”.
Việc đổ trách nhiệm cho nhau nên đến nay giáo viên vẫn cứ đơn độc trong cuộc chiến đòi quyền lợi cho chính mình.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Phan Thiết đã có kiến nghị bảo vệ quyền lợi giáo viên
Nhiều lần liên hệ với một số hiệu trưởng các trường tiểu học nơi đây nhưng chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng hoặc từ chối trả lời.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Phan Thiết về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Vị lãnh đạo này cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ánh trực tiếp từ các công đoàn viên cơ sở mà chỉ nắm thông tin qua báo và các kênh thông tin khác.
Chúng tôi rất muốn có một vài trường hợp phản ánh cụ thể để có người thật, việc thật mới làm việc dễ hơn. Không có thông tin rõ ràng làm sao làm việc được với Ủy ban nhân dân thành phố?
Chúng tôi ghi nhận và trân trọng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh sự việc này, chúng tôi cũng đã có kiến nghị đến các đơn vị có liên quan, hy vọng sẽ nhận được sự giải quyết trong thời gian sớm nhất."