Giáo viên phổ thông đang phải thực hiện nhiều việc ngoài chuyên môn
Bên cạnh công việc giảng dạy, giáo viên phải làm hồ sơ sổ sách; hội họp; phong trào; hội thi; vận động học sinh bỏ học; giải quyết khi học sinh vi phạm...
Theo quy định hiện hành, giáo viên Trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần; giáo viên Trung học cơ sở 19 tiết/tuần; giáo viên Tiểu học 23 tiết/tuần. Có một số ý kiến cho rằng với số tiết như vậy thì giáo viên có khá nhiều thời gian rảnh rỗi.
Bởi lẽ, mỗi tiết ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là 45 phút; mỗi tiết ở cấp Tiểu học là 35 phút. Vì thế, mỗi tuần giáo viên Trung học phổ thông dạy 12,5 giờ; giáo viên Trung học cơ sở dạy hơn 14 giờ; giáo viên Tiểu học dạy hơn 13 giờ. Nếu số giờ làm việc/tuần như vậy so với các ngành nghề khác rõ ràng ít hơn rất nhiều.
Thế nhưng, để có được một tiết dạy trên lớp cho học trò, giáo viên phải chuẩn bị khá nhiều thời gian ở nhà. Hơn nữa, ngoài việc giảng dạy trên lớp, giáo viên còn thực hiện rất nhiều những công việc không tên khác để phục vụ cho giảng dạy và tham gia, thực hiện nhiều công việc không tên khác.
Ảnh minh họa.
Giáo viên đang được phân công giảng dạy và sắp xếp thời khóa biểu ra sao?
Đối với cấp Tiểu học, học sinh sẽ học từ thứ Hai đến thứ Sáu; 2 cấp phổ thông còn lại sẽ học từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Trong số các ngày học sinh học tập thì giáo viên các cấp học phổ thông được bố trí 1 ngày nghỉ dạy, được gọi là ngày bộ môn.
Nghĩa là, mỗi tháng giáo viên có 4 ngày bộ môn. Trong ngày bộ môn, các tổ chuyên môn sẽ có lịch họp tổ chuyên môn; dự thao giảng (tổ; hội đồng bộ môn cụm, huyện, tỉnh; tập huấn chuyên môn) và gần như giáo viên luôn có lịch để đến trường vào ngày này.
Những ngày còn lại, đa phần thời khóa biểu sẽ rải đều cho các buổi sáng, chiều. Có ngày nhiều tiết nhưng cũng có ngày vài tiết và không phải buổi dạy nào cũng được xếp lịch dạy liên tục mà luôn có những tiết trống, giáo viên phải ngồi chờ.
Những lúc này, giáo viên tranh thủ đem bài kiểm tra ra chấm hoặc lấy máy tính ra chuẩn bị bài mới, hoặc tranh thủ làm một vài kế hoạch gì đó. Vì vậy, đa phần giờ hành chính thì giáo viên luôn có mặt ở trường.
Trong số các môn học của cấp Trung học phổ thông và Trung học cơ sở, môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở là môn có số tiết nhiều nhất nên công việc hằng tuần thường cũng vất vả hơn.
Thông thường, giáo viên sẽ được nhà trường phân công giảng dạy 2 khối lớp Ngữ văn và 1 khối lớp Nội dung giáo dục địa phương. Vì thế, mỗi tuần phải chuẩn bị 9-10 tiết giáo án vì lớp 9 có 5 tiết/ tuần; lớp 6,7,8 mỗi lớp có 4 tiết/tuần và 1 tiết Nội dung giáo dục địa phương.
Trong 9-10 tiết như vậy, bắt buộc tất cả các tiết phải soạn file word để tổ và nhà trường kiểm tra việc soạn giảng theo kế hoạch; ngoài ra nhiều tiết phải soạn giáo án PowerPoint để trình chiếu trên lớp. Vậy nên, chỉ riêng việc thực hiện giáo án cũng chiếm mất rất nhiều thời gian của giáo viên và công việc này chủ yếu là làm ở nhà.
Đối với môn Ngữ văn không chỉ số tiết/lớp mà bài kiểm tra cũng khá nhiều. Mỗi học kỳ, mỗi lớp có 4 bài kiểm tra thường xuyên và 2 bài kiểm tra định kỳ. Mỗi lớp có từ 40-45 học sinh; mỗi giáo viên dạy từ 4-5 lớp nên gần như phải chấm bài kiểm tra liên tục.
Nhiều lúc giáo viên cảm thấy quá tải, nhất là lúc kiểm tra định kỳ, số lượng bài lớn; học sinh viết nhiều và nhà trường thì ấn định thời gian vào điểm nên tranh thủ mọi thời gian, mọi địa điểm để chấm bài cho học sinh.
Chính vì thế, chỉ riêng công việc đầu tư cho chuyên môn cũng khiến cho giáo viên khá áp lực chứ không đơn giản là mỗi tuần giáo viên phải dạy bao nhiêu tiết theo quy định.
Đặc biệt, từ khi Bộ đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều kiến thức, phương pháp giảng dạy, cách thức tiếp cận môn học mới nên giáo viên phải đầu tư thêm rất nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị.
Vì thế, số tiết quy định hằng tuần đối với giáo viên ở mỗi cấp học chỉ là phần cứng còn những việc phục vụ cho các tiết dạy trên lớp mới chiếm hết nhiều thời gian của giáo viên. Thực tế cho thấy, nếu giáo viên không có sự chuẩn bị tốt trước khi lên lớp, chấm bài không cẩn thận sẽ tự làm mất uy tín của mình trước học trò.
Vì hiện nay học sinh có nhiều kênh tiếp cận tri thức; nhiều em đi học thêm trước nên việc đánh giá, nhận xét về kiến thức, phương pháp giảng dạy của thầy cô không phải là điều quá khó khăn đối với các em.
Giờ đây, đa phần học sinh không còn thụ động học tập như trước đây mà nhiều em tranh luận, phản biện khá logic, chặt chẽ. Điều này giúp cho học sinh có tư duy phản biện tốt, phát huy được chính kiến của mình nhưng đồng thời cũng đòi hỏi giáo viên phải có sự chuẩn bị tốt và chủ động trong mọi tình huống khi đứng trên bục giảng.
Quá nhiều các phong trào, các cuộc thi được đưa vào trường học
Ngoài những việc chuyên môn hoặc phục vụ cho việc giảng dạy trên lớp, giáo viên hiện nay đang phải tham gia hoặc bồi dưỡng, hỗ trợ học sinh rất nhiều phong trào trong và ngoài ngành phát động. Càng giáo viên được xem là môn phụ như Âm nhạc; Mĩ thuật lại càng có nhiều phong trào, nhiều cuộc thi khác nhau.
Đối với môn Âm nhạc thì ngoài chuyện phải chuẩn bị, tập dượt cho các ngày lễ trong năm học, giáo viên phụ trách môn học này cũng thường xuyên phải tham gia một số phong trào của ngành, địa phương phát động.
Riêng môn Mĩ thuật- nhất là ở cấp Tiểu học thì đang có quá nhiều cuộc thi được phát động đến các trường học từ Bộ xuống đến xã (phường); từ một số báo, tạp chí; đến các công ty; thư viện tỉnh…với rất nhiều chủ đề, nội dung thi khác nhau.
Giáo viên Ngữ văn thì hỗ trợ học sinh các cuộc thi liên quan đến viết lách, như: Nhớ ơn thầy cô; Thư UPU; tìm hiểu về quê hương, đất nước; tìm hiểu về một số danh nhân; sáng kiến chống bạo lực học đường…
Bên cạnh đó là các phong trào ngoại khóa; hội họp; câu lạc bộ; các hội thi của ngành…Dù nhiều cuộc thi, hội thi vẫn phát động trên tinh thần tự nguyện nhưng sở, phòng giáo dục có đánh giá các trường học nên Ban giám hiệu luôn yêu cầu các giáo viên liên quan đến các phong trào tham gia hoặc hỗ trợ học sinh.
Hơn nữa, các phong trào cũng được nhà trường lồng ghép trong các tiêu chí thi đua, đánh giá viên chức, xét thi đua cuối năm nên giáo viên cứ mải miết tham gia hết phong trào này đến phong trào khác.
Thực tế cho thấy, những giờ dạy trên lớp của giáo viên không phải là nhiều nhưng những công việc ngoài chuyên môn của giáo viên, nhất là những thầy cô có năng khiếu, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn; đoàn- đội ; giáo viên chủ nhiệm nhiều khi quá tải vì họ luôn có rất nhiều công việc không tên khác nhau.
Chính vì vậy, nếu nhìn vào số tiết dạy hằng tuần của giáo viên có thể thấy số tiết so với các ngành nghề khác thì không nhiều. Nhưng, để làm chủ được kiến thức và thực hiện khâu chuẩn bị cho từng bài giảng, từng hoạt động trên lớp là cả một quá trình và phải có sự trau dồi liên tục của giáo viên.
Bên cạnh công việc giảng dạy thì hồ sơ sổ sách; hội họp; phong trào; các hội thi; tham gia vận động học sinh bỏ học; giải quyết khi học sinh vi phạm nội quy của nhà trường…đang khiến cho giáo viên ở nhiều thời điểm khá áp lực. Một khi giáo viên phải đầu tư nhiều việc ngoài chuyên môn ắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp việc đầu tư cho giảng dạy ở trên lớp.
Cũng chính vì áp lực, vì nhiều việc không tên như vậy nên những năm qua không ít giáo viên đã phải chuyển nghề. Tuy nhiên, năm này qua năm khác những áp lực vô hình ấy vẫn xảy ra.