Giáo viên, phụ huynh đồng lòng xây tương lai cho trò nghèo
Trong cuộc thi 'Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác' năm học 2020-2021, cô Đỗ Thị Vân tâm huyết gửi dự thi tác phẩm 'Người vác tù và hàng tổng đầy tâm huyết'.
Từ nhân vật có thật
Cô Đỗ Thị Vân, 32 tuổi, cán bộ thư viện tại Trường THPT số 4 Văn Bàn, xã Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bày tỏ: “Trước khi tham dự cuộc thi này, tôi biết rất khó để đạt giải vì trong cả nước có rất nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu, thậm chí nhiều tấm gương rất xuất sắc trong việc học tập và làm theo Bác. Vì vậy để lựa chọn và viết về một nhân vật chạm tới được cảm xúc của người đọc thật không dễ dàng”.
Cô Vân nhận xét, “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" năm 2020-2021 không chỉ là cuộc thi viết mà còn là cơ hội tìm hiểu những chân dung sáng tại địa phương. Thông qua ngòi bút, các tác giả có thể lan tỏa tới cộng đồng những hình ảnh đẹp, việc làm ý nghĩa của những người quan tâm và hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Cô Vân hy vọng những cống hiến của giáo viên, phụ huynh có thể tạo ra chuyển biến tích cực trong tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa và tác phong làm việc của mọi người xung quanh.
Cô Vân nhớ lại: Tác phẩm “Người vác tù và hàng tổng đầy tâm huyết” được tôi hoàn thiện cách đây vài tháng. Không thể nhớ chính xác từng câu từ, diễn biến trong tác phẩm nhưng tôi biết rằng sau rất nhiều lựa chọn, sau những ngày dài tìm hiểu nhiều nhân vật, tôi đã tìm ra nguồn cảm hứng cho riêng mình. Đó là cô Phạm Thị Hiền, nguyên Trưởng ban Hội cha mẹ học sinh Trường THPT số 4 Văn Bàn.
Cô Phạm Thị Hiền có nhiều năm làm Trưởng ban Hội cha mẹ học sinh của các cấp học tại địa phương và cũng là Trưởng ban Hội cha mẹ học sinh trường THPT số 4 Văn Bàn trong ba năm liên tiếp. “Năng động, nhiệt tình, hoạt bát” là những tính từ cô Vân dành tặng nhân vật trong tác phẩm của mình. Cô Hiền thường đề xuất nhiều ý tưởng nhân văn để giúp đỡ học sinh, cán bộ giáo viên và nhân viên các trường học trên địa bàn.
Với nhiều năm công tác, cô Hiền có ảnh hưởng lớn đến phong trào của Hội Phụ nữ thôn Độc Lập, khuấy động các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương. Đồng thời, cô thường chủ động tổ chức chương trình làm từ thiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 10 năm công tác tại Trường THPT số 4 Văn Bàn, cô Vân đã được học tập, làm việc và truyền cảm hứng từ nhiều thầy, cô giáo và phụ huynh nhà trường. Nhưng câu chuyện về cô Hiền là một trong những bài học quý báu mà cô Vân trân trọng.
Cô Vân bày tỏ: Tôi học được rất nhiều từ chị Hiền như phong cách làm việc nhanh nhẹn, quyết đoán, tinh thần dám làm, dám chịu, dám hi sinh nhận trách nhiệm “vác tù và hàng tổng” về phía mình. Tôi cũng học ở chị tình yêu lớn lao dành cho những mảnh đời bất hạnh và sẵn sàng tìm cách giúp đỡ họ. Tôi rất ngưỡng mộ chị trong việc nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, học giỏi và đưa ra gia đình vượt khó làm kinh tế giỏi.
Đến sự chung tay của nhà trường
Tấm gương chịu thương, chịu khó vì trẻ em vùng cao của cô Hiền không phải là trường hợp cá biệt mà là hành động chung của không ít thầy, cô giáo Trường THPT số 4 Văn Bàn. Hành trình đến với con chữ của học sinh nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Huyện Văn Bàn có diện tích rộng với địa hình đồi núi cao, nhiều sông suối gây nguy hiểm cho học sinh khi đến trường. Nhiều em sống trong thôn, bản thuộc diện khó khăn, dân trí thấp, không có điện hay sóng điện thoại. Vì thế, việc duy trì sĩ số học sinh luôn là bài toán khó cho lãnh đạo và cán bộ giáo viên nhà trường.
Công tác tại Trường THPT số 4 Văn Bàn từ năm 2011, cô Vân đã chứng kiến nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí của trường trong việc tổ chức hoạt động học tập, sinh hoạt cho giáo viên, học sinh. Xa quê, xa gia đình thân yêu, các thầy cô ở lại nhà tập thể của trường để ngày ngày gieo chữ cho trẻ em nơi đây.
Khó khăn không kể xiết song những năm qua, giáo viên và phụ huynh nhà trường không ngừng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh. Trường xây dựng Quỹ xe đạp, với nhiều xe mới, cũ được tài trợ từ các nhà hảo tâm, cho học sinh nhà xa trường mượn vào đầu năm. Cuối năm, thầy cô thu về bảo dưỡng, sửa chữa và phân bổ vào năm học kế tiếp. Trong năm học, nhà trường xây dựng các quỹ đồ dùng học tập như Quỹ Atlat Địa lý Việt Nam, Quỹ máy tính cầm tay, hỗ trợ học sinh còn thiếu thốn.
Hàng năm, vào dịp khai giảng, nhà trường và ban phụ huynh đều trao tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học trò có hoàn cảnh khó khăn. Giáo viên, nhân viên trường thường đến thăm hỏi gia đình học sinh để nắm bắt tình hình, hiểu hoàn cảnh của các em, từ đó lên phương án giúp đỡ các em không bỏ lỡ việc học. Với mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”, dù có khó khăn đến chừng nào, tập thể sư phạm nhà trường cùng đồng sức đồng lòng với phụ huynh, học sinh tìm ra các giải pháp giúp đỡ từ ăn ở đến học hành để các em vững bước đến trường.
“Thông qua cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" năm 2020-2021, tôi mong muốn Báo Giáo dục và Thời đại có thể tổ chức nhiều cuộc thi, chương trình, hoạt động dành cho giáo viên, học sinh, để giúp đỡ và lan tỏa tình yêu thương đến những vùng xa xôi, vùng còn gặp nhiều khó khăn trên mọi miền Tổ quốc” - cô Đỗ Thị Vân nhắn gửi.