Giáo viên ra đề văn có nội dung 'nhạy cảm'
Một giáo viên ở Chư Sê (Gia Lai) đã đưa vào đề kiểm tra văn đoạn 'cắn răng mà chịu' có tính 'nhạy cảm', tính giáo dục không cao bị kiểm điểm.
Chiều 18-1, trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Gia Lai cho hay, nội dung trong đề văn kiểm tra HK1 lớp 9 tại huyện Chư Sê có tính giáo dục thấp, ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh.
“Đáng lý ra không nên dùng những ngữ liệu đó, nhưng giáo viên đã dùng nên vừa rồi phía Phòng GD&ĐT huyện cũng đã cho giáo viên làm kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi”, người này nói.
Đồng thời, thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho hay, đã yêu cầu giáo viên ra đề viết giải trình. Do xác định mức độ vụ việc chưa đến mức kỷ luật nên đã kiểm điểm giáo viên này, đồng thời yêu cầu rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ.
Trước đó, đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I (2020-2021) của Phòng GD&ĐT huyện Chư Sê khiến nhiều phụ huynh bức xúc vì tính giáo dục chưa cao.
Cụ thể, phần I trong đề kiểm tra môn Ngữ văn có nội dung: "Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu “Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu”. Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: “Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn”. (Trích Truyện cười dân gian Việt Nam).
Câu hỏi 1 đặt ra cho học sinh là hãy nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? Câu 2 là trong văn bản, người mẹ đã trả lời cô con dâu như thế nào? Qua câu trả lời ấy, em hãy cho biết người mẹ chồng đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Câu ba, câu trả lời của mẹ chồng trong văn bản trên được dẫn trực tiếp hay gián tiếp? Mục đích câu trả lời ấy là gì?
Sau khi đề văn nói trên được chia sẻ, nhiều người đã bức xúc phản ứng, cho rằng không có tính giáo dục cao, không phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-vien-ra-de-van-co-noi-dung-nhay-cam-962306.html