Giáo viên sẽ được xếp lương như thế nào khi thăng hạng, giáng hạng?

Nhiều giáo viên rất quan tâm là khi áp dụng xếp lương giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp mới thì giáo viên nào sẽ được thăng hạng, giáng hạng?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông có thể hình dung đó là việc xếp lương giáo viên theo vị trí việc làm trong thời gian tới.

Nhiều giáo viên rất quan tâm là khi áp dụng xếp lương giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp mới thì giáo viên nào sẽ được thăng hạng, giáng hạng? Và việc xếp lương giáo viên mới sẽ được xếp như thế nào?

Trong phạm vi bài viết, tác giả xin được nêu một số trường hợp theo quy định sẽ được thăng hạng, giáng hạng cũng như cách xếp lương của giáo viên mới ra trường theo Dự thảo lương mới nhất hiện nay.

Xếp lương giáo viên mới ra trường

Theo quy định, mỗi giáo viên mới ra trường sẽ trải qua thời gian thử việc (tập sự) từ 6 đến 12 tháng, trong thời gian tập sự giáo viên được hiệu trưởng ký hợp đồng thử việc, mức lương do thỏa thuận hoặc theo quy định và giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành từ 30% đến 40% tùy theo cấp học, bậc học theo quy định hiện nay.

Sau khi hết thời gian tập sự, giáo viên sẽ được bổ nhiệm vào ngạch viên chức ngành giáo dục đào tạo nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Cụ thể giáo viên mầm non sẽ được bổ nhiệm vào giáo viên mầm non hạng III (có hệ số lương từ 2,1 đến 4,89).

Giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông sẽ được xếp lương giáo viên hạng III (có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98).

Ví dụ 1: Giáo viên A dạy tại trường mầm non có bằng đại học hoặc cao đẳng mầm non khi hết tập sự sẽ được xếp lương có hệ số lương 2,1.

Ví dụ 2: Giáo viên B dạy tại trường tiểu học nếu có bằng đại học thì được xếp lương có hệ số lương 2,34, nếu có bằng cao đẳng tiểu học khi hết tập sự sẽ được xếp lương có hệ số lương 2,1.

Điều nay xem như chấm dứt tình trạng người có bằng đại học ăn lương trung cấp như hiện nay, quay về cách xếp lương gần giống như trước đây, giáo viên được xếp lương theo văn bằng cao nhất.

Tuy nhiên, mọi người cũng lưu ý để được bổ nhiệm giáo viên hạng III thì ngoài tiêu chuẩn về bằng cử nhân còn phải đạt các tiêu chuẩn khác và các chứng chỉ như ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp,…

Như vậy, nếu xếp lương mới này thì giáo viên mới ra trường sẽ được cải thiện khá nhiều so với hiện nay, hiện nay giáo viên mới ra trường có bằng đại học dạy tại mầm non, tiểu học chỉ hưởng lương trung cấp có hệ số khởi điểm 1,86, dạy ở trung học cơ sở hưởng lương cao đẳng có hệ số 2,1.

Giáo viên sẽ được xếp lương như thế nào khi thăng hạng hay giáng hạng? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên sẽ được xếp lương như thế nào khi thăng hạng hay giáng hạng? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên thăng hạng được xếp lương như thế nào?

Theo dự thảo chuyển xếp lương mới, đa số giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông sẽ được giữ lại giáo viên hạng III.

Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp được xếp thăng lên các hạng cao hơn, cụ thể là hạng II, I và một số trường hợp chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới được xếp lương ở hạng IV.

Về nguyên tắc xếp hạng, hiện nay việc xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức theo Thông tư số: 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 25/5/2007.

Theo đó ở khoản II – Cách xếp lương mục 1. “Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức quy định cụ thể như sau:

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.

Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.”

Nếu còn phụ cấp thâm niên, giáo viên có thể nhận đến 15 triệu đồng/tháng

Ví dụ 1: Giáo viên A đang dạy ở bậc trung học mầm non có hệ số lương 4,06 (giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn) nếu đủ điều kiện sẽ được bổ nhiệm chức danh giáo viên mầm non hạng III khi đó hệ số lương mới sẽ được chuyển là 4,27 (bậc 8).

Do chênh lệch lương là 0,21 lớn hơn chênh lệch hệ số lương ở ngạch củ là 0,2 nên thời gian nâng lương lần sau căn cứ theo quyết định nâng lương mới nhất.

Ví dụ 2: Giáo viên B đang dạy ở bậc trung học cơ sở có hệ số lương 3,96 nếu đủ điều kiện sẽ được bổ nhiệm chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng II khi đó hệ số lương mới sẽ được chuyển là 4,0.

Do chênh lệch lương chỉ là 0,04 nhỏ hơn 0,31 nên thời gian nâng lương lần sau căn cứ vào quyết định nâng lương ở ngạch cũ.

Chuyển xếp lương giáo viên khi giáng hạng?

Việc xếp lương theo Dự thảo lương mới, sẽ có giáo viên được thăng hạng thì sẽ có giáo viên bị giáng hạng.

Một số trường hợp không đủ các tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ,…thì sẽ được chuyển xếp thành giáo viên chưa đạt chuẩn là giáo viên hạng IV đối với giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Các trường hợp khác đa số giữ nguyên giáo viên hạng III

Việc giáng hạng thì cũng thực hiện tương tự như việc thăng hạng được chuyển vào bậc lương tương ứng có hệ số lương liền kề.

Ví dụ 1: Giáo viên A đang dạy bậc trung học cơ sở hưởng lương đại học có hệ số lương 4,98 nếu không đủ tiêu chuẩn về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp,… sẽ phải chuyển xếp hạng giáo viên trung học cơ sở hạng IV (giáo viên chưa đạt chuẩn) có hệ số lương 4,89.

Ví dụ 2: Giáo viên B đang dạy ở tiểu học đang hưởng lương giáo viên tiểu học có hệ số lương cao đẳng có hệ số lương 3,34, nếu không đạt các tiêu chuẩn thì sẽ được chuyển xếp lương giáo viên không đạt chuẩn có hệ số lương 3,26.

Thời gian nâng lương lần sau căn cứ vào ngạch mới, cụ thể là 2 năm đối với giáo viên có trình độ trung cấp, 3 năm đối với giáo viên có trình độ đại học.

Trên đây là một số vấn đề bạn đọc quan tâm về việc xếp lương khi thăng hạng, giáng hạng, xếp lương giáo viên trong thời gian tới để bạn đọc tham khảo.

Trong thời gian tới sẽ có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất thực hiện.

BÙI NAM

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-se-duoc-xep-luong-nhu-the-nao-khi-thang-hang-giang-hang-post212642.gd