Giáo viên THCS, THPT từ nay sẽ không còn bắt buộc phải dự giờ

Dự giờ vốn là một hoạt động quen thuộc, bắt buộc với giáo viên các cấp học từ xưa đến nay. Tuy nhiên, từ ngày 1/11, giáo viên THCS, THPT sẽ không phải dự giờ như một hình thức bắt buộc. Riêng các giáo viên chủ nhiệm sẽ được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm. Quy định này bước đầu được sự đồng tình cao của các giáo viên và chuyên gia giáo dục.

Cụ thể, theo thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 01/11/2020 thì giáo viên THCS, THPT sẽ không còn phải dự giờ, thăm lớp như trước đây. Điều 21, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục nêu rõ các hồ sơ giáo viên cần phải có là: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Khác với các thông tư trước đây, giáo viên không còn phải có "Sổ ghi chép dự giờ, thăm lớp". Hoạt động dự giờ chỉ còn duy trì với giáo viên chủ nhiệm. Tại khoản 2, Điều 29, Điều lệ này cũng nêu rõ việc giáo viên chủ nhiệm sẽ "Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm". Như vậy, nhìn chung có thể thấy hoạt động dự giờ không còn là một hoạt động giáo dục bắt buộc với các giáo viên THCS, THPT.

Giáo viên, học sinh trong một tiết dự giờ tại Bắc Giang (Nguồn: Sở GDĐT Bắc Giang).

Giáo viên, học sinh trong một tiết dự giờ tại Bắc Giang (Nguồn: Sở GDĐT Bắc Giang).

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên giảng dạy môn Hóa học tại hệ thống giáo dục Hocmai.vn cho rằng: "Quy định này chính là một phép thử cho hoạt động đánh giá, kiểm tra của giáo viên của các nhà trường. Tuy chúng ta bỏ đi một quy định "cứng" nhưng vẫn nên khuyến khích các giáo viên góp ý, đánh giá cho nhau qua các giờ dạy. Ví dụ như về phương pháp giảng dạy, các tiết dự giờ sẽ rất có ý nghĩa với các giáo viên trẻ, mới ra trường. Về ứng dụng công nghệ, các giáo viên thế hệ trước cũng sẽ được cập nhật qua các tiết dạy này. Đương nhiên, mọi thứ phải diễn ra trong "tự nguyện" chứ không phải "diễn kịch" như trước đây".

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Th.S Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Thực ra, bản chất, mục đích của hoạt động dự giờ là tích cực. Qua đó, mỗi giáo viên có thể học hỏi phương pháp của đồng nghiệp. Không chỉ vậy, nhiều giáo viên còn được góp ý cho bài giảng của mình. Tuy nhiên, khi áp dụng thực tế trong thời gian qua, việc dự giờ tại đa số các cơ sở giáo dục, đào tại lại không như vậy". Theo Th.S Nguyễn Viết Hiền có một số điểm rất đáng lưu ý:

Thứ nhất, các hoạt động dự giờ trước đây cơ bản là được xây dựng sẵn với mục đích làm mẫu, giáo viên, học sinh đã tập dượt thử trước khi vào tiết dự giờ thật. Chính việc này tạo thành áp lực, lối mòn với học sinh. Nếu dự giờ theo kiểu đã dạy trước, học trước thì gần như giáo viên, học sinh chỉ "diễn lại". Hiệu quả của việc tiếp thu kiến thức qua những buổi học như thế với học sinh chỉ mang tính chất như một giờ ôn tập nếu không muốn nói là không có hiệu quả.

Thứ hai, quá quan trọng việc các tiết dự giờ phải chỉnh chu, mẫu mực đã khiến giáo viên, nhà trường chạy dài theo cuộc đua thành tích. Đó là một trở ngại lớn cho chính giáo viên được dự giờ. Các tiết dự giờ đòi hỏi phải chuẩn bị công phu, tốn kém. Thay vì học hỏi, góp ý để tiến bộ thì các cuộc dự giờ hầu như là một cuộc "bắt lỗi" giáo viên.

Thứ ba, khi bắt học sinh phải "diễn kịch" về lâu dài sẽ tạo cho học sinh thói quen nặng nề về thành tình, không trung thực.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền trong một giờ trao đổi phương pháp giảng dạy với giáo viên.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền trong một giờ trao đổi phương pháp giảng dạy với giáo viên.

Không chỉ vậy, Th.S Nguyễn Viết Hiền cũng cho rằng cần tạo ra những giải pháp phù hợp để thay thế việc dự giờ. Các nhà trường có thể cho quay hình các giờ dạy bất kỳ theo mong muốn của giáo viên và đánh giá, góp ý, thảo luận chuyên môn vừa tránh gây áp lực cho học sinh, giáo viên mà vẫn đảm bảo được mục tiêu tích cực của hoạt động dự giờ.

Việc dự giờ, thao giảng theo kiểu "cả lớp vỗ tay", "văn hay diễn lại" từ lâu vốn đã trở thành vấn đề nhức nhối với phụ huynh, dư luận xã hội. Giáo viên THCS, THPT không còn phải dự giờ thực sự là tín hiệu tích cực nhằm hướng hoạt động dạy học đi vào trọng tâm tránh bệnh thành tích, lãng phí thời gian "vô bổ".

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/giao-vien-thcs-thpt-tu-nay-se-khong-con-bat-buoc-phai-du-gio-2020110616415458.htm