Giáo viên thiếu kiến thức tâm lý, học sinh dễ bị bạo hành
Trẻ mầm non và học sinh (HS) tiểu học thường bị đánh, mắng ở lớp học khi có hành vi chưa đúng. Bởi giáo viên (GV) lo tập trung giảng bài mà ít quan tâm đến tâm lý của các em. Hay nói cách khác, sự tôn trọng và lòng kiên nhẫn nói chuyện với trẻ đang bị 'mài mòn'.
Giáo viên thiếu kiến thức tâm lý
Đủ kiểu đánh
Gần đây, báo chí và cộng đồng mạng xã hội lên án hành động GV liên tục véo tai, đánh, mắng HS tiểu học trong giờ học, hoặc cô giáo ném vở xuống đất sau khi chấm bài… Đó là một trong số ít mà phụ huynh phát hiện và đâu đó cũng vẫn âm ỉ xảy ra tình trạng HS bị đánh tại lớp học. Và ngay tại trong tỉnh, tình trạng trẻ mầm non và HS tiểu học cũng bị giáo viên, bảo mẫu đánh và véo tai như thế… Đơn cử trường hợp một HS lớp 4, trong ngày đầu đến lớp chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, bị cô giáo dùng điện thoại smartphone ụp vào mặt vì loay hoay nói chuyện, dẫn đến chảy máu mũi. Sau đó, cô giáo này dàn xếp ổn thỏa với phụ huynh, tránh không cho nhiều người biết đến. Chị Trần Thị T. ( Phan Thiết), có con gái học cùng lớp với bạn HS bị đánh, cho biết.
Không những đánh, véo, gõ vào đầu… mà không ít GV cũng tiết kiệm lời khen với HS, thường dùng lời lẽ chê bai nhiều hơn. Chẳng hạn, lớp có vài bạn nói chuyện trong giờ học, hoặc nghịch cây cảnh, hoặc chưa chuẩn bị bài tốt, thay vì chỉ cụ thể cái sai của những HS có hành vi chưa đúng, GV lại “chì chiết” hết cả lớp với lời “Cái lớp này… Cái lớp kia…”, phạt hết cả lớp bằng cách không giảng bài 10 phút, lớp học phải giữ im lặng, trong khi đó tiết học chỉ có 35 phút. Hơn thế nữa, nhiều trẻ ở lứa tuổi mầm non bị GV dùng gậy nhựa tập thể dục, hoặc thước đánh vào lòng bàn chân, hoặc véo tai… khi trẻ đánh bạn, cắn bạn, nghịch xà bông trong nhà vệ sinh, ăn chậm... Chiêu này được nhiều GV, bảo mẫu sử dụng khá phổ biến đối với trẻ để cha mẹ khó phát hiện dấu vết bị đánh. Trẻ thường kể với cha mẹ “cô đánh con trong bàn chân”... Đó là thông tin của thạc sĩ tâm lý học Bùi Thị Hồng Thắm (Phó phòng Công tác HSSV, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận).
Xúc phạm thân thể, tinh thần
Thông qua tham khảo ngẫu nhiên, một số GV khẳng định đánh, mắng là xúc phạm tinh thần, thân thể của HS; không đúng với quy định của luậtgíao dục, điều lệ nhà trường và quy định đạo đức nhà giáo. Hs tiểu học rất nhạy cảm, hay bận tâm đến sự tán thành, lời chê bai của bạn bè, thầy cô. Các hình thức “răn đe” theo kiểu đánh mắng sẽ ảnh hưởng tâm lý của HS. Chẳng hạn, HS có cá tính mạnh dễ bị tức tối và hậm hực; còn HS có tính cách sống khép kín, nhút nhát thì bị hằn sâu vào tâm trí dẫn đến tình trạng chán học, học hành sa sút, thậm chí bỏ học. Vì vậy, hành động đánh, mắng là sự thiếu kiến thức phát triển tâm sinh lý của trẻ, không nắm bắt, phát hiện những nhu cầu HS, không biết giới hạn trong từng thời kỳ phát triển và không thấu hiểu, thông cảm để uốn nắn, hướng dẫn trẻ tiến bộ hơn.
Theo cô Thắm, không ít GV lo làm tốt công việc giảng bài mà quên sự quan tâm đến nhu cầu tâm lý HS. Hay nói cách khác, sự tôn trọng và lòng kiên nhẫn nói chuyện với HS đang bị “mài mòn”. Khi trẻ có hành vi chưa đúng, hoặc chưa thực hiện đúng theo nội quy lớp, GV chứng tỏ người quyền hành cao nhất có quyền đưa ra hình phạt đánh, mắng mà không nói chuyện, nêu rõ hành vi cụ thể và giải pháp phù hợp theo tính cách từng HS, từng trẻ. Vận động, nói chuyện là nhu cầu không những của trẻ mầm non mà ngay cả HS tiểu học cũng cần nhu cầu này. Ngoài việc giảng dạy kiến thức, GV nên tôn trọng, lắng nghe, quan sát nhu cầu tâm lý trẻ và HS.
Làm nhiều cách
Nhằm giảm thiểu tình trạng GV đánh trẻ, HS, mỗi năm, nhà giáo đều thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học; tham gia các buổi sinh hoạt cụm được tổ chức theo định kỳ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, giáo viên gương mẫu, hết lòng vì HS nhằm lan tỏa những hình ảnh đẹp, cách làm hay trong toàn ngành. Song song đó, nhiều phụ huynh cho rằng lắp camera tại lớp học ở các trường mẫu giáo, tiểu học; kết nối camera với smartphone của từng phụ huynh, không chỉ tạo sự yên tâm cho phụ huynh mà còn giúp phụ huynh giám sát, giảm sự bạo lực với trẻ, HS. Đặc biệt, trẻ ở bậc mầm non còn quá nhỏ, chưa thể kể hết câu chuyện, sự việc xảy ra trong ngày với cha mẹ.
Thay vì đánh, mắng để phạt HS, thì GV hãy nói chuyện và lắng nghe. Bởi vận động là nhu cầu cần thiết với HS tiểu học. Mỗi tiết học cần xen giữa các hoạt động “động và tĩnh”. Nghĩa là, HS không thể ngồi im chỉ lắng nghe, làm bài, phát biểu khi được gọi tên trong tiết học kéo dài 35 phút, mà phải có thảo luận về chủ đề của bài học, hoặc tổ chức trò chơi “ai nhanh hơn”, “sắp xếp theo thứ tự”, “truyền tay” nhằm ôn lại bài vừa mới giảng, giúp HS rèn tính nhanh nhẹn chính xác trong khi làm bài tập… Với trẻ mầm non, GV tách trẻ sang nhóm khác gần tầm tay, tầm mắt của GV để dễ quan sát hạn chế trẻ đánh bạn, cắn bạn… Đó là ý kiến của cô Thắm không chỉ giảm tối thiểu tình trạng đánh, phạt HS mà còn tạo sự hưng phấn cho HS trong giờ học.