Giáo viên thời 4.0: Chủ động, sáng tạo trong giảng dạy
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kêu gọi giáo viên chủ động, sáng tạo để đổi mới giáo dục. Thông điệp này đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, nhất là những người đang trực tiếp giảng dạy.
Muốn đổi mới giáo dục, nhất là trong thời kỳ 4.0, rất cần đến sự chủ động và sáng tạo của giáo viên. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi hơn nữa để giáo viên thực sự mạnh dạn trong sáng tạo, đổi mới cách giảng dạy, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ mới.
* Mạnh dạn đổi mới, sáng tạo
Thời gian qua, Đồng Nai có không ít gương giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới cách giảng dạy và đem lại hiệu quả giảng dạy cao.
Đơn cử như cô Kiều Thị Mỹ Hạnh, giáo viên trẻ Trường tiểu học Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) được coi là “cây sáng kiến” giúp học sinh học tốt và yêu thích môn Tiếng Anh. Để làm được điều này, cô Hạnh phải suy nghĩ và bỏ nhiều thời gian tìm hiểu vì sao học sinh lại sợ học, học không tốt môn Tiếng Anh và làm sao để học sinh thích thú, hăm hở mỗi khi đến giờ học tiếng Anh.
Nắm bắt tâm lý học sinh tiểu học thích những trò chơi trực quan sinh động, nên ngoài sách giáo khoa, cô Hạnh đã sưu tập tranh ảnh, clip; tìm nhiều trò chơi tiếng Anh để tạo hứng thú cho học sinh theo phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”. Như “mưa dầm thấm đất”, những trò chơi đoán chữ qua tranh ảnh, clip hay trò chơi tiếng Anh đã giúp học sinh phản xạ tốt với kỹ năng nghe nói.
Cô Nguyễn Thị Thúy Duyên, Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng vào giảng dạy. Cô Duyên đã sử dụng công cụ hỗ trợ dịch phụ đề tự động video tiếng nước ngoài thành tiếng Việt để giúp học sinh có hứng thú và học tập tốt hơn ở môn Khoa học tự nhiên. Sáng kiến này đã giúp giáo viên tìm kiếm thông tin chèn thêm vào bài giảng ở môn Khoa học tự nhiên lớp 7; đồng thời giúp học sinh có thể nghe tốt và đọc đúng tên gọi của các chất hóa học bằng tiếng Anh…
Tuy nhiên, không phải sự sáng tạo, sáng kiến nào của giáo viên cũng được ban giám hiệu các trường chấp nhận. Bởi thực tế có không ít lãnh đạo, nhà quản lý có tư duy “ngại đổi mới”, chỉ muốn đi theo lối cũ cho an toàn.
Một giáo viên dạy tiếng Trung trên địa bàn tỉnh chia sẻ, chương trình tiếng Trung hiện hành ở một số trường đại học, cao đẳng tại TP.Biên Hòa đã quá cũ, được biên soạn từ năm 1999. Từ đó đến nay đã 24 năm trôi qua, hệ thống từ ngữ cũng đã có nhiều biến đổi, hình thức thi và sự phân chia cấp độ của ngôn ngữ này cũng đã thay đổi rất nhiều. Giáo viên này đề xuất ban giám hiệu các trường thay chương trình cũ bằng chương trình mới hiện nay là giảng dạy theo các cấp độ từ sơ - trung đến cao cấp (tức từ trình độ HSK1 đến HSK6), nhưng không được các trường đồng ý vì ngại không đúng chương trình đã đăng ký.
* Để giáo viên “chủ động” và “sáng tạo” đúng nghĩa
Nhiều ý kiến người trong cuộc cho rằng, để sáng tạo trong dạy học, giáo viên phải được trao quyền chủ động trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, nội dung bài học, hình thức kiểm tra, đánh giá dựa trên chương trình khung do ngành giáo dục đưa ra. Giáo viên phải là người được quyền quyết định lựa chọn phương pháp giảng dạy của mình.
Có hơn 20 năm dạy tiểu học, cô Nguyễn Thị Hằng (giáo viên một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa) tâm sự, giáo viên hiện nay vẫn chưa thể thực sự được chủ động nên khó có thể sáng tạo. Chẳng hạn trong việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK), giáo viên được góp ý, được bàn bạc, được trực tiếp đóng góp vào việc lựa chọn SGK. Nhưng khi chốt lại chọn một bộ SGK theo số đông trong trường. Lẽ ra giáo viên nên được chọn tài liệu để soạn bài trong bất cứ bộ sách nào trong chương trình cho phù hợp để cho học sinh dễ hiểu, dễ học và học có kết quả. Khi giáo viên được chủ động lựa chọn phương pháp giảng dạy của mình, được lựa chọn SGK, họ sẽ có những tiền đề sáng tạo trong dạy học.
Đồng thuận với việc giáo viên cần trao quyền để chủ động và sáng tạo trong giảng dạy, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Trịnh Phương Ngọc cho biết, tại Trường THPT Nguyễn Trãi, những năm qua, ban giám hiệu luôn đồng hành với giáo viên; luôn tạo điều kiện để giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong các hoạt động giảng dạy, hoạt động trong và ngoài nhà trường. Ngoài ra, trường nỗ lực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đầy đủ để tạo điều kiện cho giáo viên có môi trường tốt nhất để sáng tạo.
“Thực tế từ trường chúng tôi cho thấy, khi được trao quyền, các giáo viên chủ động hơn, sáng tạo và có nhiều sáng kiến hay hơn và hiệu quả đem lại thực sự tốt hơn rất nhiều cho học sinh và cho cả tập thể trường” - bà Ngọc cho biết.
NGƯT-TS NGUYỄN THỊ THU LAN, Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT: Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để giáo viên sáng tạo
Để sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công, chúng ta nên bắt đầu từ những giáo viên trực tiếp đứng lớp. Ngoài việc khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo; hỗ trợ vật chất tinh thần để giáo viên yên tâm với nghề thì việc trao cho họ quyền chủ động trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, nội dung bài học, hình thức kiểm tra, đánh giá. Khi được trao quyền, giáo viên sẽ có cơ hội phát huy năng lực sáng tạo, đổi mới trong dạy học, từ đó giúp học sinh phát triển toàn diện.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH: Giáo viên có vai trò quyết định trong việc đổi mới giáo dục
Hiện nay, sự phát triển của công nghệ số đã xây dựng nguồn thông tin, tài liệu học tập đồ sộ trên không gian mạng, rất thuận lợi để mọi người tiếp cận. Do đó, giáo viên càng phải không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy theo hướng hỗ trợ học sinh nhìn nhận, chọn lọc, sử dụng tài liệu học tập một cách hiệu quả; phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng; phát triển phẩm chất, năng lực người học, giúp người học chủ động khai thác, lĩnh hội kiến thức.
Giáo viên là người hiện thực hóa công cuộc đổi mới giáo dục mọi giai đoạn. Để giáo viên an tâm chủ động, sáng tạo trong giảng dạy thì thu nhập của giáo viên cần phải đủ sống. Khi đời sống vật chất đầy đủ, tinh thần làm việc của giáo viên được nâng cao. Đây là tiền đề cần thiết cho sự chủ động, sáng tạo của giáo viên.
An Nhiên (ghi)