Giáo viên tiểu học duy nhất được tặng danh hiệu NGND năm 2024
Cô Đỗ Thị Hồi là giáo viên tiểu học duy nhất trong 21 người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2024.
Ngày 27/6, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 21 thầy, cô giáo. Trong đó, duy nhất có một cô giáo bậc tiểu học. Đó là cô Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Hết lòng với học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Hồi chia sẻ, đến với nghề giáo là một cái duyên, bởi ước mong của ba mẹ cô là muốn cô trở thành bác sĩ.
Tuy nhiên khi đi học, được nhìn các thầy, cô dạy học, cô cũng muốn sau này được trở thành giáo viên để giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh. Năm 1992, cô tốt nghiệp sư phạm và nhận quyết định về công tác tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1.
Những năm đầu vào nghề, dù gặp không ít khó khăn nhưng sự thương cảm trước nỗi khó khăn, vất vả của các em học sinh vùng sâu đã tiếp thêm động lực giúp cô hoàn thành tốt công việc.
Theo cô Hồi, thời điểm cách đây khoảng 20 - 30 năm về trước, điều kiện sống tại đây vẫn còn rất khó khăn. Khi đó, cô được phân công giảng dạy ở một trường cách xa thị trấn 15km mà đường toàn là đường đất nên mùa mưa thì trơn trượt, xe cộ đi lại nhiều nên đất cát lún sâu, còn trời nắng thì bụi. Việc đi lại vô cùng khó khăn, nhiều bữa đến trường cô ướt sũng, sình bùn dính bẩn hết quần áo.
Tuy nhiên, với mong muốn mang con chữ đến cho các em học sinh, với trách nghiệm của nghề giáo và tình yêu thương học trò, cô đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ để giúp đỡ các em, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả trong giờ học, cô Hồi cho biết, trong giờ dạy trên lớp, cô chú trọng phân hóa học sinh theo nhóm, theo khả năng tiếp thu. Ngoài giờ dạy chính trên trường, cô thường ở lại mỗi ngày khoảng 30 đến 45 phút kèm thêm cho những học sinh còn yếu kém. Những học sinh phải phụ giúp cha mẹ, không thể đến lớp đầy đủ, cô tìm đến tận nhà để giúp đỡ các em ôn lại kiến thức.
Ngoài những khó khăn về vật chất, nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, không ai đưa đón đi học nhất là những ngày học 2 buổi tại trường, những học sinh còn nhỏ không tự đi học một mình. Hiểu rõ những khó khăn đó, cô luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho học sinh được đến trường.
“Có những học sinh nhà xa, ba mẹ các em không thể đưa các em đến trường ngày học 2 buổi nên tôi đề xuất với phụ huynh buổi trưa gửi các em tới nhà cô nghỉ ngơi để chiều tiện đi học.
Khi đó có phụ huynh của một em học sinh là mẹ đơn thân, đi làm trên Thành phố Hồ Chí Minh, em mới lớp 2 nên ở nhà với bà nội. Tuy nhiên, bà nội cũng có tuổi nên không thể đưa cháu đi học, trong khi nhà cách trường cũng khá xa. Vì vậy tôi có nói với phụ huynh là gửi em lại nhà mình để buổi trưa cô chăm sóc, kèm phụ đạo thêm và khi học xong đến tối tôi đưa bé về nhà với bà”, cô Hồi chia sẻ.
Chính bằng những việc làm thiết thực, kịp thời mà lớp cô chủ nhiệm trong suốt thời gian qua không có học sinh nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường.
Không ngừng cống hiến
Ngoài công tác giảng dạy, cô Hồi còn tham gia viết sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 10 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở, 3 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh. Nhiều sáng kiến, đề tài được ứng dụng trong thực tiễn.
Đồng thời, cô còn tích cực bồi dưỡng rèn luyện thêm các em về năng khiếu như tham gia Hội thi viết chữ đẹp các cấp, tham gia ngày Hội Hoa phượng đỏ cấp thị xã, tham gia cuộc thi thanh thiếu niên sáng tạo…
Để động viên học sinh, cô còn trích lương mua tặng trò bút, vở và vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần để các em có thể tiếp bước đến trường. Trong những năm qua, cô đã hỗ trợ và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ Quỹ “Vì học sinh nghèo”, Quỹ “Khuyến học”...
Cô Hồi cho biết: “Có những em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, việc mua sách giáo khoa mới đầu năm học là cả vấn đề. Nhiều khi đi dạy trên lớp thấy các em không có sách vở, bút viết, tôi cũng hỗ trợ các em phần nào. Tuy nhiên, lương giáo viên không nhiều nên thường kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ, ủng hộ các em có quần áo, sách vở mới”.
Với nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, tính đến nay, cô Hồi đã nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thị xã, cấp tỉnh; đạt giải cao trong thi thiết kế đồ dùng dạy học; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn Trung học cơ sở Hồ Chí Minh, Công đoàn giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng; được nhận giải thưởng “Viên phấn Vàng”, giải thưởng “Võ Trường Toản”.
Năm 2017, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 cô được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đầu tháng 3/2023, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” tỉnh Sóc Trăng lần thứ 16 đã thống nhất đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đối với cô Đỗ Thị Hồi.
Đây là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được đề nghị tặng danh hiệu cao quý này. Từ trước đến nay, Sóc Trăng có một nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là thầy Lâm Es, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng.