Giáo viên trường công nghỉ việc do vấn đề tâm thần tăng vọt tại Nhật Bản
Theo báo cáo do Bộ Văn hóa Giáo dục và Khoa học Nhật Bản vừa công bố, trong năm tài chính 2023 (tính đến 31/3/2024), con số giáo viên thuộc các trường công lập của nước này nghỉ việc do các vấn đề về tâm thần lên tới 7119 người, tăng 580 người so với năm trước đó.
Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Cơ quan này cũng cho biết, con số này gia tăng liên tục trong vòng 3 năm trở lại đây. Vậy đâu là nguyên nhân? Giải pháp là gì?
Báo cáo của Bộ Văn hóa Giáo dục và Khoa học Nhật Bản cũng cho biết, ngoài số giáo viên xin nghỉ việc tăng cao kỷ lục, số lượng các thầy cô xin tạm nghỉ để điều trị các bệnh tâm lý trong năm tài chính 2023 cũng lập một đỉnh cao mới với 13.045 người. Tình trạng này đang được coi là một trong những vấn đề cấp bách cần giải quyết càng sớm càng tốt, để giảm thiểu hệ lụy đối với hoạt động giáo dục, đào tạo - quốc sách hàng đầu của Nhật Bản.
Nguyên nhân duy nhất
Theo các chuyên gia và các nhà quản lý, để trả lời cho câu hỏi về nguyên nhân của tình trạng đáng lo ngại này chỉ có 1 đáp án. Đó là do áp lực công việc quá lớn. Áp lực ở đây có nhiều loại. Đầu tiên là từ phía người học. Ở bất cứ nước nào, câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đều đúng. Còn nhìn từ quan điểm triết học, có thể nói, quan hệ giữa người dạy và người học là một cặp phạm trù luôn hàm chứa những mâu thuẫn nội tại.
Ở Nhật Bản, do pháp luật bảo vệ trẻ em đến mức độ “nuông chiều”, khi học trò có những hành vi sai trái, nếu như các thầy cô nóng giận rồi quá lời, hoặc giả có hành động mạnh, hoàn toàn có thể bị học sinh khiếu kiện. Nhiều chuyên gia không đồng tình với cách bảo vệ trẻ em như vậy khi cho rằng, bên cạnh sự bảo vệ vẫn cần những biện pháp nghiêm khắc theo hướng “yêu cho roi, cho vọt”.
Áp lực thứ hai là từ phía phụ huynh và xã hội. Tại Nhật Bản vẫn tồn tại tâm lý phó mặc con em cho nhà trường và các thầy cô, với lý do bận rộn mưu sinh. Khi con em mình tốt đẹp, giỏi giang thì là do tố chất, sự giáo dục và truyền thống gia đình, còn khi có vấn đề là do nhà trường và các thầy cô dạy dỗ không đến nơi đến chốn... Áp lực thứ 3 là do chính các thầy cô tự tạo cho mình. Nhật Bản cũng coi dạy học là một nghề cao quý. Các thầy cô, ngoài năng lực phù hợp với cấp học, còn phải là những tấm gương về đạo đức cho con trẻ noi theo. Chính quan điểm đạo đức này đã khiến các thầy cô tự trách mình thiếu trách nhiệm.
Những áp lực này đã khiến xu hướng muốn thôi việc do gánh nặng tâm lý của giáo viên manh nha từ hơn chục năm trước, và năm 2023 chỉ tình cờ trở thành đỉnh điểm, đồng thời, còn dẫn đến một thực tế khác là người Nhật, đặc biệt là giới trẻ, bắt đầu “tránh” nghề giáo viên, mặc dù chế độ đãi ngộ về lương bổng của ngành giáo dục hơn hẳn nhiều ngành nghề khác trong xã hội Nhật Bản.
Thu nhập cao không bù được cực nhọc
Phải khẳng định, dạy học là một nghề vất vả, và cụ thể tại Nhật Bản, còn mang lại những rủi ro bất ngờ từ phía người học và pháp luật. Với những nghề nguy hiểm hoặc độc hại cụ thể khác, ví dụ như làm việc tại nhà máy điện nguyên tử, diễn viên đóng thế, vận động viên thể thao mạo hiểm... có những chế độ ưu đãi dành riêng cùng sự đồng tình, cảm thông của toàn xã hội. Nhưng nghề giáo viên không được coi như vậy, mặc dù nhìn từ thực tế, mức độ nguy hiểm và độc hại không hề kém, nếu không nói là cao hơn nhiều nghề khác.
Nói nguy hiểm ở đây là vì những phản ứng từ phía học sinh, phụ huynh, nhà trường, pháp luật, trong những trường hợp cụ thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh mạng chính trị của các thầy cô, thậm chí còn dẫn tới vòng lao lý. Còn độc hại, không chỉ đơn giản như việc nhiễm độc cơ thể do môi trường ô nhiễm hoặc phóng xạ..., mà nhiễm độc ở đây là cả về mặt tâm lý, với nhiều rối loạn mà trình độ y học tâm thần rất cao của Nhật Bản hiện nay vẫn chưa điều trị nổi. Thực tế về việc các giáo viên của các trường bao gồm cả công lập và tư thục thôi việc không ngừng tăng cao là bằng chứng rõ ràng. Họ xin thôi việc không phải vì lý do thu nhập thấp mà là vì thu nhập không đủ để trang trải những tổn thương vô hình về tinh thần.
Theo thống kê của Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, mức thu nhập trung bình hàng năm của giáo viên các trường tiểu học và trung học cơ sở lên tới 7.400.000 Yên (tương đương khoảng 1 tỷ 250 triệu VND), trong khi thu nhập bình quân của một người làm công ăn lương tại Nhật Bản chỉ khoảng 4.100.000 Yên (tương đương gần 700 triệu VND). Thu nhập cao gần gấp đôi như vậy, tại sao vẫn muốn bỏ việc. Câu hỏi này cũng đồng thời là câu trả lời về những khó khăn mà nhiều giáo viên của Nhật Bản không vượt qua được. Bởi vì, xét cho cùng, thu nhập không phải là tất cả. Thà rằng ít tiền một chút mà thanh thản còn hơn.
Loay hoay tìm giải pháp
Hiện nay, các cơ quan quản lý của nhà nước của Nhật Bản đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề như: tăng lương, giảm khối lượng công việc, hỗ trợ tâm lý… Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tất cả những biện pháp này đều chỉ manh tính tình thế, có thể sẽ đem lại những hiệu quả nhất định, nhưng chưa đủ để giải quyết gốc rễ của vấn đề. Chừng nào những nguyên nhân chính của vấn đề bao gồm áp lực, sự độc hại, nguy hiểm, rủi ro của công việc.... còn tồn tại, số lượng giáo viên xin thôi việc tại Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng.
Liên quan đến cặp phạm trù giữa người dạy và người học, xã hội Nhật Bản vẫn đang nhìn nhận là người học ở vị trí yếm thế, mà quên mất sự cực nhọc của người dạy. Người ta có thể đau xót khi xem những clip về cảnh người lớn bạo hành trẻ nhỏ, mà ít để ý đến những hành động, lời nói gây tổn thương sâu sắc mà học sinh gây ra cho các thầy cô giáo.
Trên thực tế, học sinh hiện nay luôn ở thế “thượng phong” có thể “công kích” thầy cô và người lớn trong nhiều trường hợp. Lấy một ví dụ để so sánh, mặc dù có thể hơi khập khiễng. Ở Nhật Bản hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp vẫn coi khách hàng là “thượng đế”, nhưng để bảo vệ nhân viên, họ có những định nghĩa và quy định rất rõ về các hành vi mang tính quấy rối từ phía khách hàng và sẽ luật hóa trong một tương lai gần. Thậm chí, các cơ quan quản lý nhà nước còn yêu cầu các doanh nghiệp phải có biện pháp đối phó cụ thể với khách hàng không thân thiện để bảo vệ người lao động.
Lật ngược lại vấn đề, tại sao không thể vừa coi trẻ em, mà cụ thể ở đây là học sinh các cấp của Nhật Bản, là những đối tượng cần ưu tiên, cần được sự yêu thương chăm sóc của toàn xã hội, đồng thời cũng coi các thầy cô giáo là những đối tượng cần cả xã hội bảo vệ. Các chuyên gia đề xuất, bên cạnh việc tăng lương, tuyển thêm giáo viên để giảm khối lượng công việc, hỗ trợ tâm lý..., cần luật hóa việc đảm bảo an toàn cho các thầy cô trên giảng đường. Có như vậy, “những người đưa đò” mới có thể yên tâm với “sự nghiệp trồng người”.