'Giáo viên trường công sắp về hưu mới đạt ngưỡng 20 triệu đồng/tháng'
Thu nhập của giáo viên ở các trường công lập dao động mức 7 - 15 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào thâm niên, chức vụ, hạng chức danh nghề nghiệp... Số đạt ngưỡng trên dưới 20 triệu đồng/tháng thường ít, chủ yếu là giáo viên sắp nghỉ hưu.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay, giáo viên của trường hiện nay tổng thu nhập (không tính dạy thêm ở ngoài trường) đến từ những khoản gồm: Lương theo hệ số, phụ cấp thâm niên (theo năm công tác); phụ cấp ưu đãi nghề (30%); phụ cấp chức vụ (nếu có); phụ cấp vượt khung (nếu có).
Theo ông Tuấn Anh, những khoản này cũng thống nhất đối với giáo viên THCS trên cả nước, chỉ khoản phụ cấp ưu đãi nghề là khác nhau theo vùng (vùng thuận lợi là 30%; vùng khó khăn nhất là 70%).
Ngoài ra, có thể giáo viên có thêm thu nhập từ dạy thêm trên trường, song hầu hết chỉ giáo viên dạy các môn Toán, Văn, tiếng Anh và nếu có, cũng chỉ thêm vài chục triệu đồng/năm.
“Ở trường tôi, tổng thu nhập của giáo viên thấp nhất là khoảng hơn 9 triệu đồng, cao nhất là hơn 22 triệu đồng/tháng”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, công thức tính thu nhập trên cũng được áp dụng ở trường mình. Ông Cường lấy ví dụ, một giáo viên mới ra trường được hưởng: Hệ số lương cơ bản 2,34, phụ cấp ưu đãi nghề tỷ lệ 30% với mức lương cơ sở đang áp dụng là 2.340.000 đồng/tháng. Theo đó công thức tính thu nhập như sau: Thu nhập = 2.34 x 2.340.000 + 30% x 2.34 x 2.340.000= 7.118.280.
Hay với một giáo viên đi làm 10 năm, đóng đủ bảo hiểm xã hội 10 năm được hưởng: hệ số lương cơ bản 3,33; phụ cấp ưu đãi nghề tỷ lệ 30%, phụ cấp thâm niên nhà giáo 10%. Như vậy, công thức tính thu nhập như sau: Thu nhập = 3,33 x 2.340.000 + 30% x 3,33 x 2.340.000 + 10% x 3,33 x 2.340.000 = 10.909.080.
Như vậy, theo ông Cường, sau khi trừ đi các khoản đóng bảo hiểm,... giáo viên trường ông có thu nhập thực dao động từ khoảng 6,4 đến 19,9 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Cường, giáo viên nhận được mức thu nhập gần 20 triệu là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: “Thu nhập của giáo viên chủ yếu từ lương và phụ cấp. Một số thầy cô dạy Toán, Văn, tiếng Anh có thể thêm một chút từ dạy thêm. Mức thu tiền dạy thêm - học thêm tổ chức trong trường không cao. Thu nhập giáo viên trường tôi thấp nhất là 4,9 triệu đồng, cao nhất như tôi là lương hạng I với 33 năm trong nghề cũng chỉ được 21 triệu đồng. Đây còn là mức mới được tăng, còn trước thua cả học trò của tôi mới ra trường đi làm ở các doanh nghiệp. Nhìn chung đời sống giáo viên vẫn vất vả”.
Bà Trần Thị Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho hay, thu nhập của giáo viên trong trường dao động từ khoảng 8 đến 15 triệu đồng/tháng.
Giáo viên một trường THPT có tiếng ở Hà Nội chia sẻ: “Theo bảng lương mới của tôi - một giáo viên giảng dạy 15 năm trong nghề, tổng thu nhập là 11.231.000 đồng. Đây là với giáo viên lâu năm mới được mức như vậy. Các giáo viên vừa ra trường, đi làm khoảng 2-3 năm khó khăn, chắc chỉ 3 - 4 triệu/tháng”. Cũng vì vậy, theo cô giáo này, việc các giáo viên tìm cách dạy thêm ngoài thời gian dạy chính khóa ở trường là điều dễ hiểu.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở Hải Dương cho hay, tại trường mình, lương giáo viên cao nhất cũng chỉ được gần 17,5 triệu đồng/tháng. “Trường hợp này là hạng cao nhất và chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu. Cả trường chỉ có 2 người hiện đạt mức thu nhập này”, vị hiệu trưởng nói. Những giáo viên có mức thu nhập thấp nhất khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, do chính sách riêng của tỉnh Hải Dương, giáo viên mầm non được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/tháng nên thu nhập giáo viên của trường dao động khoảng 7 triệu - 18 triệu đồng/tháng. “Với mức lương thấp, không ít giáo viên trong trường tìm việc làm thêm ngoài giờ để tăng thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình”, vị này nói.