Giáo viên xúc phạm học sinh: Làm thế nào để khắc phục hành động thiếu chuẩn mực?

Pháp luật quy định, không ai có quyền xúc phạm người khác, càng không được có hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, trẻ vị thành niên.

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh một giáo viên Trường THPT Đa Phúc đang mắng nữ sinh sau khi túm cổ áo, kéo lê nữ sinh này vào lớp học được đăng tải trên mạng xã hội

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh một giáo viên Trường THPT Đa Phúc đang mắng nữ sinh sau khi túm cổ áo, kéo lê nữ sinh này vào lớp học được đăng tải trên mạng xã hội

Mới đây mạng xã hội "dậy sóng" khi một clip lan truyền trên mạng xã hội về một giáo viên Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã phạt một nữ sinh lớp 12 bằng cách đuổi em này khỏi lớp, quỳ khóc đến kiệt sức và có lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực chỉ vì em "không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng mà cô giáo yêu cầu".

Tiếp đó, mạng xã hội lại ồn ào clip ghi lại vụ việc thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã có lời nói thô bạo, xúc phạm một học sinh lớp 10 ngay trên bục giảng. Thầy giáo có những lời nói khiếm nhã với học sinh. Sau đó, thầy vung sách, rồi đưa cho học sinh, quát "về".

Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì ngày 2/10, phụ huynh có con học ở cơ sở Mầm non tư thục Ngôi Sao Nhỏ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tố giáo viên bạo hành trẻ. Cụ thể, khi thấy trẻ khoảng 2 tuổi khóc, cô giáo thay vì dỗ dành đã mắng chửi, bóp mồm trẻ. Thời điểm xảy ra sự việc có một giáo viên khác ngồi cạnh chứng kiến nhưng không có bất kỳ hành động nào can thiệp, hỗ trợ trẻ.

Trao đổi về những vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, CQĐT sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ có hành vi vi phạm pháp luật hay không. Trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy đã có hành vi làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay xâm phạm thân thể người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, sức khỏe của học sinh, gây ra dư luận xấu cho xã hội, giáo viên có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc khởi tố hình sự tùy vào tính chất của vụ việc và hậu quả xảy ra.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có hành vi làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay xâm phạm thân thể người khác hoặc hành vi chưa đến mức xử phạt vi phạm hành chính thì nhà trường cũng cần có biện pháp xử lý theo quy định, nội quy của nhà trường. Đồng thời, cũng cần xem xét lại hành vi ứng xử và cách xử lý tình huống không chuẩn mực nghề giáo của giáo viên này xem giáo viên có đủ tư cách để đứng lớp nữa hay không.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết thêm, hành vi của các vụ việc trên tùy mức độ nghiêm trọng có thể xử lý hình sự. Cụ thể, Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì giáo viên vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học được quy định như sau:

“Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi sau (mức phạt đối với cá nhân từ 2.500.000 đến 5.000.000 đồng): Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Ngoài ra, tổ chức và cá nhân vi phạm phải xin lỗi công khai (hoặc không công khai nếu có yêu cầu không công khai) nạn nhân. Nếu vụ việc nghiêm trọng thì giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155, BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, việc bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, đặc biệt là phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực là hết sức cần thiết. Hiện nay, cách xử phạt truyền thống khi học sinh phạm lỗi đang được nhiều giáo viên sử dụng là dùng hành vi và dùng lời nói, cử chỉ làm cho học sinh sợ hãi, đau đớn, xấu hổ để không tái phạm hành vi. Trong khi đó, hình phạt tích cực (kỷ luật tích cực) hiện đang được nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến áp dụng, là chỉ ra cho trẻ thấy mình mất cơ hội, mất quyền lợi nếu phạm lỗi.

Vì vậy, ngoài các bồi dưỡng công tác chuyên môn, các nhà trường cũng cần trang bị cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng về giáo dục kỷ luật tích cực và tạo điều kiện để các thầy cô được trải nghiệm quản lý lớp học tích cực trong nhà trường một cách thực chất.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giao-vien-xuc-pham-hoc-sinh-lam-the-nao-de-khac-phuc-hanh-dong-thieu-chuan-muc-355222.html