Giao xe cho con khi chưa đủ tuổi: Đừng xem nhẹ hậu quả!

Thời gian gần đây, nhiều học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thậm chí do chính phụ huynh giao xe. Trong khi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra. Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của phụ huynh trong bảo đảm an toàn giao thông.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông của học sinh. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông của học sinh. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Chế tài xử phạt đã đủ răn đe?

Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do sự chủ quan của phụ huynh khi giao xe cho con em mình. Ngày 11/3/2025, Tòa án nhân dân huyện Ninh Giang (Hải Dương) tuyên phạt 6 tháng tù đối với bà Lê Thị L. vì giao xe máy điện cho con trai chưa đủ 16 tuổi. Hậu quả là con trai bà gây tai nạn nghiêm trọng, khiến hai người bị thương nặng.

Tại Tiền Giang, ngày 16/12/2024, Nguyễn Trọng H. (sinh năm 2008) điều khiển xe mô-tô dung tích trên 50 phân khối khi chưa có giấy phép lái xe, gây tai nạn khiến một người tử vong. Cha của H., ông Nguyễn Thanh T., cũng bị khởi tố vì hành vi giao xe cho con.

Mới đây, ngày 24/3/2025, dư luận bức xúc trước vụ việc một người đàn ông ở Vĩnh Phúc để con gái 6 tuổi cầm vô-lăng xe ô-tô chạy trên đường với tốc độ lên đến 61km/giờ. Hành vi này bị xử phạt hành chính, nhưng rõ ràng chế tài hiện tại chưa đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp tương tự.

Theo luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, việc phụ huynh giao xe cho con chưa đủ điều kiện không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn có thể bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu người giao xe biết rõ người nhận không có giấy phép lái xe, đang trong tình trạng sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích mà vẫn giao xe, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, người đó có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, làm giảm hiệu quả răn đe. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh mức phạt theo hướng cao hơn và áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng phương tiện đối với phụ huynh tái phạm. Luật sư Bình nhấn mạnh: “Chỉ khi phụ huynh nhận thức được rằng việc giao xe cho con không chỉ là vi phạm hành chính mà còn có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, họ mới thực sự thay đổi hành vi”.

Chỉ khi phụ huynh nhận thức được rằng việc giao xe cho con không chỉ là vi phạm hành chính mà còn có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, họ mới thực sự thay đổi hành vi.

Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Từ góc độ lực lượng chức năng, Trung tá Ngô Lê Tuấn Anh, Cảnh sát giao thông-trật tự, Công an quận Ba Đình cho biết: “Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện diễn ra phổ biến, đặc biệt là tại các khu vực gần trường học. Trong quá trình tuần tra, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng các em vẫn có tâm lý chủ quan, coi đây là hành vi bình thường. Một số phụ huynh khi được nhắc nhở còn phản ứng tiêu cực, cho rằng con mình đi quãng đường ngắn thì không sao. Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý và cho thấy nhận thức về an toàn giao thông vẫn chưa được đề cao đúng mức”.

Siết chặt quản lý từ gia đình, nhà trường đến pháp luật

Trước thực trạng vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh, nhiều trường học đã triển khai các biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt Đức, Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh được thực hiện thường xuyên. Ban An toàn giao thông của trường cũng được thành lập nhằm kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện cá nhân của học sinh. Ngoài ra, đầu năm học, nhà trường yêu cầu học sinh ký cam kết không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, đồng thời phối hợp với công an kiểm tra tại cổng trường”.

Tương tự, cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đống Đa, chia sẻ: “Nhà trường lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào các tiết sinh hoạt và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Học sinh cũng được yêu cầu ký cam kết thực hiện nội quy và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Chúng tôi mong muốn trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết về giao thông, đồng thời nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật”.

Đại úy Nguyễn Văn Thức, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 3, phổ biến tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho học sinh Trường trung học cơ sở Đống Đa, thành phố Hà Nội trong buổi sinh hoạt dưới cờ sáng 24/3.

Đại úy Nguyễn Văn Thức, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Đường bộ số 3, phổ biến tuyên truyền Luật An toàn giao thông cho học sinh Trường trung học cơ sở Đống Đa, thành phố Hà Nội trong buổi sinh hoạt dưới cờ sáng 24/3.

Đại diện Cảnh sát giao thông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.

“Chúng tôi đã triển khai các chốt kiểm soát gần trường học vào giờ cao điểm để nhắc nhở, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào xử phạt thì rất khó giải quyết triệt để. Điều quan trọng là phụ huynh cần thay đổi nhận thức, không dễ dãi giao phương tiện cho con khi chưa đủ điều kiện”, Trung tá Ngô Lê Tuấn Anh chia sẻ.

Trung tá Ngô Lê Tuấn Anh cũng đề xuất: “Bên cạnh tăng mức xử phạt, có thể áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc đối với phụ huynh tái phạm, chẳng hạn như yêu cầu tham gia các lớp học về an toàn giao thông để nâng cao ý thức trách nhiệm”.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn, chuyên gia pháp lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội cho rằng cần tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả giám sát và xử lý vi phạm. Ông đề xuất: “Bên cạnh việc tăng mức xử phạt, có thể áp dụng hình thức xử phạt nguội thông qua hệ thống camera giám sát giao thông. Điều này giúp phát hiện và xử lý các trường hợp học sinh vi phạm mà không cần lực lượng chức năng tuần tra liên tục. Ngoài ra, có thể xem xét biện pháp tịch thu phương tiện đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần, nhằm tăng tính răn đe”.

Siết chặt chế tài đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng mà còn thể hiện sự chung tay của nhà trường và phụ huynh. Nếu chỉ trông chờ vào biện pháp xử phạt mà không có sự thay đổi từ nhận thức thì sẽ rất khó thay đổi tình trạng vi phạm của học sinh hiện nay.

Do đó, bên cạnh việc nâng cao mức xử phạt, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng. Khi cả xã hội cùng vào cuộc, vấn đề này sẽ từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

THÙY LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giao-xe-cho-con-khi-chua-du-tuoi-dung-xem-nhe-hau-qua-post868960.html