Giao xe cho con, vướng vòng lao lý | Hà Nội tin mỗi chiều
Chuyện một cô gái trẻ tử vong vì bị nhóm 'quái xế' tông tử vong ở Hà Nội mới đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh khi giao xe máy cho trẻ vị thành niên. Việc giao xe khi các em chưa đủ tuổi chẳng khác nào treo tính mạng chúng lửng lơ, còn phó mặc tính mạng người khác.
Chuyện một cô gái trẻ tử vong vì bị nhóm "quái xế" tông vào như một cú sốc với nhiều người. Người ngoài cuộc thì bức xúc, phẫn nộ và xót xa. Người trong cuộc như bố mẹ cô gái xấu xố kia chỉ biết nén chặt nỗi đau trước mất mát quá lớn. Họ tiều tụy đi trông thấy vì sự ra đi đột ngột của đứa con đang chuẩn bị có một mái ấm riêng với bao dự định dang dở. Còn với những "quái xế" kia, sự hối hận chẳng giải quyết được gì nữa. Hôm qua (5/11), ở trước cửa trụ sở cơ quan công an, người thân của các thanh niên bị giam giữ có mặt từ sớm, họ bật khóc khi thấy con mình như vậy. Ai mà chẳng xót con nhưng “con dại thì cái mang”.
Đây là lời nhắc nhở nghiêm túc về tác động mà những hành động vô trách nhiệm có thể gây ra đối với cuộc sống của những người vô tội. Hành vi nông nổi, bất chấp pháp luật dẫn đến hậu quả khủng khiếp, không chỉ một cái chết mà còn làm đường đời của nhiều bạn trẻ ngoặt sang chiều đáng tiếc, còn làm hơn chục gia đình rơi vào hoàn cảnh hoàn toàn không mong muốn.
Thế nhưng, cách đây hai hôm, Công an thành phố lại mới xử lý 60 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ 34 phương tiện với các lỗi vi phạm gồm: giao xe hoặc để người không đủ điều kiện điều khiển; chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy; không đội mũ bảo hiểm... Chuyện này không mới nhưng sao cứ tiếp diễn, dù Hà Nội đang triển khai Kế hoạch số 304 về cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh? Không phải chính quyền không mạnh tay mà vấn đề nằm ở chỗ, trách nhiệm và sự buông lỏng quản lý của các gia đình thì phải?
Thiết nghĩ giáo dục tinh thần tôn trọng, thượng tôn pháp luật cho con em là điều căn bản nhất để chúng trở thành những công dân tốt. Việc giáo dục nghe có vẻ phức tạp nhưng bắt đầu từ thói quen, hành vi chấp hành luật pháp ngay từ những điều nhỏ nhất cũng có thể giúp con trẻ đi đúng hướng chứ không chệch đường. Ở đây, việc giao xe khi các em chưa đủ tuổi chẳng khác nào treo tính mạng chúng lửng lơ, còn phó mặc tính mạng người khác. Nhìn những dòng số liệu vi phạm hằng ngày trong các bản tin về đợt cao điểm ra quân của Công an thành phố và nhất là sau cái chết của cô gái kia, tôi tự hỏi: Cần bao nhiêu người vô tội ra đi nữa thì những “kẻ” làm cha mẹ thản nhiên giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện kia mới thức tỉnh đây?
Chị Thủy Nguyên, một phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ: “Chưa có con đến tuổi đấy, nhưng là một người sống và làm việc theo pháp luật, tôi sẽ không giao xe máy cho con đi khi chưa đủ tuổi. Từ giờ xác định đưa đón con đi học đến hết cấp ba, chứ qua vụ việc vừa rồi, không chỉ gọi xe mà tự đi xe đạp cũng thấy sợ, vì ngoài đường nhiều nguy hiểm...".
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, hiện xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chiếm 95% phương tiện lưu hành tại nước ta. Đáng lo ngại, 3/5 số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vẫn liên quan đến xe máy. Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay nhóm 16-18 tuổi vẫn thiếu kiến thức và đặc biệt thiếu kỹ năng điều khiển xe. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.
Thực trạng này phản ánh rằng, nhiều cha mẹ thương con một cách thiếu hiểu biết khi vẫn giao xe cho con dù chúng chưa đủ điều kiện điều khiển. Chừng nào vẫn còn cảnh các em dàn hàng ngang, chở ba đến bốn người, không mũ bảo hiểm, ngông nghênh giữa phố thì chừng đó, chúng ta còn lo. Đây là hậu quả của hành vi thiếu hiểu biết hoặc nhờn luật, có thể do đã nhiều lần vi phạm nhưng không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời. Hay nói cách khác, khi pháp luật không được thượng tôn, tất yếu khó tránh khỏi những vụ việc đau lòng như thế.
PV đã liên hệ với luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội để tìm hiểu quan điểm và góc nhìn pháp luật qua vụ việc đáng tiếc vừa qua. Cũng là một người cha, luật sư Cường cho hay, điều đáng trách là các bậc phụ huynh đã không quản lý con cái dẫn đến một số trẻ chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, thiệt hại đến tính mạng của người khác. “Do đó, ngoài các đối tượng vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự thì các bậc phụ huynh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về người dưới 18 tuổi gây thiệt hại” - Luật sư Cường nhấn mạnh.
Đối với những người là chủ sở hữu mà giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển gây tai nạn giao thông thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo Luật sư Cường, đây là bài học cho nhiều người khi thiếu trách nhiệm trong quản lý, nuông chiều con cái dẫn đến sự việc nghiêm trọng và cũng là bài học cho các thanh thiếu niên có ý thức coi thường pháp luật.
Chiều qua (5/11), thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị nãy đã xử phạt hơn 300 phụ huynh vì để con lái xe máy. Cũng là những lỗi như chúng ta hay gặp ở đường phố Thủ đô nhưng bố mẹ chúng không tránh được trách nhiệm.