Giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển: Cần thiết phải truy cứu, xử lý nghiêm!
Tai nạn giao thông (TNGT) do người chưa đủ điều kiện điều khiển, nhất là trẻ vị thành niên đã được cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chủ quan giao xe cho con, bất chấp quy định của pháp luật. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài tuyên truyền, nhắc nhở thì cần thiết phải truy cứu, xử lý nghiêm cả người giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Thuận, sáng 2-9 xảy ra vụ TNGT tại vị trí chốt đèn Km1604+750m, nút giao Quốc lộ 1A với đường dẫn lên cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết khiến 5 người bị thương, nhiều xe máy bị hư hỏng. Thông tin ban đầu từ lực lượng chức năng cho biết, chiếc ô tô gây tai nạn do Nguyễn Chí Hào (16 tuổi, ở xã Vĩnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) điều khiển và Hào chưa có giấy phép lái xe.
Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên (sau đây gọi là xe máy) và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng học sinh điều khiển xe máy diễn ra khá phổ biến ở hầu hết địa phương. Ghi nhận thực tế tại Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm (Hà Nội) chúng tôi thấy, giờ tan trường, nhiều học sinh sử dụng xe máy trên 50cm3 với đủ loại như: Air Blade, Wave, Vision... Nhiều em không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vừa ngồi lên xe đã rồ ga lạng lách, “làm xiếc” trên đường.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho biết: “Ngoài nguyên nhân là một số phụ huynh còn nuông chiều, vẫn cho con đi xe trên 50cm3 khi chưa đủ 18 tuổi thì còn do nhà trường, lực lượng chức năng xử lý chưa kiên quyết để tạo tính răn đe. Để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và lực lượng chức năng trong tuyên truyền, giáo dục, xử lý vi phạm; tiếp tục phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh”.
Liên quan đến trẻ vị thành niên điều khiển xe máy trên 50cm3 gây TNGT, ngày 8-8, Công an huyện Đắk Đoa (Gia Lai) đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đắk Đoa truy tố ông L.V.T (57 tuổi, trú tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trước đó, ngày 28-3, L.N.H (15 tuổi, con ông L.V.T) điều khiển xe máy đi học xảy ra va chạm với một xe máy khác tại ngã tư đường Trần Hưng Đạo và đường Trần Phú, thị trấn Đắk Đoa, khiến em N (15 tuổi) bị đa chấn thương, dẫn đến tử vong. Qua điều tra, Công an huyện Đắk Đoa xác định ông L.V.T là người đã giao xe máy cho L.N.H điều khiển dù biết con chưa đủ 16 tuổi, chưa được lái xe máy tham gia giao thông.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, Điều 264 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định rất rõ về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với mức xử phạt cao nhất lên đến 3 năm tù giam. Nếu kết quả điều tra cho thấy phụ huynh biết con mình không đủ điều kiện điều khiển xe máy, xe ô tô (chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe) nhưng vẫn giao xe cho con mình sử dụng dẫn đến TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự là hoàn toàn có căn cứ. Pháp luật quy định xe mô tô, xe gắn máy và các phương tiện cơ giới là “nguồn nguy hiểm cao độ”. Các phương tiện giao thông khi sử dụng đều có thể gây ra tai nạn, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Bởi vậy, pháp luật quy định điều kiện điều khiển phương tiện giao thông là phải có giấy phép lái xe phù hợp, phải tuân thủ quy tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì mới làm giảm nguy cơ TNGT. Do tính chất nguy hiểm của phương tiện giao thông nên pháp luật quy định trách nhiệm của chủ xe cơ giới là phải quản lý, bảo đảm an toàn cho những người xung quanh, nếu không may xảy ra TNGT thì chủ phương tiện phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu sử dụng phương tiện giao thông mà có lỗi gây TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thì người điều khiển phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu giao phương tiện giao thông cho người khác không đủ điều kiện điều khiển sử dụng dẫn đến TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thì người giao phương tiện cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh thêm: “Tình trạng học sinh sử dụng xe gắn máy trên 50cm3 diễn ra rất phổ biến. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, bởi các em chưa có đầy đủ nhận thức về hành vi, ý thức khi tham gia giao thông. Nếu cha mẹ để con sử dụng xe gắn máy và gây TNGT nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý theo quy định Điều 264 Bộ luật Hình sự hiện hành. Để làm giảm TNGT liên quan đến trẻ vị thành niên thì rất cần sự vào cuộc tích cực của các bậc phụ huynh trong giáo dục, quản lý con em. Đồng thời, lực lượng chức năng cần xử lý kiên quyết để tạo tính răn đe”.
ĐỨC TUẤN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.