Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị xử lý hình sự
Đề cập vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 nữ sinh tử vong do đi xe máy 'kẹp' 4 tại xã Kỳ Tây (Hà Tĩnh), Luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng Luật sư Việt Nam cho biết, nguyên nhân đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng trong vụ việc này còn có sự thiếu trách nhiệm của gia đình thiếu quản lý con em khi đi học, giao xe cho người sử dụng chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Luật sư Đỗ Minh Hiển cho hay: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, điều kiện của người lái xe tham gia giao thông là phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định và có giấy phép lái xe phù hợp. “Theo quy định này, các em học sinh trong vụ tai nạn trên không đủ độ tuổi điều khiển và không có giấy phép lái xe phù hợp để được phép điều khiển phương tiện”, ông Đỗ Minh Hiển nói.
Hành vi điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng (điểm a, khoản 4, điều 21). Đối với hành vi của chủ xe khi cho người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện mượn xe máy hoặc giao xe máy cho họ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 đồng (đối với cá nhân); từ 1,6 - 4 triệu đồng (đối với tổ chức) theo điểm đ, khoản 5, điều 30).
Trong vụ tai nạn trên, nếu cơ quan chức năng xác định được người cho mượn hoặc giao xe máy cho các em điều khiển mà biết rõ các em không có giấy phép lái xe; có sử dụng rượu, bia; có sử dụng ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật thì người giao phương tiện sẽ bị khởi tố về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều kiện tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 264 Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi năm 2017 với tình tiết định khung theo quy định tại khoản 2 điểm a “Làm chết hai người”. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo Công điện của Ủy ban An toàn giao thông (UBATGT) Quốc gia mới đây, bước đầu nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do học sinh điều khiển xe máy vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Bên cạnh đó, sự thiếu trách nhiệm của gia đình khi quản lý phương tiện khi cho con em đi học thì còn có trách nhiệm của nhà trường, ngành Giáo dục, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự ATGT của học sinh mà không kịp thời ngăn chặn.