'Giật mình' số lượng khủng long bạo chúa từng sống trên Trái đất
Nhóm các chuyên gia từ Đại học California và Berkeley (Mỹ) mới đây đã công bố một nghiên cứu về loài khủng long bạo chúa (T-Rex). Theo đó, số lượng T-Rex 'lang thang' trên Trái đất trong vài triệu năm trước có thể ở mức 2,5 tỷ cá thể.
Nghiên cứu về loài T-Rex này được công bố trên tạp chí Science (Khoa học) hôm 15/4, dựa trên kích thước cơ thể, quá trình trưởng thành, giới tính và nhu cầu năng lượng. Cụ thể, có tới 127.000 thế hệ T-Rex từng sinh sống trên Trái đất với tổng số cá thể trung bình lên tới 2,5 tỷ.
Ông Charles Marshall, tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là Giám đốc Bảo tàng Cổ sinh vật học của Đại học California cho biết: "Hiện tại, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã tìm thấy khoảng 100 hóa thạch T-Rex. Nếu số lượng T-Rex trước đây là 2,5 triệu thay vì 2,5 tỷ thì có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết đến sự tồn tại của chúng", ông Marshall nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu đã tính toán tỉ lệ "dân số" T-Rex bằng cách áp dụng một quy tắc sinh học chung đó là động vật càng lớn thì dân số càng ít. Sau đó, họ bổ sung thêm các yếu tố như ước tính về năng lượng cần thiết, độ tuổi trưởng thành giới tính (từ 14-17 tuổi).
Theo ông Marshall, loài T-Rex chỉ có tuổi thọ tối đa là 28 và nghiên cứu này góp phần hỗ trợ các nhà khoa học tìm ra tỷ lệ hóa thạch T-Rex. Từ đó sẽ mở ra những điều mà loài người chưa từng biết về cuộc sống trên Trái đất hàng triệu năm trước.