Giật mình ung thư đại trực tràng

Mỗi năm, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương tiếp nhận gần 4.000 lượt bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng (ruột già) đến khám, khoảng 1.000 lượt điều trị nội trú. Căn bệnh ung thư này khiến chúng ta phải giật mình.

Ông Đ.Đ.X (64 tuổi) mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương

Ông Đ.Đ.X (64 tuổi) mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương

Thường gặp ở người từ 50-60 tuổi

Số liệu trên được Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh thống kê trong giai đoạn 2020-2023. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê của riêng bệnh viện này. Thực tế còn rất nhiều ca bệnh ung thư đại trực tràng đã lên tuyến Trung ương mà không khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo báo cáo Tổ chức Nghiên cứu ung thư toàn cầu (Globocan), năm 2022, ung thư đại trực tràng có số bệnh nhân mắc mới ở cả 2 giới là 16.835 ca, chiếm 9,3% và đứng thứ 4 trong số 10 bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam.

Theo thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh ung thư đại trực tràng ở Hải Dương hiện vẫn là một trong những bệnh ác tính thường gặp, chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bệnh thường gặp ở nhóm người từ 50-60 tuổi (chiếm khoảng 40-50%). Tuy nhiên, lượng bệnh nhân là người trẻ từ 30-40 tuổi cũng ngày càng phổ biến. Năm 2023, trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân quê Tứ Kỳ mắc ung thư đại trực tràng mới ngoài 20 tuổi.

Ung thư đại trực tràng là kết quả của các tế bào ung thư hình thành trong niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng. Những dạng ung thư này có nhiều điểm chung và thường được nhắc đến cùng nhau dưới dạng ung thư đại trực tràng. Bệnh thường bắt đầu như một u lành tính được biết như một polyp, sau 3-5 năm dần chuyển thành ung thư nếu không được phát hiện và cắt bỏ kịp thời.

Ung thư đại trực tràng chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn cao hơn có nghĩa là ung thư đã nghiêm trọng, tiên lượng xấu hơn. Bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 1 có tỷ lệ sống thêm 5 năm khoảng 90%, trong khi tỷ lệ này giảm chỉ còn chưa đầy 10% cho các khối u giai đoạn 4.

Khảo sát nhóm bệnh nhân đang điều trị ung thư đại trực tràng tại Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho thấy trước khi được phát hiện họ thường thấy mệt mỏi, bụng khó chịu, chướng hơi, đi ngoài táo bón hoặc phân lỏng xen kẽ, thay đổi khuôn phân (nhỏ, dẹt), phân có dính máu...

Thậm chí, có những bệnh nhân gần như chỉ xuất hiện 1 triệu chứng duy nhất. Chị T.T.H. (38 tuổi, quê Tứ Kỳ) đang điều trị ung thư đại trực tràng tại trung tâm trên chia sẻ: "Cơ thể tôi gần như bình thường, không sụt cân, không mệt mỏi, ăn ngủ tốt. Chỉ khác là đi ngoài thấy có máu nên tôi đi khám thì phát hiện mình đã mắc ung thư này giai đoạn 2".

Chị T.T.H ở Tứ Kỳ mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn 2 là người lười uống nước, ăn ít rau xanh

Chị T.T.H ở Tứ Kỳ mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn 2 là người lười uống nước, ăn ít rau xanh

Thay đổi những thói quen xấu

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh viêm đường ruột, polyp đại tràng, tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng... dễ có nguy cơ mắc bệnh trên. Ngoài ra, nhóm những người ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều thịt đỏ hoặc chế biến, lạm dụng rượu bia, lười vận động, hút thuốc lá, thuốc lào, ăn ít rau xanh, uống ít nước... cũng có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng. Điều này phần nào cũng giải thích được vì sao tỷ lệ mắc ung thư trên ở nam giới lại cao hơn nữ giới.

Ông Đ.Đ.X. (64 tuổi, quê Nam Sách) phát hiện mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn 4 cách đây vài tháng. "Tôi uống ngày 3 bữa rượu, mỗi bữa nửa cốc to. Tôi ăn ít rau xanh. Hồi đầu năm, tôi thấy hệ tiêu hóa của mình có vấn đề, đi khám thì đã muộn", ông X. buồn rầu nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, cách tốt nhất để phòng tránh các loại bệnh ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng là mỗi người cần có ý thức "thay đổi những thói quen xấu" trên. Việc xây dựng một chế độ ăn uống có nhiều rau xanh, hoa quả tươi, bổ sung vitamin, kiểm soát chất béo dung nạp vào cơ thể có thể ngăn chặn được nguy cơ mắc bệnh. Cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước, duy trì luyện tập thể dục, thể thao hằng ngày.

Giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư đại trực tràng rất nguy hiểm, không chỉ cướp đi tính mạng người thân mà còn khiến kinh tế của nhiều gia đình trở nên kiệt quệ. Biện pháp quan trọng hàng đầu là duy trì khám sức khỏe định kỳ từ 1-2 lần/năm để được phát hiện, điều trị kịp thời. Đặc biệt khi có các dấu hiệu như đau bụng, đi ngoài phân máu hay rối loạn đại tiện, thiếu máu chưa rõ nguyên nhân cần nội soi trực tràng để chẩn đoán bệnh. Đối với ung thư đại trực tràng, việc tầm soát lại càng quan trọng vì ở giai đoạn đầu bệnh nhân thường không có bất kỳ triệu chứng nào.

Hiện nay, việc tầm soát ung thư đại trực tràng bằng phương pháp nội soi đại trực tràng rất hiệu quả và phổ biến. Đối tượng có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao cần nội soi toàn bộ. "Gia đình nào có người thân có tiền sử mắc ung thư đại trực tràng, polyp thì những thành viên còn lại càng cần đi tầm soát ung thư, vì bệnh này có yếu tố di truyền", bác sĩ Hương nhấn mạnh.

BÌNH MINH - ĐỖ QUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/giat-minh-ung-thu-dai-truc-trang-391505.html