'Giật mình' với bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
Những hộp bánh Trung thu đủ màu sắc, hương vị được bán với giá rẻ 'giật mình' tràn lan trên các trang mạng xã hội, nhưng không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Những ngày cận kề Tết Trung thu, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mới đây, Lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai vừa thu giữ gần 1,4 tấn bánh dẻo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong lô hàng gồm 270 thùng bìa giấy, bên ngoài ghi chữ nước ngoài. Trong thùng bìa giấy có tổng số hơn 54.000 sản phẩm là bánh dẻo các loại gồm: Bánh dẻo nhân đậu phộng, bánh mè, bánh dẻo nhân khoai môn, bánh dẻo nhân đậu đỏ, tổng trọng lượng hàng hóa là 1,35 tấn.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Phan Văn Thiên (sinh năm 1985, trú tại thôn Tòng Mòn, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai) không xuất trình được giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc của lô hàng kể trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ lô hàng và mời chủ lô hàng về trụ sở để điều tra làm rõ. Ước tính toàn bộ lô hàng có giá trị khoảng 80 triệu đồng. Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý lô hàng và chủ lô hàng theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) vừa phát hiện kho bánh trung thu, kẹo các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Theo đó, sáng ngày 6/9, Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận phối hợp với Công an phường Hòa Minh kiểm tra hàng hóa tại Công ty TNHH TMDV Tổng hợp Minh Bảo (địa chỉ tại đường Đồng Xoài). Cơ sở này do ông Võ Văn Thình (SN 1989, trú phường Hòa Minh) làm chủ.
Qua quá trình kiểm tra, cảnh sát phát hiện tại cơ sở kinh doanh này có 4.594 sản phẩm là bánh trung thu, kẹo các loại xuất xứ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Qua làm việc, đại diện công ty khai nhận số bánh kẹo này đều được mua trôi nổi trên thị trường thông qua các cơ sở bán hàng trên mạng Internet. Đội Cảnh sát Kinh tế cho biết, đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ số bánh kẹo nói trên để xử lý theo quy định.
Hay QLTT Nghệ An xử lý cơ sở kinh doanh bánh trung thu “hai không”. Theo đó, ngày 6/9, Đội QLTT số 11 thuộc Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Đội 1, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông P.H.H làm chủ có địa chỉ tại đường An Dương Vương, phường Trường Thi, TP Vinh (Nghệ An). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông H. đang sử dụng tài khoản trên trang Facebook để tiến hành các hoạt động bán hàng, chốt đơn qua mạng xã hội.
Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 600 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì vỏ bánh không thể hiện thông tin, căn cứ để xác định nơi sản xuất hàng hóa. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc số hàng hóa nói trên.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông H. thừa nhận do nhu cầu tiêu thụ bánh trong dịp Trung thu tăng cao nên ông đã nhập số bánh trên từ các nguồn trôi nổi trên thị trường về để đăng bán online kiếm lời.
Đội Quản lý thị trường số 11 đã tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, buộc chủ cơ sở tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nói trên với tổng giá trị thu phạt ước tính 30 triệu đồng.
Trong ngày 6/9, lực lượng QLTT Hưng Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Hưng Yên (Tổ công tác liên ngành) liên tiếp phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ kinh doanh bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 32.500.000 đồng và tiêu hủy 17.850 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm.
Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động lập kế hoạch hậu kiểm và giao cho các đơn vị Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục QLTT và Vụ Khoa học công nghệ làm đầu mối chủ trì các đoàn kiểm tra công tác hậu kiểm tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại thời điểm hiện tại, thị trường bánh trung thu đang sôi động, đây là thời gian cao điểm lưu thông các mặt hàng thực phẩm như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng... trên thị trường. Nguy cơ các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm trà trộn rất cao.
Do đó, để giảm tối thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và đặc biệt là trẻ em; kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường… Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tổng cục QLTT, lực lượng thị trường tại các địa phương tập trung kiểm tra nguyên liệu sản xuất bánh kẹo, bánh Trung thu, các cơ sở sản xuất rượu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm…
Đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết Trung thu, các đơn vị của Bộ Công Thương đã tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm tra tập chung vào sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, bánh trung thu nói chung và đã có nhiều vụ việc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ được rao bán trên mạng xã hội và vận chuyển tiêu thụ trên thị trường được các lực lượng chức năng phát hiện xử lý.