Giấu vợ, cắm sổ đỏ vì mê nuôi đông trùng hạ thảo

Vì ước mơ đông trùng hạ thảo 'made in Vietnam', không chỉ bỏ tiền túi ra mua giống, thời gian đầu, TS Phạm Văn Nhạ còn âm thầm giấu vợ mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền mua mẫu giống, máy móc,... về thực nghiệm.

Giấu vợ cắm nhà nuôi đông trùng hạ thảo

Với đặc thù của các viện nghiên cứu, các công trình khoa học phải đảm bảo độ an toàn gần như tuyệt đối mới có thể làm đề án xin kinh phí nhà nước. Riêng những dự án mang tính tìm tòi, độ rủi ro cao lại không đủ các điều kiện để được cấp chuẩn quy trình.

Đề tài về đông trung hạ thảo cũng vậy. Bắt đầu từ công đoạn mày mò thực nghiệm, Tiến sỹ Nhạ cho biết ông đã “giấu vợ” mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền mua mẫu giống, máy móc,... về thực nghiệm.

“Lương cán bộ công chức làm gì có nhiều. Cái sổ đỏ luôn nằm một chỗ, có việc lớn cần mua bán chuyển nhượng mới dùng đến. Tôi đã giấu vợ mang sổ đỏ đi thế chấp để làm thí nghiệm” - ông Nhạ chia sẻ.

Máy đo nhiệt độ, độ ẩm luôn được đặt trong phòng để đảm bảo điều kiện môi trường về gần giống nhất với môi trường sinh trưởng của đông trùng hạ thảo Tây Tạng.

Sau rất nhiều lần thử nghiệm, toàn bộ chi phí từ nguyên liệu giống, các thiết bị máy móc chuyên dụng, mà mỗi loại cũng đến cả trăm triệu đồng,... Tính ra, số tiền mà vị tiến sỹ này mang đi “đánh bạc” với đông trùng hạ thảo lên đến cả tỷ đồng.

“Sản xuất đông trùng hạ thảo ở Việt Nam, nơi khí hậu khác xa quê hương gốc của loài nấm này, thật mạo hiểm nên rất khó để xin kinh phí. Tuy nhiên, nhiều năm lăn lộn với nấm côn trùng nên tôi thấy khả năng sản xuất thành công đông trùng hạ thảo ở Việt Nam là rất lớn, vì vậy thay vì xây dựng đề tài, dự án, tôi quyết định bỏ tiền túi”, ông tâm sự.

Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ sinh năm 1975, học chuyên ngành Nông lâm, mấy chục năm trong nghề gắn bó với “đấu tranh sinh học” - một cái tên dễ hiểu là liên quan đến cạnh tranh giống loài trong chuỗi thức ăn tự nhiên, lấy cái đối kháng để kìm chế cái kia, tận dụng nó để khai thác lợi thế của loài có ích.

Hỏi về “bí kíp” của Viện cất ở đâu, ông hóm hỉnh chỉ vào lọn tóc dài vắt trên vầng trán gần như là hói, tủm tỉm cười: “Tôi để nó ở đây, mọi thứ ở trong này”.

TS Nhạ giải thích: “Với một sản phẩm giá trị đang được thổi lên tiền tỷ, đánh vào tâm lý người tiêu dùng, tôi không muốn nó lọt vào tay những người ham lợi nhuận, bất kể chất lượng ra sao nên không công thức hóa nó ra văn bản, giấy tờ”.

“Tôi không có ý định vừa làm nghiên cứu vừa làm kinh doanh, bởi không thể nào cùng lúc làm tốt cả hai việc. Tôi sẵn sàng chuyển giao một cách rộng rãi, nhưng chỉ chuyển giao cho những người, đơn vị có tâm. Nếu ai thật lòng quan tâm, chúng tôi sẽ hướng dẫn trực tiếp trong vòng vài tháng để đảm bảo sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng. Chỉ có như thế người dân mới có cơ hội mua được sản phẩm có chất lượng”, ông chia sẻ thêm.

Sản xuất đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Đấu tranh sinh học, Viện Bảo vệ thực vật.

“Đừng nghĩ rằng nuôi trồng đông trùng hạ thảo là lãi cao. Hiện chúng tôi bán ra thị trường 700.000 đồng/lọ 70-80gram, trừ chi phí thì lãi không còn là mấy”, TS Phạm Văn Nhạ nói.

Hé lộ bí mật về đông trùng hạ thảo Tây Tạng

Tiến sỹ Nhạ phân tích, đông trùng hạ thảo tự nhiên, kể cả ở “cái nôi” của thần dược đó là Tây Tạng, Himalaya, Nepal,... chỉ có giá trị khi khai thác đúng mùa vụ, đúng tuổi trưởng thành.

Một “con giống” tự nhiên, người dân bản địa vào rừng, hễ gặp cả to cả nhỏ đều mang về, bởi nếu họ không khai thác người khác sẽ khai thác. Khi chế biến rồi, không ai phân biệt được loại nào có giá trị về dược liệu. Chỉ có những “con” đông trùng hạ thảo đủ tuổi khai thác (lấy kích cỡ để phân biệt) mới là con có giá trị.

Tại “đại bản doanh” sản xuất đông trùng hạ thảo “made in Việt Nam” của Tiến sỹ Nhạ, những hộp đông trùng hạ thảo đủ độ tuổi để khai thác, sẽ được chế biến bằng hai phương pháp sấy nhiệt và sấy lạnh.

Trỏ tay vào một chiếc máy sấy bằng điện có kích cỡ như một chiếc máy giặt lồng ngang, Tiến sỹ Nhạ cho biết, một chiếc máy như thế này, một mẻ sấy khoảng 4 khay, sau 48 giờ sấy đủ tiêu chuẩn sẽ cho ra khối lượng thành phẩm đông trùng hạ thảo khô khoảng 300 gram. Thiết bị này giống như một máy hút chân không, hút hết độ ẩm trong nấm thành phẩm ra, cô thành đá. Ở một nhiệt độ thích hợp, sản phẩm thu được đảm bảo không bị biến đổi về chất.

“Sấy nhiệt nếu không đúng lượng nhiệt tiêu chuẩn sẽ làm tiêu tan những dược tính của đông trùng hạ thảo. Cho nên, một phương pháp khác mà Viện Bảo vệ Thực vật tiến hành song song, đó là sấy bằng phương pháp lạnh ở -70 độ C. Phương pháp sấy lạnh sẽ bảo đảm giữ an toàn 100% dược tính của đông trùng hạ thảo”, ông Nhạ tiết lộ.

Hộp sản phẩm đông trùng hạ thảo của Viện Bảo vệ thực vật sắp đến tuổi thu hoạch.

So sánh những dược tính của đông trùng hạ thảo khai thác tự nhiên với đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo, Tiến sỹ Nhạ cho biết: Theo tư duy thông thường, người tiêu dùng luôn nghĩ tự nhiên sẽ tốt hơn. Điều đó đúng.

Nhưng ông cho rằng, trong tự nhiên có sự chọn lọc, quá trình khai thác, con người không biết chọn lọc mà thu lượm tất cả những gì trên đường mình thấy nên vô tình để nó lẫn lộn cả những nấm chưa trưởng thành, chưa đến tuổi khai thác.

Đông trùng hạ thảo do con người sản xuất, dược tính thu được đảm bảo 90% chất lượng so với tự nhiên, vì các nhà khoa học quan tâm tới các thành phần hoạt chất chứa trong loại nấm đó. Chưa nói đến, các công đoạn sản xuất ngay từ yếu tố nguyên liệu đầu vào là chọn lọc loại ký sinh chủ, đã có sự tuyển lựa. Nên, so sánh đông trùng hạ thảo nhân tạo và tự nhiên, giá trị không hơn nhau là mấy” - Tiến sỹ Phạm Văn Nhạ cho hay.

Ông cũng cảnh báo, thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam, hiện có tới 70% sản phẩm được quảng bá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Sản phẩm nào cũng đưa thông tin có nguồn gốc từ Tây Tạng, Himalaya. Nhưng, như tôi đã nói, tổng sản lượng đông trùng hạ thảo tự nhiên khai thác được ở Tây Tạng chỉ ở mức chưa đầy 100 kg/năm, làm gì có đủ để đưa về Việt Nam bán?”.

Ông giải thích thêm, nếu sản phẩm chuẩn đông trùng hạ thảo có nguồn gốc Tây Tạng, được chia làm 4 nhóm (A-B-C-D), căn cứ vào chiều dài quả thể. Loại A có chiều dài trên 3,5cm, giá bán trên 2,6 tỷ/kg, gấp rất nhiều lần mức giá hơn 1 tỷ đồng vẫn được quảng cáo. Loại có giá thành thấp nhất (xếp hạng D) có kích thước dưới 1,5cm khoảng 700 triệu đồng/kg - song, kích thước này chưa đạt đủ dược tính như mong muốn.

Đông trùng hạ thảo là “cây” hay “con”?

Đông trùng hạ thảo là các loài nấm ký sinh trên sâu non, nhộng hoặc sâu trưởng thành của một số loài côn trùng. Theo các nhà khoa học, nó là một loại nấm dược liệu quý hiếm, có hàm lượng chất cordycepin - loại dược chất quý nhất trong đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis của Tây Tạng chỉ tương đương hoặc thậm chí còn ít hơn trong đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris có thể nuôi trồng nhân tạo.

Hiện nay, Việt Nam đã nuôi cấy thành công loại đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris với giá khoảng 10 triệu đồng/kg.

Thái Bình

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/giau-vo-cam-so-do-vi-me-nuoi-dong-trung-ha-thao-409320.html