Giấy chứng nhận, Tem kiểm định ô tô bị mất, hỏng xử lý thế nào?
Bộ Giao thông vận tải đề xuất trường hợp chủ xe bị mất Giấy chứng nhận, Tem kiểm định ô tô thì phải trình báo và có xác nhận của cơ quan Công an rồi mới đưa xe đến kiểm định, cấp lại thay vì chỉ cần đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định, cấp lại như hiện nay.
5 trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận, Tem kiểm định ô tô
Theo quy định hiện hành tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT, trường hợp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định ô tô bị mất, hư hỏng thì chủ xe chỉ cần đưa xe đi kiểm định lại tại trung tâm đăng kiểm để cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định.
Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT, Bộ Giao thông vận tải đề xuất xử lý các trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định còn hiệu lực nhưng bị mất, hỏng, rách hoặc có sự sai khác về thông tin như sau:
Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định của xe cơ giới bị mất: Chủ sở hữu phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật phải gửi thông báo bằng văn bản cho đơn vị đăng kiểm, trình báo và có xác nhận của cơ quan công an nơi mất giấy tờ, thực hiện thông báo tìm kiếm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Khi nhận được văn bản thông báo, đơn vị đăng kiểm thực hiện nhập thông tin về việc mất giấy tờ lên phần mềm cảnh báo xe cơ giới.
Sau 30 ngày kể từ ngày đơn vị đăng kiểm nhận được văn bản thông báo, nếu không tìm được giấy tờ đã mất thì chủ xe khai báo theo mẫu quy định kèm theo các giấy tờ liên quan cùng các bằng chứng đã thông báo tìm kiếm, giấy xác nhận của cơ quan công an và đưa xe đến đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định để được cấp mới Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (chủ xe phải nộp giá dịch vụ kiểm định theo quy định).
Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định của xe cơ giới bị hư hỏng: Chủ xe mang Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định bị hư hỏng đến đơn vị đăng kiểm và khai báo theo mẫu và đưa xe đến đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định để được cấp mới Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (chủ xe phải nộp giá dịch vụ kiểm định theo quy định).
Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có sự sai khác so với thông tin của xe: Chủ xe mang Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đến đơn vị đăng kiểm và khai báo theo mẫu, nếu sự sai khác này do đơn vị đăng kiểm in sai thì thực hiện in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định trong 01 ngày làm việc kể từ ngày khai báo (chủ xe không phải nộp giá dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định).
Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định có sự sai khác thông tin biển số xe so với chứng nhận đăng ký xe: Nếu chủ xe có nhu cầu cấp đổi lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định thì phải đưa xe đến đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định lại để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định theo biển số mới (chủ xe phải nộp các khoản giá, phí, lệ phí liên quan theo quy định của pháp luật).
Phương tiện xin lưu hành trở lại khi Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đã bị hỏng, rách: Chủ xe khai báo theo mẫu quy định kèm theo các giấy tờ liên quan và đưa xe đến đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm định để được cấp mới Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (chủ xe phải nộp giá dịch vụ kiểm định theo quy định).
Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định bị mất do phương tiện bị tai nạn có xác nhận của cơ quan công an: Sau khi phương tiện đã khắc phục sửa chữa xong thì được thực hiện kiểm định để cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (chủ xe phải nộp các khoản giá, phí, lệ phí liên quan theo quy định của pháp luật).
Sửa đổi để tránh việc chủ xe lợi dụng
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam - đơn vị xây dựng dự thảo thông tư, đề xuất trên nhằm quy định cụ thể đối đối với từng trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định bị mất, hư hỏng, có sự sai khác về thông tin để phù hợp với thực tế. Đồng thời hạn chế việc chủ xe lợi dụng chính sách nhằm sử dụng đồng thời Giấy chứng nhận kiểm định cấp mới và Giấy chứng nhận đã khai báo mất.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng việc bổ sung quy định về cấp lại Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định như trên cũng để nâng cao trách nhiệm của chủ xe trong việc bảo quản, giữ gìn giấy, tem kiểm định; tránh việc lợi dụng để có thêm giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định để phục vụ mục đích phi pháp.
Trước đó, tháng 3/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT theo hướng miễn kiểm định lần đầu cho một số xe chưa qua sử dụng và điều chỉnh chu kỳ kiểm định thêm 6 tháng ở một số nhóm xe chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải.
Tiếp đó, tháng 6/2023, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 08/2023/TTBGTVT cho phép áp dụng ngay chu kỳ kiểm định theo quy định tại thông tư 02 mà không phải đưa xe đến đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nhận được nhiều phản ánh của các đơn vị đăng kiểm xe việc chủ xe lợi dụng quy định cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định bị mất mà không cần khai báo để bóc Giấy chứng nhận và Tem kiểm định đã được cấp cho xe không kinh doanh vận tải.
Sau đó, chủ xe đề nghị đơn vị đăng kiểm cấp lại hoặc kiểm định cấp mới Giấy chứng nhận, Tem kiểm định cho xe có kinh doanh để được cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải.
Tiếp đó, chủ xe dùng Giấy chứng nhận và Tem kiểm định cho xe không kinh doanh vận tải (đã bóc, báo mất trước đó) để chở khách tại các khu vực cấm xe kinh doanh hoạt động, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Theo Cục Đăng Kiểm Việt Nam, xe ô tô khi tham gia lưu thông trên đường cần có giấy chứng nhận đăng kiểm ô tô và tem kiểm định hợp pháp. Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định bị mất, hư hỏng, rách nát thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định mới.
Như vậy, Giấy chứng nhận đăng kiểm và Tem kiểm định là 2 giấy tờ phải đi kèm với nhau thì mới có hiệu lực. Nếu 1 trong 2 loại giấy tờ này bị mất, hư hỏng, rách nát thì chủ xe cần đưa xe đi kiểm định lại để tránh bị phạt khi lưu thông trên đường.