Giày Gia Định: Thị trường hồi phục, đủ đơn hàng tới hết quý III/2024

Tái thiết mạnh mẽ sau thời gian chịu tác động bởi dịch bệnh, suy thoái kinh tế, hiện Công ty CP Giày Gia Định đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Tại các nhà máy công nhân đang được tăng ca 5 ngày/tuần, mỗi ngày 2 - 2,5 tiếng.

Đơn hàng giày da dần hồi phục trở lại. Ảnh: Gia Hân

Đơn hàng giày da dần hồi phục trở lại. Ảnh: Gia Hân

Lỗ hàng chục triệu USD vì dịch Covid-19

Ông Nguyễn Chí Trung,Chủ tịch HĐQT Công ty giày Gia Định kể, cách đây 3 năm khi dịch Covid-19 lên đỉnh điểm, nhà máy phải ngừng sản xuất. Công ty Giày Gia Định có 4 nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai với hơn 6.000 công nhân. Mỗi nhà máy sản xuất trung bình khoảng 150.000 - 200.000 đôi giày/tháng, tương đương 4 nhà máy sản xuất khoảng 600.000 - 800.000 đôi giày/tháng, với giá thành mỗi đôi giày trung bình 15 USD.

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty giày Gia Định. Ảnh: GĐ

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty giày Gia Định. Ảnh: GĐ

“Việc đóng cửa khiến doanh nghiệp thất thu 9 - 12 triệu USD/tháng. Chưa kể số lượng vật tư nguyên liệu trị giá cả trăm tỷ phải nằm trong kho vì nhà máy không sản xuất và đó là tiền vay ngân hàng vẫn phải trả lãi hàng tháng”, ông Trung kể.

Ông Trung cho biết, thời điểm đó do không sản xuất được nên đơn hàng bị dịch chuyển sang các nước như Bangladesh, Trung Quốc... Việc khách hàng rút đơn hàng khiến ông Trung thời điểm đó khá lo lắng về việc làm cách nào để họ quay trở lại và thời gian làm được cũng sẽ rất lâu.

Bài toán khó nữa là thuyết phục được khách hàng trở lại, doanh nghiệp cũng khó có thể sản xuất do nguồn lao động đã về quê và tìm việc tại địa phương trong thời gian tránh dịch.

Đơn hàng trở lại, tiếp mục tiêu sản xuất giày lớn nhất nước

Sau gần 3 năm chật vật đầu tư sản xuất cũng như kết nối lại các đối tác thì đến hiện tại, người đứng đầu Giày Gia Định cho biết, công ty cơ bản đã hồi phục với lượng đơn hàng ổn định.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Gia Định liên tục đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng kịp tiến độ các đơn hàng. Hiện nay, doanh nghiệp đang có đơn hàng đến tháng 10”, ông Trung thông tin.

Hiện Gia Định đã nhận đơn hàng đến hết tháng 6/2024. Tại các nhà máy công nhân đang được tăng ca suốt 5 ngày/tuần, mỗi ngày 2 - 2,5 tiếng. Đồng thời để tăng năng suất, kịp tiến độ cho đơn hàng đã ký đến hết quý III, công ty này cũng liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng lao động mới.

Đơn hàng tăng trở lại, lao động tại nhà máy tăng ca. Ảnh: GĐ

Đơn hàng tăng trở lại, lao động tại nhà máy tăng ca. Ảnh: GĐ

Ông Trung chia sẻ, bí quyết để doanh nghiệp nhanh chóng có được các đơn hàng sau giai đoạn khó khăn chính là tập trung cho những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khó tính. Đồng thời, khai thác các tệp khách hàng mới ở khu vực châu Phi, châu Mỹ… thay cho các khách hàng truyền thống khác.

Chủ tịch Giày Gia Định nhấn mạnh, lượng đơn hàng quý I/2024 đã tăng 30% so với năm trước nhờ bên cạnh các khách hàng truyền thống tại Mỹ, EU, doanh nghiệp đã mở rộng thêm khách hàng mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico…

Thực tế, trong quý I/2024, xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 5,68 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Top 5 thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Có nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩu của ngành da giày phục hồi mạnh mẽ từ những tháng cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2024.

“Chúng tôi đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng các thị trường nhỏ, thị trường mới. Đa dạng hóa các sản phẩm làm cho đơn hàng phong phú, ít lệ thuộc vào đơn hàng của khách hàng truyền thống trước đây”, ông Trung nói.

Ông Trung cho rằng, để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Thời gian gần đây, Giày Gia Định còn liên tục tổ chức các buổi gặp gỡ, xúc tiến thương mại hướng đến ký kết hợp tác với nhiều khách hàng.

Cụ thể là ngày 16/4 vừa qua, Lễ ký Thỏa thuận ghi nhớ (MOU) giữa Gia Định với các doanh nghiệp Hàn Quốc - Mông Cổ về chuỗi cung ứng carbon. Trước đó, Tập đoàn Gia Định cũng đã có buổi làm việc và ký kết MOU với Tập đoàn It’s Solution tại Hàn Quốc về phát triển hệ thống nền tảng công nghệ quản lý năng lượng và carbon tại các nhà máy, khu công nghiệp, hướng tới sự phát triển nền kinh tế bền vững và lâu dài.

Là doanh nghiệp lâu năm trong ngành da giày với hơn 30 năm hoạt động, Gia Định Group hiện có mặt tại 8 tỉnh thành trên cả nước gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Lạng Sơn. Hoạt động 30 năm qua, Gia Định là cái tên với loạt đối tác lớn trên thế giới như Nike, Adidas, The North Face, Polo, Vagabond…

Thời gian qua, Gia Định Group đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất mô hình Cụm công nghiệp xanh với sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió và trung hòa carbon (NetZero) trong chuỗi sản xuất của mình.

Chủ tịch Gia Định Group nhấn mạnh, điều này không chỉ đáp ứng xu thế, yêu cầu của phía đối tác mà còn chứng tỏ quyết tâm trong chiến lược phát triển dài hạn với mục tiêu phấn đấu trở thành Công ty sản xuất giày lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, Công ty đã thành lập các cụm công nghiệp, công ty thành viên, ban quản lý với gần 5.000 cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó, Công ty còn tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hoạt động, như đầu tư tài chính, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giay-gia-dinh-thi-truong-hoi-phuc-du-don-hang-toi-het-quy-iii2024-d215024.html