Giấy khám sức khỏe hết hạn, người thi bằng lái có cần khám lại?

Do dịch COVID-19 kéo dài, giấy khám sức khỏe trong hồ sơ học lái xe của nhiều học viên nộp cho các cơ sở đào tạo đã hết hạn sau sáu tháng theo quy định.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số địa phương đã tạm dừng công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Tuy nhiên, một số học viên đã nộp hồ sơ học lái xe từ nhiều tháng trước, trong đó giấy khám sức khỏe (GKSK) sẽ hết thời hạn sáu tháng theo quy định. Do đó nhiều người thắc mắc việc sau khi học lại, học viên có phải bổ sung loại giấy tờ này hay không?

Giấy khám sức khỏe quá hạn sáu tháng

Theo khảo sát của PV, GKSK của nhiều học viên đã hết hạn theo quy định tại nhiều cơ sở đào tạo do tình hình dịch kéo dài. Trong đó, một số học viên đã đào tạo xong, chuẩn bị sát hạch nhưng tạm ngưng đến nay đã được ba tháng, GKSK không còn hạn sử dụng.

Chị NTN (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Tôi đã nộp GKSK từ đầu năm 2021. Theo lịch là tôi thi sát hạch lái xe vào đầu tháng 5 nhưng do dịch nên công tác sát hạch bị hoãn. Đến nay GKSK đã quá sáu tháng, không biết tôi có phải đi khám lại để bổ sung hồ sơ không?”.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác đào tạo sát hạch lái xe tại nhiều địa phương đã tạm ngưng hơn ba tháng nay. Ảnh: THY NHUNG

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác đào tạo sát hạch lái xe tại nhiều địa phương đã tạm ngưng hơn ba tháng nay. Ảnh: THY NHUNG

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tùng (quận 7, TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây chị tôi thi trượt lần một thực hành, sau khi được gọi đi sát hạch lần hai thì chị tôi đi công tác nên phải kéo dài thời gian, GKSK hết hạn và phải khám lại để bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, lần này là nguyên nhân khách quan do dịch bệnh nên không biết chúng tôi có phải đi khám lại sức khỏe không?”.

Hiện nay, GKSK là một trong những giấy tờ đảm bảo để học viên đủ điều kiện đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe. Việc khám sức khỏe người lái ô tô chỉ được thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định hoặc tại một số cơ sở đào tạo đủ điều kiện được khám bệnh.

Xem xét không xử lý do dịch

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp giao thông Tiến Bộ, cho biết: “Theo tôi, từ hồi dịch bùng phát đến nay đã ba tháng. Việc đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe không được hoạt động thì sẽ cho gia hạn GKSK thêm ba tháng”.

Ông Dũng cũng giải thích thêm: Thông thường GKSK chỉ có giá trị sáu tháng, nếu hết hạn, học viên phải bổ sung. Tuy nhiên, tại các cơ sở đào tạo ít khi để xảy ra trường hợp này, vì khi bắt đầu mở khóa đào tạo mới khám sức khỏe cho học viên (đối với trường đủ điều kiện) hoặc học viên bổ sung GKSK ngay trước khi đào tạo. Các cơ sở đã lên phương án đào tạo và thường sau ba tháng sẽ được thi.

“Đối với những lý do cá nhân làm gián đoạn việc sát hạch dẫn đến quá hạn GKSK thì phải bổ sung lại. Còn dịch là yếu tố khách quan thì khác” - ông Dũng nói.

Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM, cũng cho hay: “Quan điểm của Sở GTVT là thời hạn GKSK học lái xe sẽ không tính vào thời gian nghỉ dịch, sở cũng đã hướng dẫn cho các cơ sở đào tạo được biết”.

Bên cạnh đó, ông Quang cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho các hoạt động quản lý giấy phép lái xe cũng tạm ngưng. Những giấy phép hết hạn trong thời gian giãn cách mà Sở GTVT không tiếp nhận hồ sơ được thì không tính vào thời gian hết hạn.

“Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân cũng như tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở GTVT đề nghị các lực lượng chức năng khi kiểm tra người dân tham gia giao thông có giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng từ ngày 28-6 trở đi tạm thời không xử lý vi phạm hành chính” - ông Quang nói thêm.•

Sáu tỉnh, TP tiếp tục thử nghiệm thiết bị quản lý đào tạo lái xe

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Sở GTVT sáu tỉnh, TP gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ tiếp tục thử nghiệm các thiết bị phục vụ quản lý đào tạo lái xe.

Theo Tổng cục Đường bộ, thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương đã tạm dừng công tác đào tạo lái xe dẫn đến việc thử nghiệm thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe cũng như thiết bị mô phỏng để đào tạo lái ô tô (cabin học lái ô tô) bị gián đoạn.

Để bảo đảm lộ trình trang bị các thiết bị phục vụ quản lý đào tạo lái xe theo quy định, tổng cục đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện quá trình thử nghiệm đối với thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe đến tháng 9. Đối với thiết bị mô phỏng để đào tạo lái ô tô, thử nghiệm đến tháng 12.

Các địa phương cần bảo đảm nhận dạng, giám sát thời gian, quãng đường thực hành lái xe của tối thiểu 50 học viên (trong đó có ít nhất ba học viên hoàn thành khóa học) cho học viên của các khóa học mới khai giảng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Sở GTVT sáu địa phương phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị đánh giá, báo cáo quá trình triển khai, nội dung thử nghiệm, ưu điểm, nhược điểm của thiết bị và đề xuất (nếu có) gửi về tổng cục để tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giay-kham-suc-khoe-het-han-nguoi-thi-bang-lai-co-can-kham-lai-1007068.html