Giấy không thể bị thay thế bởi công nghệ
Các công nghệ mới được sinh ra để tăng cường khả năng lưu trữ và truy cập. Tuy nhiên, không gì có thể thay thế vai trò của giấy.
Vào đầu thế kỷ 21, người ta bàn tán rất nhiều về sự khai tử của giấy. Giấy sẽ bị thay thế bởi công nghệ mới?
Giờ ít người tin vào điều đó nữa. Đa số sinh viên ngành lịch sử chẳng bao giờ tin vào điều đó cả. Bởi trong lịch sử, rất hiếm khi có một công nghệ mới thay thế được hoàn toàn công nghệ cũ. Thông thường, nó chỉ thể hiện một sự thay thế có giá trị khác.
Giấy ngày nay được sử dụng ít hơn vì một số việc đã được thực hiện bằng điện tử. Nhưng đối với một số việc khác, giấy lại được ưa chuộng hơn. Cuốn sách này được viết bằng điện tử nhưng với sự trợ giúp của nhiều cuốn sách giấy và nhiều cuốn sổ ghi chép đã được sử dụng trong khi phỏng vấn mọi người hoặc để ghi lại các quan sát của người viết. Cuối cùng, cuốn sách sẽ được xuất bản cả trên giấy và điện tử.
Trong một thời gian, người ta nghĩ rằng giấy ít nhất sẽ biến mất khỏi các văn phòng. Nhưng giờ chẳng còn ai nghĩ điều đó sẽ xảy ra nữa. Tất cả các nghiên cứu cho thấy ngay cả khi các văn phòng ngày càng được máy tính hóa, người ta vẫn coi trọng giấy tờ trong một số công việc nhất định. Phân phát một bản báo cáo in trong một cuộc họp có nhiều tác động hơn là gửi email. Mọi người thích viết ghi chú nhanh lên giấy ngay cả khi họ sở hữu di động có chức năng ghi nhớ. Những người khác nhau có sở thích về giấy khác nhau và dường như thích có nhiều sự lựa chọn.
Doanh số bán giấy văn phòng vẫn khá ổn định. Rõ ràng đó là điều nghiễm nhiên khi máy in được kết nối với hầu hết mọi máy tính trong nhà và văn phòng. Máy in vẫn là một thiết bị phổ biến, thường là thiết yếu.
Mitchell Kapor, người sở hữu phần mềm xử lý bảng tính Lotus, mà đó mới chỉ là một trong số rất nhiều cải tiến về máy tính của ông, cho biết: "Đối với tôi, quan điểm cho rằng công nghệ khiến giấy trở nên lỗi thời là góc nhìn quá đơn giản... Điều thường bị đánh giá thấp trong cộng đồng công nghệ, theo tôi nghĩ, là những ưu điểm và đặc tính của giấy. Bạn có thể lấy một mảnh giấy và nhét vào túi. Nhưng liệu có máy tính nào gấp nhỏ lại được hay không?”
Ông nói tiếp: "Nếu nhìn vào lịch sử của máy tính, ta sẽ thấy chúng được hình thành như một công cụ tính toán kiêm tủ trữ hồ sơ hơn là cỗ máy văn học." Trớ trêu thay, điều này cũng đúng với chữ viết khi nó được phát minh lần đầu tiên, và cũng là công dụng đầu tiên của giấy. Chức năng đầu tiên của chúng là để hỗ trợ tính toán, chức năng thứ hai là lưu trữ thông tin. Dường như đây là thứ tự mà người ta thường suy nghĩ hoặc có thể là thứ tự ưu tiên của họ.
Kỹ sư thế kỷ 19 Vannevar Bush là một trong những thiên tài đầu tiên của ngành điện tử, phụ trách nghiên cứu quân sự của Hoa Kỳ trong Thế Chiến II. Ông đã định hình suy nghĩ của nhiều người khác, bao gồm cả Kapor, bằng một bài luận năm 1945 trên tờ The Atlantic có nhan đề "As We May Think" (Tạm dịch: Như những gì chúng ta có thể nghĩ). Về cơ bản, ông đang giải quyết cùng một vấn đề mà Diderot đã giải quyết 190 năm trước: khi kiến thức tích lũy của loài người ngày càng nhiều hơn, liệu chúng ta có đạt đến một mức quá tải để tiếp thu hết, quá tải để sàng lọc hết nghiên cứu hay không?
Năm 1755, Diderot nhìn thấy trước nhu cầu về một ngân hàng dữ liệu trong tương lai, dù không biết trông nó sẽ như thế nào hoặc gọi nó là gì. Tương tự, vào năm 1945, sau sự bùng nổ thông tin do chiến tranh tạo ra, Vannevar Bush nhận ra sự cần thiết của máy tính. Xã hội tạo ra thứ công nghệ mà nó cần.
Vấn đề cấp bách liên quan đến lưu trữ thông tin, mà Diderot đã bày tỏ đầu tiên, chính là điều đã thúc đẩy công nghệ máy tính phát triển. Máy tính không được phát triển để thay thế sách hoặc giấy, mà được phát triển để trở thành một cách lưu trữ và truy cập thông tin tốt hơn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/giay-khong-the-bi-thay-the-boi-cong-nghe-post1477719.html