Giấy phép chơi đàn và chuyện 'thiêu thân' thế giới ảo

Những thông tin ta nhận được phản chiếu qua những tấm gương đa chiều. Chúng sẽ không hoàn thiện nếu thiếu sự tư duy của chủ thể, khiến nhiều cá thể đang tự biến mình thành thiêu thân của internet.

Khi tham gia chuỗi hội thảo tin giả, phát ngôn gây thù ghét vào năm 2016, tôi có sử dụng công cụ social listening (lắng nghe người dùng trên MXH) để đo mức độ lan tràn phát ngôn gây thù ghét bằng các từ khoá. Kết quả cho thấy, có những sự việc mặc dù chưa được kiểm chứng nhưng có thể lên tới hàng triệu lượt view và vài chục nghìn tương tác like và share.

Cùng với sự phát triển của MXH, những câu chuyện đám đông hoà theo tin tức chưa được kiểm chứng, những tin đồn thất thiệt, tin giả mạo không còn xa lạ. Khi “nộ khí xung thiên”, công chúng như bị cuốn vào chạy đua bình luận, phê phán, chỉ trích. Chính vì vậy mọi thứ đều có thể được đưa lên mang lên xã hội và gây ảo giác cho nhiều người muốn làm “quan toà bàn phím”.

Một đối tượng tung tin bại đặt, thất thiệt trên trang mạng xã hội bị Công an TP Đà Nẵng xử lý theo pháp luật.

Ví dụ gần đây nhất là chuyện mẹ cậu bé 15 tuổi lên mạng kể sự việc con chơi đàn ở phố đi bộ bị hỏi giấy phép biểu diễn đã tạo nên những phản ứng rùng rùng trên MXH, cả cộng đồng mạng lao vào bênh vực. Nhưng chỉ một hai hôm sau, cũng chính bà mẹ này phải lên xin lỗi “do nóng vội và thương con một cách mù quáng, tôi đã đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh các anh về sự việc diễn ra khi mà tôi là người không có mặt ở đó.”

Ngày nay, chúng ta có xu hướng tiếp cận nhiều thông tin hơn nhưng lại bị hạn chế nhận thức vì quá lệ thuộc vào công nghệ, vào cái gọi là “internet of things” (mạng lưới vạn vật kết nối), mà quên rằng những thông tin ta nhận được phản chiếu qua những tấm gương đa chiều. Chúng sẽ không hoàn thiện nếu thiếu sự tư duy của chủ thể, khiến nhiều cá thể đang tự biến mình thành thiêu thân của internet.

Sức mạnh của niềm tin mù quáng có thể tác động to lớn mọi mặt đời sống của cá nhân, thậm chí có thể đẩy nhiều người tin vào bức tranh chưa hoàn thiện và thiếu xác tín trên không gian mạng. Nhiều người sẽ sẵn sàng phản ứng với những miếng ghép chắp vá đó. Thứ ảo vọng trong thế giới ảo, và danh tiếng khiến nhiều bạn trẻ còn sẵn sàng tạo ra nguồn tin giả để câu like, câu view, tạo danh tiếng.

Tôi mãi ấn tượng về ví dụ của Timothy Large, một phóng viên kì cựu của Reuters trong khoá học năm ngoái tại Hà Nội, kể về các cậu bé ở ngôi làng Ba Tư cũ kiếm được nhiều tiền nhờ lập ra các website có tên miền quốc tế trong thời điểm bầu cử tổng thống Mĩ. Các thông tin trên trang này đưa các thông tin thất thiệt về các ứng cử viên, mà phần nào đã tác động lên lá phiếu của người dân Mĩ. Thời đại của fake news (tin giả) lên ngôi.

Đó cũng là điều mà trong các lớp học truyền thông của tôi, học viên luôn được nhắc nhở nguyên tắc nằm lòng: phải học đọc thông tin và có trách nhiệm với những thông tin mình tiếp nhận và xử lý. Tư duy phản biện (critical thinking) là điều các bạn trẻ cần trang bị cho mình khi nhìn nhận, quan sát và kết luận vấn đề.

Nguồn tin chúng ta tiếp nhận trên internet cũng giống như môi trường sống ngoài đời thật chúng ta tương tác. Bất kì ai cũng đều có thể trở thành tâm bão của khủng hoảng vì những thứ chúng ta tiếp nhận, share và bình luận trên mạng xã hội. Vô tình chúng ta chia sẻ một thông tin thiếu thẩm chứng hoặc thậm chí chí giả mạo có thể gây tác hại không thể kiểm soát trong cơn “bão” này: đẩy một cá nhân vào bế tắc, khiến 1 doanh nghiệp khốn đốn, làm người nông dân lao đao (khi có thông tin sai về nông sản, thực phẩm bẩn), v.v…

Mẹ cậu bé 15 tuổi lên mạng kể sự việc con chơi đàn ở phố đi bộ bị hỏi giấy phép biểu diễn đã tạo nên những phản ứng rùng rùng trên MXH, cả cộng đồng mạng lao vào bênh vực. Nhưng chỉ một hai hôm sau, cũng chính bà mẹ này phải lên xin lỗi “do nóng vội và thương con một cách mù quáng.

MXH cho chúng ta nguồn tin vô tận và sự cởi mở thông tin. Tuy nhiên mặt trái của nó cũng có thể là nền tảng cho những cuộc mạt sát và nhục mạ tập thể bằng ngôn ngữ và tinh thần. Bởi nó có thể là virus cho tin giả, tin thiếu kiểm chứng và phát tán phát ngôn gây thù ghét.

Google và Facebook đã đưa ra công cụ chống tin giả, nhưng hiệu quả của nó đến nay vẫn còn hạn chế và phụ thuộc vào trình độ nhận thức của công chúng, sự tuân thủ pháp luật và nền pháp chế của mỗi quốc gia.

Cuộc sống hiện đại mang lại nhiều thứ nhưng cũng đang lấy mất của chúng ta rất nhiều cơ hội dừng lại để suy nghĩ. Có lẽ một lúc nào đó, chính văn hóa truyền thống lại trở thành chiếc “mỏ neo” cho ta nhìn lại chính mình. Như đức Phật từng nói “Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người. Của cải dù to lớn như núi, nhưng miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, lời nói ác... thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan”!

Chúng ta khó chờ đợi sự bao dung, điềm tĩnh của công chúng hay đám đông nếu rơi vào vị trí “tâm bão” của mạng xã hội. Chính vì vậy, nếu bạn là người đứng trong đám đông đó thì hãy luôn tỉnh táo và công minh.

TS. Phạm Hải Chung,giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/giay-phep-choi-dan-va-chuyen-thieu-than-the-gioi-ao-388415.html