Giấy phép lái xe giả, hệ lụy thật - Kỳ 2: 'Treo' tính mạng dưới bánh ô tô
Việc làm giả, mua bán các loại giấy phép lái xe (GPLX) đã và đang gây nên nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông. Nghiêm trọng hơn, việc mua, sử dụng GPLX giả là hành vi phạm pháp, tiếp tay cho các đối tượng làm giả giấy tờ, trục lợi bất chính, gây ra những tiêu cực, bức xúc trong xã hội.
Nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả
Ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội, không ít trường hợp người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Đơn cử, trong tháng 3/2022, tổ công tác Y10/141 - Công an thành phố Hà Nội, do Thiếu tá Phạm Văn Luyến là tổ trưởng làm nhiệm vụ tại đường Hồ Tùng Mậu (thuộc địa bàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) đã kiểm tra người đàn ông điều khiển xe máy Honda Airblade màu vàng đen có biểu hiện khả nghi.
Tại chốt 141, người đàn ông xuất trình GPLX và đăng ký xe. Tuy nhiên khi tổ công tác xác minh nhanh thì giấy phép lái xe này không có trên cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe quốc gia. Danh tính lái xe được làm rõ là L.T.N (sinh năm 1982, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội)…
Thiếu tá Phạm Văn Luyến cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ tổ công tác thường xuyên phát hiện những vụ việc liên quan đến GPLX giả. Đại đa số các trường hợp đều thừa nhận, việc mua GPLX giả đều nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Bằng nghiệp vụ, kinh nghiệm, lực lượng Cảnh sát giao thông không khó để phát hiện ra đâu là GPLX giả mặc dù chúng được làm bằng kỹ thuật sao chụp chữ ký, dấu tròn khá tinh vi.
“Tuy nhiên, người sử dụng GPLX giả thường thiếu hiểu biết các quy định về trật tự an toàn giao thông. Thậm chí một số biển báo cơ bản cũng không biết, kể cả biển cấm đi ngược chiều, biển cấm xe mô tô… Đây chính là mối nguy đối với người tham gia giao thông”, Thiếu tá Phạm Văn Luyến cho hay.
Trước đó, các đoàn kiểm tra của Công an thành phố Hà Nội cũng thường xuyên phát hiện những vụ việc liên quan đến GPLX giả. Đại đa số các trường hợp đều thừa nhận việc mua bằng lái xe giả nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Điều đó cho thấy việc sử dụng GPLX giả đang trở nên rất phổ biến, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khi người điều khiển phương tiện không qua một lớp sát hạch nào, vẫn dễ dàng lưu thông trên đường.
Trên thực tế, hầu hết những người mua và sử dụng GPLX giả chưa học lái xe tại các trung tâm đào tạo đủ điều kiện hoặc có học nhưng chưa thi, thi trượt... Bên cạnh đó, chi phí cũng là một nguyên nhân.
Ví dụ, để sở hữu giấy phép lái xe hạng B2 do cơ quan chức năng cấp, cá nhân phải tham gia học và thi sát hạch với chi phí hàng chục triệu đồng. Thời gian để lấy được bằng cũng mất 3-4 tháng. Trong khi mua giấy phép lái xe giả lại khá đơn giản, không mất thời gian và chỉ mất vài triệu đồng.
Tác nhân làm gia tăng tai nạn giao thông
Hiện nay, việc làm giả, mua bán các loại GPLX đã và đang gây nên nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy cho người dân tham gia giao thông. Các đối tượng sản xuất và tiêu thụ chỉ biết đến lợi nhuận thu được mà không tính đến hệ lụy của việc sử dụng.
Nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng GPLX giả thường là những người không muốn học, sát hạch những vẫn muốn có bằng lái xe để sử dụng. Từ đó dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và người gây ra có không ít nằm trong số sử dụng giấy phép lái xe giả mua trôi nổi trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, việc sản xuất và tiêu thụ GPLX giả còn gây ảnh hưởng rất lớn đến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vi phạm pháp luật, làm mất đi tính thượng tôn pháp luật.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh - Giảng viên Trung tâm Công nghệ ô tô và Đào tạo lái xe (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội), người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc giảng dạy, lái xe ô tô, cho rằng, việc sử dụng GPLX giả khi tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm.
Thượng tá Vũ Văn Phúc - Phó Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho rằng, hành vi sử dụng GPLX giả còn nguy hiểm hơn các loại giấy tờ giả khác như văn bằng chứng chỉ. Bởi việc không qua các khóa đào tạo sẽ khiến người điều khiển không nắm được luật sẽ dẫn đến vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thậm chí là gây tai nạn cho người khác cũng như chính bản thân mình.
Bởi theo ông Quỳnh, thứ nhất, đây là hành vi vi phạm pháp luật, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt; trong đó có một số trường hơp có thể bị xử lý hình sự. Thứ hai, trong quá trình tham gia giao thông, những người mua bằng, không học thì nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng cao hơn.
“Khi mình học thật, thi thật thì mình đã có quá trình được đào tạo bài bản. Tại các cơ sở, Trung tâm sát hạch lái xe có uy tín, học viên sẽ được học rất nhiều nội dung liên quan đến Luật giao thông, kỹ thuật lái xe, thậm chí đạo đức của người lái xe, cách xử lý tình huống khi gặp bất ngờ…”, ông Quỳnh cho biết.
Ông Quỳnh cũng khuyến cáo người dân đừng bao giờ nghĩ đến việc mua GPLX giả bởi vì không thể qua mắt được lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, một khi đã mua GPLX giả, bản thân mình đã vi phạm pháp luật. Khi đang tham gia giao thông mà tâm lý biết mình đang vi phạm pháp luật thì không thể ổn định, yên tâm lái xe được.
“Ngoài ra, khi tham gia giao thông, nếu không được học qua các lớp đào tạo thì chúng ta sẽ thiếu kiến thức, kĩ năng xử lý tình huống bất ngờ trên đường. Không đủ kiến thức về an toàn giao thông đường bộ thì không chỉ gây tai nạn cho mình mà còn gây tai nạn cho người khác. Đặc biệt, nếu gặp tai nạn thì sẽ rất khốc liệt”, ông Quỳnh nhấn mạnh.
(Còn nữa)