Giấy phép môi trường: 'Nhẹ gánh' hơn với doanh nghiệp

Trước đây, với mỗi dự án đầu tư vào khu công nghiệp (KCN), doanh nghiệp (DN) phải làm rất nhiều thủ tục, từ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường dự án, giấy phép môi trường thành phần cho đến kế hoạch bảo vệ... Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chỉ còn 2 loại giấy là ĐTM và giấy phép bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng TN-MT Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phổ biến pháp luật môi trường đến các doanh nghiệp. Ảnh: B.MAI

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng TN-MT Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai phổ biến pháp luật môi trường đến các doanh nghiệp. Ảnh: B.MAI

Điều này được cho là giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.

* Bớt giấy phép thành phần

Chia sẻ tại tọa đàm Trách nhiệm của DN trong KCN theo Luật Bảo vệ môi trường mới do Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và Sở TN-MT tổ chức mới đây, bà Lê Thị Minh Ánh, Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) cho rằng, trước đây mỗi dự án đầu tư trong KCN yêu cầu DN phải làm rất nhiều loại giấy phép môi trường.

Theo Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, dự án đầu tư vào KCN được phân thành 4 nhóm: nhóm I phải thực hiện ĐTM sơ bộ, ĐTM cấp Bộ, giấy phép môi trường; nhóm II phải làm ĐTM, giấy phép môi trường; nhóm III chỉ phải làm giấy phép môi trường và nhóm IV chỉ đăng ký môi trường. Quá trình hoạt động, DN phải làm báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ theo năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, quy định hiện hành là 1 giấy phép môi trường thay thế cho 7 loại giấy gồm: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả khí thải công nghiệp.

Tương tự, với ĐTM, dự án đầu tư có một hoặc nhiều nhà máy chỉ cần làm 1 ĐTM là đủ. Trường hợp chủ đầu tư muốn mở rộng, nâng công suất thì làm giấy bổ sung ĐTM, cơ quan chuyên môn chỉ duyệt phần mở rộng, nâng công suất, còn ĐTM của dự án hiện hữu vẫn có hiệu lực. Điều này giúp nhà đầu tư giảm bớt thủ tục, giảm thời gian chờ đợi, giảm nhiều chi phí đi lại...

Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC VINA (H.Long Thành) Nguyễn Đạo Hữu cho rằng, việc tích hợp các loại giấy phép môi trường giúp DN đỡ bị “rối” về giấy phép. Đơn cử, với giấy phép nước thải, theo quy định cũ, để được xả nước thải sau xử lý ra sông, DN phải có: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo ĐTM (Bộ TN-MT cấp), giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định của Luật Tài nguyên nước), giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định của Luật Thủy lợi) nhưng nay mọi thủ tục gần như được giản lược.

Nhiều DN cũng đồng tình rằng, luật và các nghị định hướng dẫn liên quan đến thủ tục, giấy phép đang từng bước dễ hơn với nhà đầu tư vào KCN.

* Tiếp tục lắng nghe ý kiến nhà đầu tư

Mặc dù được đánh giá là có nhiều điểm mới, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nhưng còn nhiều nội dung cả cơ quan quản lý lẫn DN còn băn khoăn.

Bà Lê Thị Minh Ánh, Vụ Pháp chế Bộ TN-MT phổ biến pháp luật môi trường đến các doanh nghiệp. Ảnh: B.MAI

Bà Lê Thị Minh Ánh, Vụ Pháp chế Bộ TN-MT phổ biến pháp luật môi trường đến các doanh nghiệp. Ảnh: B.MAI

Theo Trưởng phòng TN-MT (Ban Quản lý các KCN Đồng Nai) Nguyễn Hữu Nghĩa, luật và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có, nhưng việc triển khai áp dụng vẫn còn những bất cập.

Về phân định nhóm dự án, việc đưa nhóm ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử vào danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là điều bất hợp lý. Bởi dự án nhóm ngành này ít phát sinh chất thải rắn, khí, nước thải. Về thẩm định ĐTM, đa phần các dự án nhóm I, nhóm II do Bộ TN-MT thẩm định, với mức phí từ 8-96 triệu đồng, trong khi dự án cấp tỉnh thẩm định phí chỉ dao động từ 5-26 triệu đồng, chênh lệch khá nhiều, chưa kể thủ tục cấp giấy phép môi trường và các thủ tục khác có liên quan sau khi được phê duyệt ĐTM.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mỗi dự án đầu tư chỉ cần lập 1 ĐTM, cơ bản là thuận lợi cho cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trước đây phải làm nhiều ĐTM nay có thể gom lại thành 1 ĐTM bao trùm cho toàn bộ dự án. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ không thể áp dụng trong trường hợp 1 giấy chứng nhận đầu tư nhưng có nhà máy ở nhiều vị trí, các địa phương khác nhau.

Để giải quyết tốt hơn các thủ tục hành chính về môi trường cho nhà đầu tư, đồng thời tạo sự đồng thuận của các DN, Đồng Nai kiến nghị Chính phủ 4 vấn đề: phân cấp, phân quyền thêm cho các địa phương trong việc phân định nhóm dự án thực hiện báo cáo ĐTM; hướng dẫn rõ đánh giá sơ bộ tác động môi trường, mỗi dự án đầu tư lập một ĐTM; phân định rõ tiêu chí xác định nội thành, nội thị làm cơ sở xác định dự án có yếu tố nhạy cảm môi trường; hướng dẫn chi tiết các quy định khuyến khích việc tái sử dụng chất thải rắn và nước thải.

Bà Lê Thị Minh Ánh cho rằng, vì luật và nghị định, thông tư có liên quan chặt chẽ với nhau nên nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ cả luật lẫn các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật mới có hiệu lực được hơn 4 tháng, có điểm ưu việt, có điểm còn khó áp dụng. DN và cơ quản quản lý địa phương là đơn vị hiểu rõ hơn về những điểm, nội dung cần khắc phục, có thể tổng hợp kiến nghị gửi về cơ quan soạn thảo, thực thi.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202204/giay-phep-moi-truong-nhe-ganh-hon-voi-doanh-nghiep-3112711/