'Giấy thông hành' chống dịch mỗi nơi một kiểu chặn đứng dòng lưu thông hàng hóa
Mỗi địa phương quy định điều kiện được phép ra vào một kiểu đã có những tác động khá nặng nề đến việc vận chuyển và giá cả hàng hóa nông sản của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có tỉnh chấp nhận kết quả xét nghiệm (một dạng giấy thông hành) test nhanh, có tỉnh yêu cầu PCR...
Nơi chấp nhận test nhanh, chỗ yêu cầu PCR
Để phòng chống dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trong giai đoạn hiện nay, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã lập tức ra những văn bản tăng cường kiểm soát, trong đó, yêu cầu người dân ra vào địa phương phải có “giấy thông hành” là kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Tại Tiền Giang, ngày 8-7, ông Nguyễn Văn Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát người từ các tỉnh khác đến địa phương. Trong đó, nhấn mạnh tiếp tục thực hiện nghiêm việc quản lý, kiểm soát người từ địa phương khác đến Tiền Giang phải có giấy xét nghiệm RT- PCR âm tính với SARS-CoV-2 còn trong thời hạn không quá 3 ngày, kể từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Đối với tỉnh An Giang, ngày 8-7, ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đã có văn bản gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tiếp nhận người về từ TPHCM và địa phương có dịch.
Theo đó, nếu thật sự cần thiết phải về An Giang, phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi đến, đồng thời, thực hiện khai báo y tế trung thực, thông báo địa điểm nơi về và thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày. Còn sau 0 giờ ngày 9-7, người dân về từ TPHCM hoặc các địa phương có dịch thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải được cách ly tập trung 21 ngày và thực hiện xét nghiệm 3 lần theo quy định.
Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó trưởng ban chỉ đạo thành phố phòng chống dịch Covid-19 thuộc UBND TP. Cần Thơ, hôm nay, 9-7, có văn bản về việc hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Cần Thơ.
Theo đó, yêu cầu tất cả người dân trước khi vào địa bàn thành phố buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 (xét nghiệm nhanh hoặc PCR), trừ người đến các cơ sở khám chữa bệnh để cấp cứu và các trường hợp cần thiết khác; hoặc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thường xuyên di chuyển về trong ngày từ Cần Thơ đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại, nhưng phải khai báo y tế và ghi lại lịch trình di chuyển, cam kết không đi đến các khu vực có liên quan đến bệnh nhân Covid-19.
Tại tỉnh Bến Tre, từ ngày 7-7 vừa qua, địa phương này cũng đã bắt đầu áp dụng yêu cầu người đi vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh.
Lưu thông hàng hóa đảo lộn, nông dân và người tiêu dùng chịu thiệt
Việc mỗi địa phương áp dụng một cách khác nhau trong việc cho người được vào/ra địa phương đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với dòng lưu thông hàng hóa.
Bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc (TPHCM) - đơn vị chuyên kinh doanh gạo thị trường nội địa - cho biết chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là nơi cung cấp gạo trọng yếu cho nhiều địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, theo bà Yến, tài xế xe tải muốn vào tỉnh Tiền Giang lấy hàng phải có giấy xét nghiệm PCR mới đồng ý cho vào. Trong bối cảnh các nơi tập trung cho công tác xét nghiệm các trường hợp nhiễm bệnh, F1 và F2, việc xét nghiệm khẳng định cho tài xế là khá khó khăn để đáp ứng nhu cầu. “Ngày hôm qua (8-7), tài xế của tôi qua bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) xét nghiệm để xuống Tiền Giang, dự kiến chiều nay mới có kết quả và khi có kết quả mới xuống đó (Tiền Giang) bốc dỡ hàng hóa được”, bà Yến cho biết. Bà nói rằng Tiền Giang quy định hiệu lực của “giấy thông hành” chỉ 3 ngày là một điều gây khó khăn, tốn kém không ít cho doanh nghiệp.
Theo bà Yến, nếu Tiền Giang chấp nhận kết quả test nhanh như các địa phương khác đang áp dụng thì việc lấy “giấy thông hành” sẽ nhanh chóng hơn và lưu thông hàng hóa cũng được thuận tiện.
Việc phải có “giấy thông hành” để vận chuyển hàng hóa, bà Yến cho biết, đang tạo ra tác động rất lớn đến người nông dân và cả người tiêu dùng. Bởi, hàng hóa không đến được nơi tiêu thụ như TPHCM dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, giá tăng cao, người dân càng thêm khó khăn. Trong khi đó, người nông dân sản xuất ra sản phẩm không có người mua, buộc phải bán rẻ. “Nói chung, làm như vậy cả người tiêu dùng và người nông dân ai cũng bị thiệt hại hết”, bà nói.
Dẫn chứng điều này, bà Yến cho biết một kí lô gam bí đao khi mua lẻ ở dưới quê chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng khi đưa lên TPHCM thì mức giá hôm qua (8-7) bị “thổi” lên 50.000-60.000 đồng/kg.
Theo bà Yến, giá lúa gạo ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã giảm rất mạnh và chỉ còn 5.000-5.100 đồng/kg đối với lúa IR 50404 tươi, OM 5451 chỉ còn 5.100-5.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 50404 chỉ còn 7.100-7.200 đồng/kg. Trong khi đó, tại thị trường TPHCM, giá gạo mấy ngày qua đã tăng 200-300 đồng/kg.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải An Giang, cho biết việc các địa phương áp dụng không đồng bộ, mỗi tỉnh một cách đã gây ra rất nhiều khó khăn cho vận tải hàng hóa. “Có test nhanh âm tính thì cho người ta đi qua thôi, yêu cầu cách ly 21 ngày như vậy là ngăn sông cấm chợ rõ ràng rồi”, ông Xuân nói về trường hợp tài xế phản ánh khó khăn khi đi ngang qua tỉnh Đồng Tháp.
Theo ông Xuân, quan điểm của anh em tài xế là đồng ý với test nhanh, dù có tốn kém một ít, nhưng là chia sẻ với công tác phòng chống dịch. “Nhưng, việc áp dụng không đồng bộ giữa các địa phương (nơi đồng ý cho test nhanh, nơi yêu cầu phải xét nghiệm PCR - PV) thì cũng khó khăn, trở ngại”, ông nói.
Ông Xuân cho biết, khi một tài xế từ An Giang đến TPHCM nhận hàng, bản thân đơn vị kinh doanh thực hiện niêm phong cửa kính, không cho tài xế bước xuống khỏi xe. “Nếu cần đi vệ sinh thì bảo vệ phải đưa đi, có giám sát vì họ cũng sợ mang bệnh về đơn vị của họ”, ông cho biết. Ông đề xuất nên áp dụng như biện pháp này để tạo thuận lợi cho dòng lưu thông hàng hóa.
Bà Yến của Công ty Yến Ngọc cũng cho biết khi đơn vị này lấy hàng nhập từ Campuchia, sau khi hàng được đưa sang phía Việt Nam, tài xế buộc phải ở trên xe, có dán niêm phong. “Đây là cách làm vừa ngăn được sự lây lan của dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho dòng lưu thông hàng hóa, tránh được tình trạng nông dân bị ép giá nông sản, trong khi người tiêu dùng chịu thiệt vì phải mua giá cao”, bà Yến nói.
Theo ông Xuân, việc lấy mẫu xét nghiệm test nhanh tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 nhiều khi còn cao hơn so với tạo luận lợi cho phương tiện đi lại. Bởi, việc tập trung như vậy, nếu có một trường hợp dương tính thì khả năng lây lan là rất cao.
Trung Chánh