Giấy tờ tùy thân: Bỏ ghi quê quán, được không?
Các giấy tờ tối quan trọng của mỗi cá nhân đang mỗi giấy một kiểu gây ra nhiều hệ lụy, khiến người dân vất vả với nhiều thủ tục hành chính.
Chuyện các giấy tờ thiết thân như CCCD, giấy khai sinh… có cần ghi quê quán như lâu nay hay nên bỏ để thay bằng việc ghi nơi sinh đang thu hút nhiều bàn cãi. Lý do là trả lời báo chí tại buổi họp báo vào chiều 28-10, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp cho biết bộ này đang cố gắng đốc thúc các đơn vị liên quan cho ý kiến sớm về việc thay thế nêu trên.
Trước tiên, phải thấy là các giấy tờ tối quan trọng của mỗi cá nhân đang mỗi giấy một kiểu gây ra nhiều hệ lụy. Nếu giấy khai sinh cấp theo quy định cũ chỉ ghi nơi sinh, không ghi quê quán thì giấy khai sinh hiện tại có ghi cả nơi sinh và quê quán. Nếu hộ chiếu cấp trước khi có Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 có ghi nơi sinh thì hộ chiếu cấp theo luật này lại bỏ phần ghi nơi sinh. Với CCCD (trước đây là CMND) thì không ghi nơi sinh, chỉ ghi quê quán.
Từ chỗ lúc không, lúc ghi (hay ngược lại) mà nhiều người dân đã hết sức vất vả, khổ sở với nhiều thủ tục hành chính. Chẳng hạn, nhiều người phải méo mặt cải chính hộ tịch để bổ sung phần quê quán ở khai sinh và để còn làm được các thủ tục khác nhất định phải có giấy khai sinh hợp chuẩn. Hay vừa rồi đã có rất nhiều công dân Việt Nam bị nhiều nước trong khu vực Schengen (gồm 26 quốc gia châu Âu)… từ chối cấp visa do họ sử dụng mẫu hộ chiếu mới không có thông tin về nơi sinh gây khó khăn cho các nước trong việc xác minh danh tính.
Điều đáng quan tâm là nếu nơi sinh rất dễ xác định thống nhất thì định nghĩa về quê quán lại khá mơ hồ.
Nơi sinh là nơi được sinh ra. Theo quy định hiện hành, nếu trẻ em sinh tại bệnh viện, nhà hộ sinh, trạm y tế… thì nơi sinh là tên cơ sở y tế và địa chỉ trụ sở cơ sở y tế đó. Nếu trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế, bao gồm trường hợp sinh tại nhà, sinh trên phương tiện giao thông, trên đường hoặc tại địa điểm khác thì nơi sinh là địa danh hành chính thực tế, nơi trẻ em sinh ra (ghi đủ ba cấp đơn vị hành chính). Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài thì nơi sinh được ghi theo tên TP và tên quốc gia, nơi trẻ em được sinh ra…
Với quê quán, dù trải qua thời gian rất dài nhưng đến giờ quê quán là gì thì vẫn không có văn bản pháp lý nào quy định. Vì lẽ này, mọi người cứ hiểu theo thông lệ “quê quán” là quê, nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Cụ thể hơn, với mỗi con người thì quê quán chính là gốc gác, xuất xứ của cha, mẹ.
Luật Hộ tịch 2014 cũng chỉ quy định cách ghi về quê quán. Theo luật này, “quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.
Từ đó, một vấn đề cần được đặt ra tiếp theo: Nếu không thể đưa ra được khái niệm về quê quán thì các cơ quan có thẩm quyền đang quản lý thông tin này theo kiểu gì? Nếu thông tin về công dân (trong đó có thông tin về quê quán với cách ghi nêu trên) đã được các cơ quan chức năng thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì trên CCCD… có cần thiết phải dành chỗ ghi quê quán nữa không?
Chưa hết, phải giải thích sao cho ổn thỏa khi đối với nhiều quốc gia thông tin về nơi sinh khá quan trọng vì có liên quan trực tiếp cá nhân, giúp phân biệt cá nhân này với cá nhân khác nhưng CCCD của Việt Nam chỉ ghi quê quán và hộ chiếu của Việt Nam thì lại không ghi nơi sinh?
Cần lưu ý thêm là để tạm thời cứu vãn thiếu sót về nơi sinh trong hộ chiếu nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam được phép nhập cảnh các nước, Bộ Công an đã phải có giải pháp tình thế. Đó là bị chú nơi sinh trong hộ chiếu mẫu mới. Thời gian tới, bộ này sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có thể chính thức đưa mục nơi sinh vào trong thông tin của các loại hộ chiếu.
Trở lại vấn đề chính: Giấy tờ hộ tịch gốc, CCCD, hộ chiếu… sẽ thống nhất ghi nơi sinh (thay quê quán) hay cứ giữ nguyên như hiện tại?
Sự cố hộ chiếu Việt Nam bị từ chối ắt đã giúp các cơ quan chức năng có được bài học đắt giá về năng lực làm chính sách thời hội nhập. Đó là vì sự quan trọng không thể chối cãi như đã nêu ở trên nên nơi sinh sẽ được các giấy tờ nói trên thống nhất ghi nhận. Đổi lại, quê quán sẽ phải được định nghĩa rõ ràng và chỉ cần được lưu giữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là được rồi.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giay-to-tuy-than-bo-ghi-que-quan-duoc-khong-post705621.html