Giấy ủy quyền đất có được xem là di chúc?

Năm 2006 bố mất, xin hỏi luật sư giấy ủy quyền đó còn có giá trị và hợp lệ không, có được coi là di chúc không?

Gia đình tôi có 8 anh chị em, tôi là con cả. Năm 2005 bố tôi viết giấy ủy quyền sử dụng đất cho con trai thứ 6, cuối giấy ghi "nếu sau này các con tôi có gây khó dễ thì nhờ chính quyền can thiệp", có chữ ký của bố tôi (người viết giấy), người bán đất (vì lí do đất chưa chuyển tên sổ đỏ), mẹ tôi, tôi và một người em trai. Sổ đỏ do mẹ tôi đứng tên.

Năm 2006 bố mất, xin hỏi luật sư giấy ủy quyền đó còn có giá trị và hợp lệ không, có được coi là di chúc không? Cảm ơn luật sư tư vấn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Thứ nhất: Phạm vi của hợp đồng ủy quyền.

Căn cứ Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Theo đó, thời hạn ủy quyền được xác định do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (căn cứ theo Điều 563 Bộ luật dân sựu 2015).

Cũng theo Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp:

1. Hợp đồng ủy quyền hết hạn;

2. Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

3. Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này.

4. Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Với những quy định trên thì khi bố bạn mất việc ủy quyền sử dụng đất của bố bạn cho em bạn sẽ chấm dứt, việc ủy quyền sẽ không còn quyền để tiếp tục thực hiện.

Thứ hai: Điều kiện di chúc

Căn cứ theo Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

- Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Di chúc hợp pháp phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Trường hợp của bạn, bố bạn chỉ lập giấy ủy quyền sử dụng đất cho bạn, không có nội dung cụ thể là chuyển giao quyền sử dụng đất cho bạn sau khi bố mất. Hiện tại theo quy định pháp luật thì văn bản ủy quyền liên quan đến đất đai cần đáp ứng điều kiện về công chứng và hiện nay công việc ủy quyền đã chấm dứt. Do đó, không thể coi giấy ủy quyền sử dụng đất là di chúc.

Trong trường hợp này, sổ đỏ do mẹ bạn đứng tên nên mẹ bạn có thể làm di chúc để lại cho em bạn hoặc thực hiện chuyển nhượng đất cho em bạn bằng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ban Bạn đọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/giay-uy-quyen-dat-co-duoc-xem-la-di-chuc-656082.html