GIC bàn giao máy gặt đập liên hợp cho các hợp tác xã

Ngày 21-12, tại Kiên Giang, Ban Quản lý dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC) Việt Nam bàn giao máy gặt đập liên hợp cho hợp tác xã của 3 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Dự án GIC Việt Nam được triển khai thực hiện tại 6 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ.

Dự án được khởi động từ tháng 11-2021 và kết thúc vào tháng 3-2024, tổng kinh phí tài trợ lên đến 7 triệu Euro từ Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức, trong đó Chính phủ Việt Nam bổ sung thêm 700.000 Euro.

Dự án GIC sau 1 năm triển khai mang lại hiệu quả bước đầu, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thay đổi quy trình canh tác trong sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.

Ban Quản lý Dự án GIC Việt Nam bàn giao máy gặt đập liên hợp và máy phối trộn phân cho hợp tác xã các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, ngày 21-12.

Ban Quản lý Dự án GIC Việt Nam bàn giao máy gặt đập liên hợp và máy phối trộn phân cho hợp tác xã các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng, ngày 21-12.

Nhằm hỗ trợ và phát triển hợp tác xã lúa gạo bền vững, áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch tại các vùng lúa chất lượng cao, Ban Quản lý Dự án GIC Việt Nam bàn giao 3 máy gặt đập liên hợp, 1 máy phối trộn phân hữu cơ cho Hợp tác xã nông nghiệp Hiểu Lực (Hậu Giang), Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi (Sóc Trăng) và Hợp tác xã nông nghiệp Bào Trâm (Kiên Giang). Tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trình độ cơ giới hóa của nông dân Việt Nam chỉ mới dừng lại ở khâu làm đất trên 90%, tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo trồng đạt khoảng 65%, khâu chăm sóc 80%, thu hoạch 78%.

Trình diễn máy gặt đập liên hợp tại lễ bàn giao.

Hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất giải quyết tình trạng thiếu lao động, nâng cao được chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Với sự hỗ trợ các máy móc của dự án dành cho hợp tác xã tạo điều kiện để hợp tác xã đa dạng hóa phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ đốt rơm rạ, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/gic-ban-giao-may-gap-dap-lien-hop-cho-cac-hop-tac-xa-11994.html