Giếng cổ Chăm Pa ở làng Gò Cỏ

(Baoquangngai.vn)- Nằm giữa làng Gò Cỏ, thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, có 3 giếng Chăm cổ tồn tại hàng trăm năm, không chỉ cung cấp nước sạch cho người dân trong làng mà còn là chứng nhân của lịch sử, nơi lưu giữ nhiều ký ức của người dân qua bao thế hệ.

Giống như ở nhiều làng quê miền biển khác, hiện nay, nguồn nước sạch ở làng Gò Cỏ, thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) đã được đưa về từng nhà, không còn sử dụng nước giếng làng để ăn uống sinh hoạt nữa. Nhưng không vì thế mà người dân Gò Cỏ lãng quên giếng cổ.

Các bậc cao niên bên giếng cổ bà Mia

Ông Nguyễn Đua (94 tuổi) cho hay: “Trong ký ức của lớp người cao tuổi, những giếng cổ này không chỉ có ý nghĩa cung cấp nguồn nước mát lành, mà đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, là nơi chứng kiến bao kỷ niệm buồn vui, thăng trầm của dân làng từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nhờ có giếng làng mà người dân sống chan hòa, gần gũi và đoàn kết với nhau hơn. Vì vậy, việc xác định gìn giữ giếng làng không chỉ vì một công trình dân sinh mà còn là giữ gìn một nét đẹp văn hóa tâm linh, một chứng tích lịch sử cho đời sau. Do vậy, hằng năm, người dân vẫn dọn dẹp khơi trong nguồn nước; góp tiền sửa sang, tô thêm xi măng bên ngoài để gìn giữ giếng cổ và xem như là “báu vật” của làng.

Ở Quảng Ngãi, Gò Cỏ được xem là một trong những ngôi làng có nhiều giếng cổ Chăm nhất, nằm rải rác ở 3 xóm (xóm Đông, xóm Nam và xóm Bắc), người dân thường gọi với các tên là giếng bà Thướng, giếng bà Mia và giếng ông Lịch. Về cơ bản, những giếng này nằm gần nhà của bà Thướng, bà Mia và ông Lịch nên người dân lấy tên họ để dễ nhận biết. Giếng do người Champa cổ xây dựng, có kiểu dáng hình tròn. Chất liệu để xây giếng theo quan sát chủ yếu là đá, không hề có dấu tích của vôi vữa.

Đặc biệt, nước ở những giếng này rất trong và mát dù đã tồn tại hàng trăm năm. Ông Nguyễn Hóa (84 tuổi), một bậc cao niên ở Gò Cỏ cho biết: “Khi tôi sinh ra, giếng này đã có rồi. Nghe ông bà, cha mẹ kể lại thì giếng này đã có từ thời cụ, kỵ. Tôi nhớ lúc còn nhỏ vẫn theo mẹ ra giếng gánh nước về nhà dùng hàng ngày”.

Công trình bằng đá được cho là dấu tích của người Champa cổ

Mùa đông nước rất ấm, mùa hè thì mát rượi, bây giờ nhiều người dân trong làng vẫn duy trì thói quen múc, gánh từng gàu nước ở giếng cổ để sinh hoạt. Bà Bùi Thị Lưu (78 tuổi) cho hay: “Dù đã lớn tuổi, nhưng tôi đã quen việc gánh nước, giặt giũ ở giếng này suốt mấy chục năm qua. Hơn nữa, nước giếng cổ ngọt và trong, nên không có loại nước nào thay thế được. Mỗi năm, người dân trong làng thường thay nhau tát cạn nước, vét hết đất cát, rửa giếng thật sạch”.

Giếng ông Lịch nằm gần đường, bên cạnh là cây bàng cao mát nên từ bé, lúc nghỉ ngơi là trai trẻ trong xóm thường rủ nhau ra đấy chơi đùa, chị em chúng tôi thì ra đây gánh nước, thanh niên thì ra đấy ngồi trò chuyện với nhau. Bên gốc bàng xanh tỏa bóng êm/Em đi gánh nước đôi vai mịn/ Đòn gánh cong uốn dẻo mềm… Cứ thế nói chuyện là quên hết mệt mỏi, hôm sau lại theo mẹ dong thuyền ra biển đánh cá”, chị Phạm Thị Khá (30 tuổi) không sao quên những kỷ niệm bên giếng cổ làng mình.

Người dân làng Gò Cỏ sinh hoạt bên giếng cổ.

Gò Cỏ cũng giống như Lý Sơn là một vùng đất nhô mình ra biển, các giếng cổ Chăm cũng vì thế trở thành nơi cung ứng nước ngọt dồi dào cho các thương thuyền cập cảng Sa Huỳnh để giao thương hay nghỉ chân rồi nhổ neo để tiếp tục cuộc hành trình dài ngày trên biển.

Thời tiết ở làng Gò Cỏ ngày ấy nắng nóng, khô hạn kéo dài. Do đó, việc tìm và lưu trữ nguồn nước là vô cùng quan trọng. Nhiều bậc cao niên trong làng tự hào kể lại không khí trong làng những ngày ấy vui như lễ hội, 3 giờ sáng trai gái trong làng phải chong đèn đi gánh nước, người này một ít, người kia một ít, có được những gàu nước hồi đó quý giá lắm”. Có lẽ, đây cũng lý do mà đến giờ trên thành giếng vẫn còn khắc dòng chữ “ Cấm: tắm, giặt” và người dân đến giờ cũng chỉ dùng gàu múc mà không đặt máy bơm.

Cho đến nay vẫn chưa có một ghi chép chính thức nào về sự ra đời cũng như tên gọi của 3 giếng Chăm cổ ở làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Những người cao tuổi của làng cũng chỉ biết rằng giếng được xây vào khoảng thế kỷ VII – XV và các giếng này không có dấu vết của vôi vữa. Điều đặc biệt hơn cả là ở 3 giếng cổ này đều là công trình bằng đá.

Một trong những dấu tích xưa còn lưu lại

Gò Cỏ là một mỏm đất nhỏ nhô ra biển, chẳng khác gì Lý Sơn, ở đó cũng có giếng Chăm cổ Xó La và được nhiều người biết đến. Nhưng hễ du khách nào đến với làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ ở thôn Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) sẽ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp riêng ở chốn này. Ở đây không chỉ có biển xanh nắng vàng, vẻ đẹp thôn quê bình yên, mộc mạc, sự độc đáo và kỳ lạ của những giếng cổ Chăm tồn tại hàng trăm năm mà còn là sự đoàn kết gìn giữ và bảo vệ giếng làng của người dân nơi đây. Họ xem nó như "báu vật" lưu giữ dấu tích mà ông cha đã để lại.

Bài, ảnh: Thủy Tiên

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202101/gieng-co-cham-pa-o-lang-go-co-3040184/