Giếng cô giữa làng

Cô, tuổi son trẻ đã hiến dâng cho Tổ quốc. Cô mải miết theo tiếng gọi của sơn hà nguy biến. Vai mềm con gái khoác súng đi cả ngày lẫn đêm. Cô không nghĩ gì đến hạnh phúc riêng tư cho mình. Khi đất nước hoan ca thanh bình, cô luống tuổi vẫn còn “một nửa”, nửa kia vẫn biền biệt. Người đời cay nghiệt tặng cho cô tiếng “gái lỡ thì”. Về làng, cô dựng một căn nhà nho nhỏ bên bìa xóm cát trắng. Một ngày, trong nhà cô có tiếng khóc chào đời của em bé mà người đời gọi là “con tự túc”. Hai mẹ con lặng lẽ bên nhau. Đến hôm nay căn nhà nhỏ của cô đã thành “nếp nhà ba thế hệ”. Cô, sáng đi tối về, đối với làng cô không xa mà cũng không gần, chỉ thỉnh thoảng đứa nhỏ nhà cô chạy vô nô đùa cùng với mấy đứa trong xóm. Hình như dân làng ít ai nghĩ đến cô. Duy nhất có lần thầy tôi tổ chức đám cưới cho đứa con gái út có mời cô đến chung vui. Lần ấy bà con xóm làng thấy cô khoác trên người chiếc áo đẹp nhất. Hôm ấy, thấy cô đến đám ai cũng ngỡ ngàng, nhìn cô sừng sững. làm cô khó chịu. Riêng thầy tôi rất trân trọng quý mến khi cô chúc mừng hạnh phúc cho em út, làm cho cô xúc động. Dân làng lại càng ngạc nhiên hơn.

Giếng quê...

Giếng quê...

Nhà cô có một cái giếng khơi. Giếng nhà cô nước trong và mát lạ lùng. Tính cô lại kỹ càng sạch sẽ nước lại càng thêm ngon. Khi xóm làng có điện, ai nấy thi nhau làm giếng máy, bỏ quên giếng khơi. Riêng cô vẫn giữ, vẫn dùng nguồn nước từ giếng, vốn tính cô tần tảo kia mà. Giếng khơi lặng lẽ, đơn côi cũng như phận người.

Bỗng dưng bão đến vần xoáy tơi bời. Không những làng tôi mà cả liền mấy tỉnh, thành cùng chung số phận, nhà sụp, cây đổ, lều tranh tung bay nghiêng đảo khắp trời… Điện mất cả tuần. Nhà nhà thiếu nước. Ai đó đã phát hiện nhà cô còn có giếng khơi. Thế là dân làng lũ lượt kéo đến, kẻ thùng, người xô, với những chiếc thùng cùng với quang gánh kĩu cà, kĩu kịt thi nhau đem nước về dùng.

Giếng cô bây giờ không còn “cô” nữa, giếng cô vang lên những tiếng cười nắc nẻ của những kẻ múc, người tắm, cả những tiếng nô đùa chọc ghẹo của trai thanh, nữ tú. Bỗng chốc giếng cô lại là nơi tụ họp sức trẻ của làng. Những đôi vai kĩu kịt đôi thùng nước làm tôi chạnh nhớ về ngày xưa hình ảnh các thôn nữ gánh nước trong mỗi lúc chiều về mà đã có ai đó đã “tức cảnh sinh tình”: “... em gánh nước gánh cả trời chiều”.

Nhìn cảnh người người đi lấy nước bỗng chốc trong tôi lại ngu ngơ trông sao cho mất điện tiếp thêm vài ngày để cảnh đẹp, vui này kéo dài thêm ít hôm để cô thêm vui, xóm làng thêm gần.

Lê Văn Huân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_233995_gieng-co-giua-lang.aspx