Gieo chữ là gieo hy vọng: Học trò là bà, là mẹ, thầy giáo là con
Lớp học không khoảng cách về lứa tuổi, người tuổi 40, 50, có người gần 60 mới đi học cái chữ, nhưng ai cũng háo hức, phấn khởi.
LTS: Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, Mông, Lào… sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống tự cấp, tự túc, nên trước đây, đồng bào không mấy ai mặn mà với việc học chữ. Một xã ở Sốp Cộp có tới 1/3 số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 không biết chữ. Mù chữ đồng nghĩa với mù kiến thức, khiến đời sống của bà con đã nghèo, càng nghèo thêm; Sốp Cộp nhiều năm vẫn thuộc danh sách các huyện nghèo nhất cả nước.
Với quyết tâm bứt phá để bà con thay đổi nhận thức, nâng cao đời sống, từng bước thoát khỏi đói nghèo, Đảng bộ Sốp Cộp xác định xóa mù chữ cho đồng bào là một trong những giải pháp trọng tâm, vì vậy, đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Các lớp học xóa mù chữ được mở ra ban đầu chỉ 5 đến 7 người, giờ đây, có tới hàng chục người đến học. Lớp học không khoảng cách về lứa tuổi, người tuổi 40, 50, có người gần 60 mới đi học cái chữ, nhưng ai cũng háo hức, phấn khởi, như thể giờ đây có chữ, mình mới “sáng mắt, sáng lòng”.
Bài viết đầu tiên trong loạt bài Gieo chữ nơi biên cương Sốp Cộp, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc quyết tâm xóa mù chữ nơi biên cương còn nhiều khó khăn này.
Tiếng ê a từ lớp học xóa mù chữ ở bản Nậm Tỉa, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp lâu lâu lại vang lên, hòa cùng mây ngàn gió núi, tạo thành thứ âm thanh rất vui tai, đầy háo hức.
Bà Tòng Thị Panh, 56 tuổi, thành viên của lớp học, ánh mắt rực sáng, miệng không thôi cười khi được hỏi học chữ thấy thế nào: “Tôi học hết lớp 1, sắp lên lớp 2, giờ biết đọc biết viết, tôi vui và thích lắm. Thầy còn cho học thì còn lâu tôi mới nghỉ”.
Lớp xóa mù chữ ở Nậm Tỉa có hơn 20 học viên, bà Panh là người nhiều tuổi nhất; những người còn lại tuổi từ 25 đến 50. Hôm nay, bản có đám, nên lớp vắng mất mấy người. Bản thân các chị cũng đi đám, xong việc, tự rủ nhau lên lớp gọi thầy giáo đến dạy. Vừa ổn định ít phút, thầy giáo đã có mặt, thầy - trò lại cùng nhau ê a học chữ.
Chia sẻ về lớp học của mình, thầy giáo Lò Văn Mạnh, 25 tuổi, người trực tiếp đứng lớp ở bản Nậm Tỉa cho biết, không chỉ lớp này, mà hầu hết các lớp học xóa mù chữ ở xã Sam Kha nói riêng, ở huyện Sốp Cộp nói chung, giáo viên đều phải “theo” giờ của học viên. Sở dĩ như vậy là vì các bà, các mẹ, các chị thành viên lớp phần lớn là những người trong độ tuổi lao động, có khi là những lao động chính trong nhà.
Vì vậy, mỗi mùa cấy hái, lớp học thường phải nghỉ cả đợt để các mẹ đi làm nông. Hôm nào trời có bão, mưa to không đi làm được, thì lại tự rủ nhau lên lớp học rồi gọi thầy đến dạy. Thầy là trí thức trẻ tình nguyện, thuộc đội quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (trực thuộc Quân khu II) đứng chân trên địa bàn huyện Sốp Cộp; Đội của thầy trực tiếp đóng tại xã Sam Kha, nên khi học viên gọi, chỉ ít phút là thầy có mặt ngay.
Thầy Mạnh cho biết: “Lớp toàn các bác, các bà có tuổi đời bằng tuổi bà mình rồi, lúc đầu mình cũng bỡ ngỡ. Nhưng mình nghĩ nếu mình ngại thì các học viên cũng ngại mình, thế thôi mình cố gắng. Sau này quen rồi thì thấy rất vui, rất tự hào vì được dạy các bà, các bác, các chị. Mình xác định là sẽ phải có trách nhiệm cao hơn, làm sao các chị, các bà trong lớp ai cũng phải biết đọc, biết viết”.
Lớp học xóa mù chữ ở bản đồng bào Mông Nong phụ, xã biên giới Mường Lạn cũng độc đáo không kém. Lớp có 39 học viên, độ tuổi cũng từ 25 - 30 trở lên.
Chị Giàng Thị Sông - một học viên trong lớp là Chi hội trưởng phụ nữ của bản, nhưng chị không hề biết mặt chữ do từ nhỏ không được đi học. Bao năm qua, chị cũng bảo ban chị em trong bản cùng nỗ lực cấy hái, chăm lo hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con cái, nhưng kiến thức chỉ toàn từ kinh nghiệm bản thân và cũng không biết gì nhiều. Khi nghe tin các anh bộ đội biên phòng đến bản dạy chữ, chị liền thu xếp công việc ruộng nương để theo học.
“Thầy giáo Lừ dạy chữ cho chúng tôi bằng cách phiên dịch ra tiếng phổ thông và tiếng Mông, nên các học viên rất dễ hiểu, dễ nhớ. Không chỉ dạy chúng tôi con chữ vỡ lòng, cách phát âm…thầy Lừ còn lồng ghép các kiến thức về trồng trọt chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh… nên ai cũng thích học. Riêng tôi biết chữ đã biết thêm nhiều kiến thức, giúp tôi thuận lợi hơn trong triển khai công tác Hội phụ nữ ở bản”, chị Sông chia sẻ.
Vui hơn cả có lẽ là thầy giáo Vàng Lao Lừ - người trực tiếp đứng lớp dạy xóa mù chữ mà chị Sông theo học. Thầy Lừ là Trung úy ở Đồn Biên phòng Mường Lạn, thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La. Được đơn vị giao nhiệm vụ lên lớp “xóa mù” cho chị em theo chương trình phối hợp với huyện, xã, thầy đã luôn nỗ lực, bất kể mọi lúc, khi các học viên gọi là sẵn sàng lên lớp ngay. Nhiều người sau khi biết chữ, đã bảo: được thầy mở mắt cho, bây giờ mới thấy đời tươi vui đến thế!.
“Từ năm 2017 đến nay chủ yếu tôi làm công tác xóa mù chữ ở các bản vùng cao. Có những kỷ niệm rất sâu sắc là khi tôi nói với học viên rằng, có lẽ tôi dạy xong lớp này tôi sẽ xin chuyển đơn vị, thì học viên có nói lại là nếu thầy giáo chuyển đơn vị thì bản khác ai đi dạy nữa. Người khác dạy cũng được nhưng không phiên dịch được như thầy giáo, bản thân chúng tôi mong muốn thầy giáo ở lại Mường Lạn này lâu hơn thế nữa”, Thầy Lừ cho biết.
Cái chữ giúp đọc được sách, báo, xem được điện thoại, giúp mỗi người học hỏi thêm nhiều điều hay, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đuổi được cái đói nghèo. Không ít người học tập chăm chỉ, quyết tâm cao còn làm được đến cán bộ xã, cán bộ huyện. Từng “Bông hoa đẹp” ấy ở Sốp Cộp đã, đang góp phần xây những mùa xuân no ấm, yên bình nơi miền biên viễn quê hương./.