'Gieo' chữ trên đỉnh 'khát'

Được ví như một ngôi làng nguyên thủy nằm vắt vẻo trên đỉnh núi, Pú Vang còn được người dân bản địa gọi là vùng đất 'khát'.

Từ năm 2018, điểm trường tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh nên các em đi học chuyên cần hơn.

Từ năm 2018, điểm trường tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh nên các em đi học chuyên cần hơn.

Bất cứ thứ hạt nào gieo xuống đất này đều chết khô. Chỉ có “con chữ” là vẫn âm thầm “nảy mầm xanh”…

Nơi “chiến tranh nước”

Biết đến Pú Vang đã vài năm trước, song phải gần đây chúng tôi mới có dịp ghé thăm vùng đất này. Nhắc đến nhóm dân cư Pú Vang như chạm đúng “chỗ ngứa” bao lâu nay, ông Hoàng Điều, Bí thư Đảng ủy xã Mường Mươn (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), than thở: “Pú Vang là điểm chúng tôi đau đầu nhất. Trên ấy thiếu nước trầm trọng, phải nói là chiến tranh nước. Lãnh đạo xã chỉ trực nghe điện thoại bà con kêu khổ, rồi tranh cãi nhau vì nước cũng hết ngày, hết buổi. Thế nên, nhiệm vụ của các thầy cô giáo trên đấy càng vất vả hơn”.

Từ Quốc lộ 12, chúng tôi ngược dốc chừng 8km để lên điểm Pú Vang. Con đường quanh co, uốn lượn bám sườn núi chỉ có lên mà không xuống. Nhiều đoạn cua gấp, dốc dựng đứng hết sức nguy hiểm. Pú Vang hiện là một nhóm dân cư nghèo nàn, lạc hậu nằm vắt vẻo trên đỉnh núi cao nhất. Nơi đây từng được nhiều người ví như bản làng thời nguyên thủy. Từ xa nhìn lại, những căn nhà gỗ thấp, mái lợp tranh lụp xụp như chiếc bát úp “bám” vào lưng núi, nổi bật giữa nền đất đỏ khô cằn, bụi tung mù mịt. Ở đây gần như không có màu xanh của cây cối, ruộng vườn.

Thuộc bản Huổi Meo, song Pú Vang nằm biệt lập với hơn 51 nóc nhà, gần 270 nhân khẩu. Hơn 90% trong số đó là hộ nghèo. Rất khó để gặp được thanh niên ở đây, do đa phần đi làm ăn xa hoặc lên nương. Họ rời nhà khi gà gáy đến tối mịt mới về, thậm chí vào mùa vụ thì ngủ luôn trên lán nương. Bởi vậy, trong bản chỉ còn người già và những đứa trẻ lấm lem, đầu trần, chân đất, nheo nhóc.

Pú Vang nằm vắt vẻo trên đỉnh núi, được gọi là vùng đất “khát”.

Pú Vang nằm vắt vẻo trên đỉnh núi, được gọi là vùng đất “khát”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng bước vào ngôi nhà phải cúi gập người xuống mới qua được cửa khiến anh Mùa A Vừ - chủ nhà - bất ngờ khi đón khách. Những chia sẻ đầu tiên về cuộc sống ở đây của anh Vừ chỉ xoay quanh câu chuyện về nước. Anh kể, để có nước sinh hoạt hàng ngày, những gia đình có xe máy phải chở can đi lấy ở các mó tự nhiên nằm rải rác quanh bản. Nhưng đó là số rất ít, đa phần phải đi bộ, gùi từng can cả giờ men theo các nhánh đường mòn vào sâu trong rừng, xuống khe suối sâu mới lấy được.

“Việc tranh cãi nhau giữa người đến trước, đến sau xảy ra thường xuyên. Vì cả bản chỉ có vài ba mó nước, cách tới 5 – 7km. Mó gần nhất cách hơn 1km, nhưng nước nhỏ giọt như đuôi chuột. Người dân chỉ đi chở được nước về sinh hoạt chứ không thể phục vụ chăn nuôi hay trồng trọt”, anh Vừ chia sẻ.

Đó là lý do, ở đây không thấy bất cứ vườn rau nào. Một số hộ chăn nuôi được vài ba con lợn, gà, nhưng chậm lớn, gầy trơ xương. Cũng vì thiếu nước nghiêm trọng nên không gia đình nào khai hoang để sản xuất lúa nước. Mặc dù hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Ða phần cây trồng là ở trên nương, năng suất không cao, do địa hình dốc, khí hậu khắc nghiệt, cây chưa kịp bén rễ thì phân bón đã bị rửa trôi.

 Nhiều thầy, cô giáo phải đi bộ vài km để có nước phục vụ sinh hoạt cho cả thầy và trò.

Nhiều thầy, cô giáo phải đi bộ vài km để có nước phục vụ sinh hoạt cho cả thầy và trò.

6 năm xây “tổ ấm” cho trò vùng cao

Học sinh và phụ huynh ở Pú Vang đều biết cô giáo Nguyễn Thị Hồng (SN 1987) và thầy Nguyễn Trung Đức (SN 1984). Họ là cặp vợ chồng đã lên và gắn bó với vùng đất này 6 năm, từ những ngày chỉ có thể đi bộ lên bản. Trong căn phòng khung gỗ, ốp tôn đơn sơ, năm học này chỉ có cô Hồng, do thầy Đức được tăng cường cho địa bàn khác. Cô Hồng đang tranh thủ giờ nghỉ trưa để soạn giáo án và hoàn thiện báo cáo gửi về trường trung tâm. Cô bảo, trên này không có điện, nếu làm tối phải thắp nến hoặc đèn dầu.

Nhớ lại ngày đầu đặt chân lên Pú Vang (năm 2016), cô Hồng tâm sự: “Ngày ấy đường hoàn toàn là đất, lại dốc ngược nên chỉ có người dân mới dám đi xe máy, chứ giáo viên gần như đi bộ. Lên đến nơi rồi tôi còn bất ngờ hơn khi nhìn cuộc sống bà con, rồi cơ sở vật chất trường lớp chẳng có gì”. Rồi cô kể, 2 vợ chồng phải gửi con cho ông bà để dành thời gian, tâm huyết tập trung xây dựng “tổ ấm” cho những đứa trẻ ở Pú Vang. Đồ dùng thiết yếu cho một gia đình nhỏ, được thầy cô “cõng” lên sau nhiều lần về thăm nhà.

Bỏ lại con thơ ở nhà với ông bà, 6 năm qua cô Nguyễn Thị Hồng đã cùng chồng lên xây dựng “mái ấm” cho những đứa trẻ ở Pú Vang.

Bỏ lại con thơ ở nhà với ông bà, 6 năm qua cô Nguyễn Thị Hồng đã cùng chồng lên xây dựng “mái ấm” cho những đứa trẻ ở Pú Vang.

“Chúng tôi phải tối giản nhất để việc vận chuyển bớt vất vả. Riêng chiếc giường do không thể tự đi xe máy nên phải thuê người dân chở 2 chuyến mới xong” – thầy Đức nói.

Để có nước phục vụ sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày, thầy cô đã tự đào hố, căng bạt hứng nước mưa và tích trữ dùng dần. Nhưng cũng chỉ đủ trong vài bữa, rồi lại chật vật đi gùi, đi gánh. Để tránh cảnh chờ đợi, tranh giành về nước, thầy cô chọn giờ ít người đi, thường là tờ mờ sáng hoặc chiều muộn. Những ngày đầu, chưa biết, cô Hồng đã mang hạt giống rau cải mèo, bắp cải, su hào… lên tự gieo trồng, với mong muốn có rau xanh cải thiện bữa ăn. Thế nhưng, hạt gieo xuống rồi không biết lấy nước ở đâu để tưới. Thế là gieo đến đâu hạt chết khô đến đấy.

Bên cạnh đó, cô Hồng cùng chồng tranh thủ những lần xuống bản vận động học sinh ra lớp để trò chuyện, huy động sự giúp đỡ của phụ huynh. Sân trường đầu tiên được hình hành từ nền đất nện, giúp bọn trẻ có thêm các hoạt động ngoài giờ. Một chiếc cột treo lá cờ Tổ quốc được dựng lên chính là điểm nhấn để người ta biết đó là trường học.

Trường học là “điểm sáng” duy nhất ở Pú Vang.

Trường học là “điểm sáng” duy nhất ở Pú Vang.

Để con chữ “nảy mầm”

Trước kia, điểm trường Pú Vang tổ chức dạy học 4 lớp (từ 1 – 4). Hai năm đầu, vừa khắc phục khó khăn cuộc sống riêng, các thầy cô ở Pú Vang lại vừa tìm cách “phá bỏ” rào cản trong tư duy lạc hậu của bà con để thực hiện nhiệm vụ. “Hồi ấy, vất vả nhất là gọi học sinh ra lớp. Nhiều lần phải lên tận nương, vào tận rừng để tìm, mà cứ nghe thấy tiếng giáo viên là bọn trẻ trốn hết. Lo dạy sao cho tốt đã khó, chúng tôi còn phải chịu áp lực về sĩ số”, cô Hồng chia sẻ.

Vậy là, để “giữ chân” học trò, thầy cô phải nghĩ đủ cách. Từ việc dùng tiền lương để mua đồ dùng học tập, dép, quần áo, thậm chí bánh kẹo… Song nhiều hôm gọi được ra buổi sáng rồi, trưa về ăn cơm bọn chúng lại nghỉ luôn cả chiều. Năm 2018, cô Hồng và thầy Đức bàn với 2 thầy giáo cùng phụ trách điểm bản quyết định nấu bữa trưa để “giữ chân” trò. Buổi sáng, thầy cô dậy từ gà gáy chia nhau tỏa đi khắp bản, đến từng nhà đón học sinh ra lớp. Gần trưa lại chia ca rồi nấu nướng cho học sinh ăn và nghỉ tại trường.

“Số lượng học sinh đông nên để có đủ nước sinh hoạt là thách thức không nhỏ. Chúng tôi phải mua can, rồi mượn đồ của dân để đi gùi nước. Mỗi người 2 lượt/ngày, mỗi lượt như thế phải 1 can 20 lít mới đủ. Vợ tôi là phụ nữ nên được ưu tiên, không phải đi. Khổ nhất là mùa đông, trời tối sớm nhưng vẫn phải mò mẫm trong giá rét, luồn rừng để đi lấy. Nếu không thì hôm sau lại không có nước dùng”, thầy Đức bộc bạch.

Theo cô Hồng, từ ngày nấu ăn, tình hình cải thiện hơn hẳn. Học sinh không chỉ tự giác đến lớp, mà còn chuyên cần, hứng thú hơn. Khi ấy, thầy cô vừa mừng vừa lo. Cái mừng thì thấy rõ, nhưng họ lo vì đồng lương ít ỏi không biết sẽ duy trì bữa ăn ấy được bao lâu. Sau gần 60 ngày vừa gom góp tiền tổ chức nấu ăn cho trò, vừa trăn trở, tìm nguồn, may mắn đến khi nhà trường kết nối và nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Nuôi em.

Cũng thông qua việc tích cực kết nối, năm 2018, ngôi trường lắp ghép “3 cứng” được một nhóm từ thiện hỗ trợ xây dựng vững chắc, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh. Sau khi có nhà lớp học mới, thầy cô xin thêm nguồn hỗ trợ để lắp đặt máng, téc, rồi tận dụng phần mái để hứng nước mưa dùng. “Dùng tiết kiệm thì mùa mưa là đủ, còn mùa khô thì vẫn khó khăn” – thầy Đức nói.

Năm học này, thầy Đức thay vợ sang Trường Tiểu học Nậm He nhận nhiệm vụ. Cô Hồng vẫn quyết tâm gắn bó tại Pú Vang với lý do “Tôi sống ở đây lâu nên đã quen thân với người dân, quá trình thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn. Cũng bởi vậy nên nhà trường cũng động viên tôi ở lại”.

Thay vào vị trí thầy Đức là thầy Lò Văn Bính. Cùng với công tác giảng dạy, thầy Bính có thêm nhiệm vụ là tiếp nhận thực phẩm, rau xanh từ dưới trung tâm mang lên điểm bản cho học sinh. Từ năm 2020, con đường đất bụi phủ được bê tông hóa khiến chặng đường gần 20km cả đi và về mỗi ngày của thầy Bính bớt phần vất vả. Cũng vì thế, bữa ăn của học sinh cũng đều đặn với đồ “tươi sống” mỗi ngày.

Chia tay Pú Vang khi Mặt trời đã xuôi về phía bên kia triền núi. Dưới ánh nắng yếu ớt cuối ngày, “vầng sáng” duy nhất trong bức tranh trên đỉnh Pú Vang là sự hiện diện của 2 điểm trường tiểu học và mầm non. Giữa bốn bề khô cằn, hoang hoải, “con chữ” vẫn vượt lên tất cả “nảy mầm” xanh tốt trong niềm hạnh phúc của những người “gieo trồng”…

Rất may mắn là điểm trường đã được các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng đảm bảo. Tận dụng phần mái được xây dựng, các thầy cô hứng được nước mưa sử dụng, nhưng cũng chưa được đảm bảo do hệ thống này chưa quy củ. Điều chúng tôi mong mỏi nhất hiện nay là được quan tâm hỗ trợ, đầu tư hệ thống bài bản, sẽ tận dụng hứng được toàn bộ nước mưa. Như vậy không chỉ đảm bảo nước dùng cho thầy cô và học sinh trên đó, mà nếu tận dụng tốt có thể đảm bảo nước sinh hoạt cho các hộ dân trong bản. - Ông Hoàng Điều

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gieo-chu-tren-dinh-khat-tQwmXlo7g.html