'Gieo chữ, trồng người' nơi biên cương: Kỳ cuối: 'Quả ngọt' từ nâng cao chất lượng giáo dục
Những ngôi trường khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, nơi đó có những thầy, cô hàng ngày cặm cụi bên trang giáo án, trên bục giảng, cần mẫn chèo lái những “chuyến đò”, còn có lớp lớp học sinh (HS) tiếp nối trưởng thành… Đây chính là “quả ngọt” của ngành Giáo dục (GD) trong những năm qua.
Những người “lái đò” tận tụy
Gắn bó với công tác “trồng người” gần 30 năm, bằng tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy của mình, cô Trần Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì) như “người lái đò” cần mẫn “chở” bao thế hệ HS đến bến bờ tri thức. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng, cô Lương đã cống hiến ở nhiều ngôi trường, điểm trường khác nhau. Dù ở cương vị nào, là người giáo viên (GV) trực tiếp đảm nhiệm công tác giảng dạy hay làm cán bộ quản lý, cô luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với phương châm “muốn trò giỏi phải có thầy giỏi”, trong thời gian trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, cô tích cực tham gia các hội thi GV dạy giỏi các cấp và nhiều năm liền đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cô còn hăng hái tham gia các phong trào đổi mới công tác chuyên môn. Khi làm công tác quản lý, cô không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, tổ chức sinh hoạt, hội thảo nhiều chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học, tìm ra giải pháp thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành nhằm nâng cao chất lượng toàn diện.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Lương cho biết: “Gắn bó với Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngàm Đăng Vài một thời gian dài nên với tôi, đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi luôn cố gắng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Ngoài công tác chuyên môn, tôi tích cực tham gia xây dựng phong trào trường học thân thiện – HS tích cực; xây dựng trường xanh - sạch - đẹp - an toàn”.
Trên mảnh đất cực Bắc còn nhiều gian khó, không đếm hết đã có biết bao thế hệ “người lái đò” tận tụy như cô Lương. 15 năm gắn bó với điểm trường thôn Thèn Pả, vợ chồng thầy, cô giáo Mai Đức Tiệp và Vi Thị Dinh, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Thượng Phùng (Mèo Vạc) đã âm thầm cống hiến, truyền giảng kiến thức, hiện thực hóa những ước mơ cho bao thế hệ học trò, để các em trở thành người có ích trong xã hội. Năm 2022, vợ chồng thầy, cô Tiệp, Dinh vinh dự được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc. Ngoài ra, còn có những người thầy như thầy giáo Nguyễn Văn Tài, GV Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Giáp Trung (Bắc Mê), nhiều năm liền là GV dạy giỏi cấp tỉnh, là tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người, được đồng nghiệp và các em HS tin yêu, quý mến. Đó là cô giáo Hoàng Thị Vân, GV Trường Mầm non Nấm Dẩn (Xín Mần) luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tận tình trong công tác chăm sóc và GD trẻ. Còn có cô giáo Đặng Thị Nụ, GV Trường PTDT BT THCS Sủng Trái (Đồng Văn) hết lòng vì học sinh thân yêu, cô được nhiều HS xem như người mẹ thứ hai của mình…
Có thể thấy, đằng sau những thành công dù lớn hay nhỏ của các thế hệ học trò là sự dày công vun đắp, truyền đạt kiến thức của những người thầy tận tụy. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện, toàn tỉnh có trên 18 nghìn cán bộ, GV nhân viên; trong đó 87,12% GV đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019; số cán bộ, GV có trình độ Tiến sỹ là 6 người, Thạc sỹ 399 người, Đại học trên 14.830 người. Ngành thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu GD trong thời kỳ mới song song với việc tham mưu, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ quản lý nhà trường gương mẫu, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề.
Đặc biệt, trong những năm qua, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý của tỉnh đã được phong tặng danh hiệu cao quý. Riêng năm học 2022 - 2023, có 53 cá nhân có thành tích xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 7 điển hình tiêu biểu được Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn tôn vinh, biểu dương và tặng Bằng khen; 15 nhà giáo được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; 184 cá nhân được ngành GD&ĐT tặng Giấy khen; nhiều cán bộ, GV đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến; 32 cá nhân được đề nghị UBND tỉnh xét tặng Huy hiệu vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang và 1.470 cá nhân được Bộ GD&ĐT xét tặng Kỷ niệm chương “Vì Sự nghiệp Giáo dục” năm 2023. Toàn tỉnh có 1.632 sáng kiến cấp ngành, 12 sáng kiến cấp tỉnh và 3 đề tài khoa học cấp tỉnh được áp dụng vào thực tiễn giảng dạy.
Khoe sắc trong vườn hoa trạng nguyên
Như những mầm xanh không phụ công người chăm bón, vẫn vươn lên trong gian khó để rồi đơm hoa, kết thành mùa trái ngọt, những HS trên mảnh đất biên cương đã tri ân công lao dưỡng dục của bố mẹ, thầy cô bằng những kết quả rực rỡ sau mỗi năm học.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn), em Mùng Thị Yến Nhi, người con của đồng bào dân tộc Lô Lô đã luôn mang trong mình ước mơ thay đổi cuộc sống. Bởi vậy, em đã nỗ lực không ngừng, vượt khó vươn lên trong học tập đạt HS giỏi nhiều năm liền. Hiện, Yến Nhi đang học lớp 9 Trường PTDT Nội trú Đồng Văn. Năm học vừa qua, với sự chăm chỉ, miệt mài trong học tập, em đã vinh dự đạt giải Nhất môn Địa lý cấp tỉnh. Không chỉ học giỏi, em còn tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, là tấm gương HS dân tộc thiểu số vươn lên trong học tập. Yến Nhi tâm sự: Em sẽ cố gắng học tập để đền đáp những yêu thương, kỳ vọng của thầy, cô, gia đình và cũng vì tương lai của mình.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 314/615 cơ sở GD được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 64,1%; tỷ lệ huy động HS 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,23%; tỷ lệ HS hoàn thành chương trình lớp học hằng năm đạt từ 95 - 97%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng tăng. Tại kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia các môn văn hóa năm 2023 có 2 HS đạt giải; Trại hè 2023, Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang đạt 43 huy chương. Hàng năm, nhiều HS thi đỗ vào các trường đại học top đầu, có những HS ưu tú đi du học, nhiều HS đạt thủ khoa đầu ra hoặc dành học bổng du học… Tiêu biểu như các em: Lưu Thủy Tiên, cựu thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Đại học Luật Hà Nội, giành được học bổng toàn phần Thạc sĩ Luật tại Đại học Liverpool, Vương quốc Anh; Trần Vân Trang, 12 năm liền là HS giỏi, đạt giải trong kỳ thi HS giỏi Quốc gia môn Tiếng Anh, tốt nghiệp xuất sắc Đại học Ngoại thương Hà Nội; Nguyễn Tuấn Dũng, hiện đang là HS Trường THPT Chuyên, Đại học Sư phạm Hà Nội, giành nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế; Phạm Thị Hạnh Mỹ, Trường THPT Tân Quang (Bắc Quang) là HS khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đã nỗ lực vượt lên, đạt danh hiệu HS giỏi toàn diện nhiều năm liền...
Nhìn lại đoạn đường phát triển của GD tỉnh nhà trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã có những bước phát triển, thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Những thành quả đáng tự hào của ngành GD thực sự là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với các thầy, cô giáo, HS và các bậc phụ huynh trên mảnh đất nghèo nơi biên cương. Đó là phần quà xứng đáng cho sự nỗ lực bền bỉ vượt qua khó khăn. Những “mầm xanh” đã và đang đơm hoa kết trái những mùa “quả ngọt”. Ngành GD đang tiếp nối truyền thống, bề dày thành tích để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.