'Gieo duyên đọc sách' ở miền núi Nghệ An đạt giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục
Hành trình 'gieo duyên đọc sách' của cô gái bị khuyết tật đã lay động, chạm vào trái tim của nữ phóng viên ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An).
Người phụ nữ gieo duyên đọc sách
Lần đầu tiên gửi tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, nhóm tác giả công tác tại Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thông huyện Tân Kỳ (Nghệ An) mang đến tác phẩm phát thanh "Gieo duyên đọc sách" để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Là một thành viên của nhóm tác giả, chị Nguyễn Thị Tú (SN 1984, phóng viên) nhớ lại, trong một lần rong ruổi qua những vùng quê huyện Tân Kỳ để tìm kiếm đề tài. Chị được người dân kể về tấm gương vượt qua nghịch cảnh và thư viện trong căn nhà nhỏ chị Trần Thúy Nga ở xã Nghĩa Đồng.
Từ thời niên thiếu, chị Thúy Nga mắc phải căn bệnh viêm đa khớp nặng, dẫn đến khuyết tật vận động. Không thể đi lại, người phụ nữ này phải ngồi xe lăn, sinh hoạt phải phụ thuộc vào người thân.
Với tình yêu với sách và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, năm 2004, chị Nga mở một thư viện ngay trong căn nhà nhỏ của mình. Nhờ nguồn thu từ tiệm tạp hóa, người phụ nữ này gom góp từng đồng tiền để mua sách bổ sung vào thư viện.
Với mong muốn các em nhỏ có được niềm vui, kiến thức, đồng thời phát triển văn hóa đọc ở địa phương, chị Nga miễn phí sách cho học sinh đến đọc và mượn sách.
Trải qua gần 20 năm, thư viện Thúy Nga ngày càng phát triển, thu hút được nhiều độc giả, trở thành điểm đến quen thuộc của các em nhỏ.
“Tôi còn rất thích viết các đề tài về tấm gương người tốt việc tốt, gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Khi nghe mọi người kể về hoàn cảnh của chị Trần Thúy Nga tôi cảm thấy rất khâm phục và quyết định thực hiện đề tài này”, chị Tú nói về lý do lựa chọn đề tài.
Khi đến thực hiện đề tài, nữ phóng viên tỏ ra rất bất ngờ khi một người phụ nữ nhỏ nhắn, mang trong mình nỗi đau bệnh tật như Thúy Nga lại có tính cách gần gũi và mạnh mẽ.
Ban đầu, nữ phóng viên có ý định thực hiện phóng sự truyền hình, tuy nhiên vì muốn khắc họa được cảm xúc sâu thẳm bên trong của nhân vật, chị Tú quyết định đổi sang thể loại phát thanh.
Thai nghén đứa con tinh thần
Theo chị Tú, tác phẩm phát thanh phải có đủ 4 yếu tố: âm thanh, tiếng động, lời bình và giọng nhân vật. Để có được một số đoạn ghi âm nhân vật bộc lộ cảm xúc, chị Tú phải lựa chọn thời gian ban đêm, tâm sự tỉ tê để chị Nga tâm sự.
"Để ghi được một đoạn ngắn cảm xúc nghẹn ngào của chị Nga tôi phải gọi điện cả tháng trời. Đêm nào tôi cũng gọi có lúc khiến Nga bực mình”, nữ phóng viên kể về quá trình thực hiện tác phẩm.
Chị Tú cũng cho biết, vì bản thân là phóng viên của Đài truyền hình địa phương, nên việc đặt lịch làm việc, phỏng vấn lãnh đạo tỉnh rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi nghe được bản dựng thô của tác phẩm, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An nhận lời phóng vấn của chị.
Theo nữ phóng viên, không như ở thành phố, trẻ em ở huyện miền núi Tân Kỳ rất thiếu thốn các loại sách, truyện, tài liệu học tập. Trong khi thư viện huyện mở ra có rất ít người đến thì chị Thúy Nga đã nghĩ ra nhiều sáng kiến để thu hút bạn đọc, nhờ đó phát triển văn hóa đọc ở địa phương.
Chị Tú chia sẻ, bản thân biết đến giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam từ rất lâu nhưng đây là năm đầu tiên có bài gửi dự thi. Nữ phóng viên đánh giá, đây giải báo chí chính thống, có nhiều bài dự thi chất lượng, mang lại nhiều giá trị cho ngành giáo dục.
“Tôi tìm hiểu và đọc hết những bài dự thi đoạt giải từ năm ngoái, năm trước thấy nội dung rất hay và chất lượng. Từ đó thu hút tôi và ekip thực hiện và hoàn thành tác phẩm để dự thi. Chúng tôi mong muốn đứa con tinh thần của mình phải chỉnh chu và sạch sẽ nhất”, chị Tú tâm sự.
Nữ nhà báo cho biết trong những năm tới, chị và đồng nghiệp tại Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thông huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục tìm tòi, thực hiện các đề tài hay, ý nghĩa để gửi bài dự thi giải báo chí của ngành Giáo dục.