'Gieo hạt giống đỏ' nơi đất khó

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Chi bộ là gốc rễ của Đảng...', 'Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt'… những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã không còn tình trạng khu dân cư 'trắng' đảng viên, 'trắng' chi bộ.

Mặc dù công tác tuyên truyền được đẩy mạnh song việc phát triển đảng ở bản vùng cao Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn - nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức và tập tục của người dân.

(baophutho.vn) - Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chi bộ là gốc rễ của Đảng...”, “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”… những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã không còn tình trạng khu dân cư “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Đặc biệt, tại những thôn, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập và vùng có đông đồng bào công giáo như huyện Cẩm Khê, các chi bộ đã nỗ lực “gieo hạt giống đỏ” và thu được những “trái ngọt” đầu tiên, góp phần làm tốt công tác xây dựng, phát triển Đảng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều chi bộ đang đứng trước khó khăn bởi tình trạng “già hóa chi bộ”. Vì vậy, để giải bài toán về đội ngũ đảng viên kế cận ở vùng đất khó, cần phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ, tạo ra những “hạt giống đỏ” tích cực cho chi bộ.

Kỳ I: Nhiều khó khăn trong tạo nguồn

Cuối năm 2013 đã có 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thành lập được chi bộ, chấm dứt tình trạng khu dân cư “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Từ ngày thành lập đến nay, các chi bộ, nhất là chi bộ ở vùng đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đã trở thành cánh tay đắc lực của Đảng, cầu nối ý Đảng- lòng dân, nhiều đảng viên trở thành “hạt giống đỏ” để nhân dân noi theo. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác phát triển đảng viên ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào công giáo đã và đang gặp khó khăn, không ít chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên, nhiều chi bộ bị “già hóa”, ảnh hưởng đến sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đến phát huy vai trò của đảng viên.

Chuyện “già hóa chi bộ”…

Từng đi nhiều nơi nên tôi được nghe khá nhiều chuyện ý nghĩa về các đảng viên “đầu tầu” gương mẫu làm kinh tế giỏi, hiến đất làm đường, đóng góp tiền của, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng làm nhà văn hóa… Họ đều vì lợi ích chung mà sẵn sàng chặt cây, dỡ tường rào để giải phóng mặt bằng để nâng cấp, mở mới những con đường, góp phần xóa đói giảm nghèo, thể hiện vai trò đi đầu trong mọi hoạt động ở cơ sở. Mặc dù vai trò của các đảng viên đã được khẳng định, nhưng không phải ở địa phương nào, công tác phát triển đảng cũng thuận lợi.

Trong câu chuyện với chúng tôi về công tác phát triển đảng viên mới, đồng chí Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Lập nêu vấn đề: Nhiệm kỳ 2015-2020, tuy số lượng đảng viên được kết nạp vượt kế hoạch đề ra, nhiều đảng bộ, chi bộ và đảng viên đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, được Tỉnh ủy, Huyện ủy khen thưởng nhưng trên thực tế vẫn còn không ít chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên, đa số rơi vào các chi bộ khu dân cư ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, từ đó tạo áp lực bởi tình trạng đảng viên ngày càng già hóa vì không có đội ngũ đảng viên kế cận.

Để thực mục sở thị, chúng tôi về xã Thượng Long, một trong những địa phương có nhiều cách làm hay trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoàng Kim Ngọc bộc bạch: Xã về đích nông thôn mới từ năm 2019, vượt trước kế hoạch một năm, đời sống của đồng bào các dân tộc đã khá hơn trước rất nhiều, thu nhập bình quân đầu người giờ đạt 38 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 4,1%, thế nhưng Đảng bộ chúng tôi vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở cơ sở.

Được biết, Đảng bộ xã Thượng Long hiện có 348 đảng viên, phần lớn có độ tuổi trung bình từ 50 trở lên. Đồng chí Nguyễn Hữu Thiện-Bí thư chi bộ khu Dân Chủ trầm ngâm: Đã hơn hai nhiệm kỳ, Chi bộ chưa kết nạp được thêm đảng viên mới nào, trong khi đảng viên trong chi bộ ngày một già đi. Vừa có một đảng viên mới mất nên giờ chi bộ còn 20 đồng chí, cơ bản là người cao tuổi. Mặc dù nhiều năm qua, Chi bộ đã giao cho các đoàn thể ở khu tìm nguồn giới thiệu cho Chi bộ nhưng vẫn chưa tìm được bởi người thì nêu lý do bận đi làm ăn xa, bận việc gia đình, người thì tư tưởng chưa thông, còn đắn đo xem vào Đảng có lợi gì không, thậm chí có trường hợp chỉ cần hoàn thiện hồ sơ để kết nạp thì lại nằng nặc… xin rút!

Không kết nạp được đảng viên mới khiến chi bộ “già hóa” đang là thực trạng chung ở không ít chi bộ khu dân cư vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn. Đồng chí Hà Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn cho biết: Đảng bộ xã có 14 chi bộ khu dân cư thì 10 chi bộ từ 3-10 năm nay chưa kết nạp được đảng viên, vì thế, phần lớn đảng viên ở các chi bộ nông thôn đều là người có tuổi, cho dù họ có nhiệt huyết với công việc nhưng do sức khỏe có hạn nên các hoạt động của các chi bộ này cũng bị ảnh hưởng.

Đội ngũ đảng viên được ví như những “hạt giống đỏ”- hạt nhân quan trọng trong mọi hoạt động của cơ sở nhưng những hạt giống ấy ngày càng khó “gieo”. Mới đây, về xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, chúng tôi được nghe Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Tình tâm sự: Nhiều chi bộ khu dân cư, đảng viên trẻ tuổi từ 30 trở xuống rất hiếm, không ít đảng viên ở tuổi “xưa nay hiếm” xin được miễn, hoãn sinh hoạt Đảng.

Chi bộ khu Dân Chủ, xã Thượng Long, huyện Yên Lập tuy vận động được người dân phát triển kinh tế, hiến đất làm đường giao thông nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên ở cơ sở.
… và khó tạo nguồn kế cận

Giống như nhiều chi bộ nông thôn khác, Chi bộ khu Phú Thịnh thuộc Đảng bộ xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê cũng trong hoàn cảnh khó kết nạp được đảng viên bởi những năm qua, nhiều thanh niên trong khu chọn cách “ly hương” đi mưu sinh ở những vùng đất mới nên việc tạo nguồn gặp khó khăn. Đã gần hai nhiệm kỳ, Chi bộ chưa kết nạp được đảng viên mới, trong khi số lượng đảng viên cũng không nhiều, cả Chi bộ chỉ có sáu đồng chí. Để chi bộ hoạt động tốt hơn, ươm được thêm “hạt giống đỏ”, Đảng ủy xã đã phân công đồng chí Nguyễn Văn Dự- Bí thư Đoàn thanh niên xã về làm Bí thư Chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Chi bộ trẻ tuổi, nhiều phong trào thi đua của các đoàn thể được phát động, tạo “sân chơi” lành mạnh nhằm thu hút, tập hợp, lựa chọn những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Mặc dù, đã xuất hiện một số quần chúng ưu tú, có thể xem xét kết nạp Đảng nhưng khi nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng thì những quần chúng này lại “cân đong đo đếm” xem có vào hay không vào Đảng. Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Dự trao đổi: Ngoài lý do thanh niên muốn đi làm ăn xa để phát triển kinh tế gia đình thì còn có yếu tố đặc thù riêng, đó là Tạ Xá là xã công giáo toàn tòng, quan niệm sinh nhiều con đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình, dẫn đến tình trạng vi phạm chính sách dân số. Một số quần chúng tuy mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng lại vi phạm chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình…

Tương tự khu Phú Thịnh, công tác phát triển đảng ở bản vùng cao Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn- nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống cũng đang gặp khó. Quần chúng ưu tú để xem xét kết nạp chủ yếu là các đoàn viên thanh niên, tuy nhiên lực lượng này một số đi làm ăn xa, một số ở nhà song ít sinh hoạt, ít tham gia các phong trào tại địa phương, trong khi nạn tảo hôn trong cộng đồng vẫn còn. Chính hủ tục “bắt vợ” sớm của người Mông còn tồn tại cộng với trình độ dân trí thấp đã khiến việc phát triển đảng gặp nhiều khó khăn; được thành lập từ năm 2009 nhưng đến nay Chi bộ Mỹ Á mới chỉ có tám đảng viên.

Hiện nay, ở các huyện miền núi: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê… tình trạng khó khăn trong bổ sung nguồn lực vào tổ chức cơ sở đảng đang là vấn đề cần tháo gỡ. Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Lập Hà Việt Hùng thẳng thắn nhìn nhận: “Việc tạo nguồn để bồi dưỡng, kết nạp đảng ở các chi bộ nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khá gian nan, thậm chí có độ “lệch” về cơ cấu đảng viên, tỉ lệ đảng viên nam giới chiếm đa số, nữ chiếm tỉ lệ nhỏ. Nguyên nhân là lớp thanh niên sau khi học xong đại học, cao đẳng, trung cấp không trở về địa phương sinh sống khiến nguồn kết nạp ngày càng hạn hẹp, một số người trung tuổi muốn vào Đảng nhưng do nghỉ học sớm, thậm chí vi phạm chính sách dân số, xác minh lý lịch không đủ điều kiện, một số trường hợp lại thiếu nhiệt huyết với các phong trào thi đua, không phát huy được phẩm chất, năng lực…”.

Để các chi bộ thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng nơi đất khó, thiết nghĩ, các cấp ủy Đảng cần phát huy hơn nữa vai trò của những hạt nhân tích cực, để mỗi đảng viên là một ngọn cờ, đồng thời có những giải pháp căn cơ trong phát triển Đảng, tạo sức chiến đấu ở cơ sở.

Kỳ II: Giúp “măng” mọc trước khi “tre” già

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202109/%E2%80%9Cgieo-hat-giong-do%E2%80%9D-noi-dat-kho-179499