Gieo mầm - Bài 1: 'Gieo mầm' trên vùng quê mới

Đã có bao lớp đảng viên cao tuổi luôn vững niềm tin theo Đảng đã và đang 'gieo mầm' những 'hạt giống đỏ' trên vùng cao, biên giới Lào Cai.

Chúng tôi tìm đến nhà đảng viên Trương Văn Triệu (Chi bộ thôn Trung Tâm thuộc Đảng bộ xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Đó là ngôi nhà nhỏ xây cấp 4 nằm bên tuyến đường chính qua xã. Năm nay 91 tuổi đời, tròn 70 năm tuổi Đảng, đảng viên Trương Văn Triệu vẫn khá minh mẫn, giọng nói sang sảng, nét mặt linh hoạt, chỉ có điều tai nghe đã kém, mắt giảm phần nào sự tinh tường...

Sinh năm 1928 tại xã Bắc Lý (nay là xã Bảo Lý), huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Trương Văn Triệu đã tham gia lực lượng dân quân địa phương, cùng chống tề, trừ gian, nuôi giấu, bảo vệ và làm liên lạc cho cán bộ cách mạng. Đến năm 1949, mới 21 tuổi, người thanh niên yêu nước này được kết nạp Đảng khi đang thuộc lực lượng dân quân trực chiến và những năm sau đó, được đảm nhiệm chức vụ tiểu đội trưởng, rồi trung đội trưởng dân quân.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ mới, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam. Giai đoạn đầu, đảng viên Trương Văn Triệu tiếp tục tham gia lực lượng dân quân, vừa bảo vệ trật tự trị an, vừa lao động sản xuất tại quê nhà. Năm 1964, đảng viên Trương Văn Triệu gia nhập lực lượng thanh niên xung phong và đến năm 1966 được tổ chức phân công làm nòng cốt cùng hơn 100 hộ từ Bắc Lý lên thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) xây dựng kinh tế mới.

Cụ Trương Văn Triệu (thứ 3 từ phải sang) tại Đại hội Hội Cựu TNXP tỉnh lần thứ III.

Cụ Trương Văn Triệu (thứ 3 từ phải sang) tại Đại hội Hội Cựu TNXP tỉnh lần thứ III.

Trên vùng quê mới, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, thậm chí căng thẳng, nguy hiểm, nhất là thời điểm trước, trong và sau chiến tranh biên giới năm 1979. Nhiều hộ muốn bỏ về quê cũ hoặc đi nơi khác lập nghiệp, ngay cả người thân trong gia đình ông Triệu cũng có tư tưởng này. Với vai trò, trách nhiệm của đảng viên, ông vận động người dân bình tĩnh, kiên tâm. Để bà con tin tưởng, ông luôn “đứng mũi chịu sào”, gương mẫu đi đầu gánh vác việc thôn, việc xã. Ông dựng nhà ngay trên quả đồi gần biên giới, ngày ngày phát nương trồng ngô, ăn cơm ngô, thậm chí chỉ ăn ngô và cùng bộ đội biên phòng tuần tra, giữ gìn an ninh, trật tự. Được chi bộ giao phụ trách công tác thương nghiệp khu vực Na Lốc, ông chạy đôn chạy đáo lo nguồn hàng mậu dịch phục vụ bà con. Ngày ấy, từ trung tâm xã vào đến Na Lốc hoàn toàn đi bộ, mất cả buổi, có khi gần hết 1 ngày vì phải đi đường vòng. Có lần bà con nhiều ngày không có gạo, ông Triệu “lọ mọ” lên huyện, tìm gặp lãnh đạo huyện để xin mua gạo chịu. “Tôi là đảng viên, phụ trách đoàn hơn 100 hộ lên đây, cam kết thanh toán ngay khi bà con được nhận chế độ…” - ông thuyết phục lãnh đạo huyện như thế. Vậy là bà con được mua chịu gạo ăn trong chừng 1 tháng.

Chính tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc, hết lòng vì người dân của đảng viên Trương Văn Triệu đã thuyết phục được bà con. Mọi nhà bảo ban, động viên nhau cố gắng lao động sản xuất, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng biên. Bằng nhiều biện pháp, mềm mỏng có, cứng rắn có, ông Triệu và các lực lượng chức năng ở Bản Lầu đã ổn định được tình hình dân cư, biên giới, trong đó có quan hệ với dân cư nước láng giềng.

Giai đoạn 1980 - 1989, đảng viên Trương Văn Triệu sinh hoạt tại Chi bộ Na Nhung và là người góp công lớn trong việc bồi dưỡng, kết nạp thêm 5 đảng viên, tạo điều kiện để Chi bộ Na Nhung tách thành 2 chi bộ: Na Nhung và Lùng Cẩu. Thời điểm đó, nguồn kết nạp đảng viên vô cùng khó khăn. Ông Triệu đã từng phải quyết liệt bảo vệ quan điểm của mình, thuyết phục tập thể cấp ủy, kể cả cấp ủy cấp trên rằng không nên định kiến với quần chúng, mà phải tin tưởng, tạo cơ hội cho anh em phấn đấu, rèn luyện; nên phát triển đảng viên là người địa phương, bởi như vậy chi bộ mới vững mạnh, bền vững, mới lãnh đạo tốt hơn. Nhờ vậy, địa phương mới có thêm nhiều quần chúng tiêu biểu được kết nạp Đảng…

Những năm sau đó, ông Trương Văn Triệu tham gia công tác mặt trận, cựu chiến binh, người cao tuổi, tiếp tục đóng góp xây dựng chi bộ, đảng bộ, chính quyền ở địa phương. Đến năm 2001, khi sức khỏe suy giảm, ông mới nghỉ…

Giờ đây, ông Trương Văn Triệu sống một mình trong căn nhà nhỏ với vài đồ dùng đơn giản phục vụ sinh hoạt hằng ngày (vợ ông mất cách đây 10 năm). Ông Triệu cười xòa bảo: Con cái đều đã có gia đình riêng, mình vẫn tự lo được cho bản thân. Con cháu vẫn qua lại thường xuyên, rồi bà con lối xóm cũng tiện đường ghé qua, nhà chẳng mấy khi vắng khách đâu mà lo!

Ông Trần Hữu Lương, Bí thư Chi bộ thôn Trung Tâm cho biết: Dù thuộc diện miễn sinh hoạt Đảng nhưng chỉ khi trái gió trở trời, đảng viên Trương Văn Triệu mới vắng tại các cuộc sinh hoạt thường kỳ của chi bộ. Các buổi chi bộ sơ kết, tổng kết, quán triệt và triển khai nghị quyết của cấp ủy các cấp, ông Triệu thường có mặt và tham gia ý kiến xây dựng rất nhiệt tình, thẳng thắn.

Cũng theo ông Lương, đảng viên Trương Văn Triệu rất tích cực hưởng ứng, thực hiện các phong trào thi đua và hoạt động tại địa phương. Ví dụ như khi chi bộ triển khai chủ trương xây dựng thôn Trung Tâm là thôn kiểu mẫu, ông Triệu đã tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn. “Chi bộ vinh dự, tự hào khi có đảng viên như ông Triệu. Đó là tấm gương sáng để các đảng viên trong chi bộ và bà con, nhất là lớp trẻ, trong thôn noi theo” - ông Lương nói.

Bài 2: Gắn bó với sự nghiệp “trồng người”

Phạm Đức - Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/gieo-mam-bai-1-gieo-mam-tren-vung-que-moi-z17n20191018090219.htm