'Gieo mầm' cho cây lúa hữu cơ
Các sản phẩm lúa gạo hữu cơ ngày càng phổ biến, được nhiều người tiêu dùng quan tâm sử dụng bởi tính an toàn cao, góp phần cải thiện môi trường. Quan trọng nhất, là sức khỏe của bà con nông dân được đảm bảo hơn khi không phải thường xuyên tiếp xúc với các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.
Bởi vậy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được xem là bước chuyển dịch tích cực trong sản xuất nông nghiệp, được nhiều nông dân trong tỉnh quyết tâm theo đuổi và thực hiện. Tuy nhiên, việc phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào trong quá trình triển khai, để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa khiến nhiều nông hộ còn lúng túng.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc HTX Nhân Lý, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) chia sẻ: Phú Xuân là xã thuần nông, có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu để phát triển cây lúa và đặc biệt là vùng sản xuất lúa hữu cơ.
Tuy nhiên, thời điểm mới bắt đầu, các thành viên trong HTX gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt đối với sâu bệnh hại, việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV khiến các giống cũ cho năng suất thấp, không đem lại giá trị kinh tế cao. Trước thực trạng đó, HTX đã tìm hiểu các giống mới, thông qua Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, được tiếp cận với các giống thuần có năng suất và giá trị kinh tế cao, nhất là có khả năng kháng bệnh tốt.
Nhờ đó, sâu bệnh hại trên các cánh đồng của HTX ngày càng ít đi, các sinh vật có ích dần phục hồi, đem lại sức sống mới cho đồng ruộng. Trên cơ sở đó, thương hiệu gạo Phú Xuân được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận và UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận OCOP 3 sao năm 2020, ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.
Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Phạm Quang Triều cho biết: Bằng việc tích cực khảo nghiệm các giống mới, tìm ra các giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng sản xuất trong tỉnh, trung tâm đã xây dựng được cơ cấu giống linh hoạt, hiệu quả trong sản xuất lúa. Từ đó, chủ động liên kết với các doanh nghiệp (DN) cung ứng giống uy tín và tổ chức sản xuất lúa giống tại các trại giống Mai Nham và Vũ Di, đảm bảo nguồn giống tốt, ổn định cho nông dân.
Mỗi năm Trung tâm Giống nông nghiệp khảo nghiệm khoảng 100 giống lúa các loại, tổ chức nhiều mô hình trình diễn, đặc biệt là mô hình lúa hữu cơ. Năm 2022, trung tâm xây dựng 14 mô hình sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 280 ha tại 13 xã thuộc các huyện, điển hình như xã Duy Phiên (20 ha), xã Đồng Ích (70ha), xã Yên Phương (30ha)...
Các mô hình áp dụng quy trình chăm sóc đã được chuẩn hóa, cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu (làm đất, cấy, thu hoạch bằng máy và phun thuốc BVTV bằng máy bay). Các loại thuốc BVTV được sử dụng có nguồn gốc sinh học và an toàn với con người.
Năng suất lúa những năm gần đây của tỉnh liên tục đạt cao, thuộc tốp đầu các tỉnh khu vực phía Bắc. Mối liên kết sản xuất giữa HTX, nông dân với các DN nông nghiệp lớn ngày một nhiều hơn, chặt chẽ hơn, thúc đẩy sản xuất lúa hữu cơ và các mô hình nông nghiệp hữu cơ khác phát triển.
Có thể thấy với cách làm sáng tạo và khoa học, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã phát huy tốt vai trò dẫn lối hướng đi mới cho nông dân trong sản xuất lúa hữu cơ, hướng tới phát triển nền nông nghiệp giá trị cao và bền vững.