Gieo mầm chữ nơi đảo xa
Dù xa đất liền, điều kiện sinh hoạt, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng các em học sinh ở trên đảo Thổ Chu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) và Đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vẫn đến lớp học tình thương hàng ngày. Sự tâm huyết và tấm lòng của thầy, cô giáo nơi đây đã mở ra cánh cửa hy vọng cho các em.
Bám đảo vì học sinh
Ở vùng biển Tây Nam, xã đảo Thổ Châu (quần đảo Thổ Chu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có thể xem như đảo xa bờ nhất, cách Rạch Giá gần 200km. Nhưng không phải vì thế mà dạy và học ở Thổ Châu bị đứt đoạn. Từ gần 30 năm trước, cùng với những gia đình đầu tiên trở lại Thổ Châu sau nhiều thăng trầm, những lớp học đã từ từ được dựng lên.
Từ lớp, tới điểm trường và thành Trường Tiểu học - THCS Thổ Châu bây giờ là một hành trình miệt mài truyền chữ, trồng người. Cô Phạm Thị Kim Tiên (quê tỉnh Vĩnh Long) là giáo viên dạy học trên đảo này được hơn 13 năm. Cô chia sẻ rằng, từ khi ra đây sinh sống, dạy học thì cô luôn dành thật nhiều tình cảm cho học sinh và vùng đất này.
“Lúc mới ra trường, nghe vận động giáo viên đến xã đảo này để dạy, tôi tìm hiểu về đảo và quyết định đến đây dạy học, góp phần xây dựng, phát triển đảo. Thời điểm đó, cuộc sống nơi đây thiếu thốn nhiều thứ, từ thức ăn, đồ uống đến cơ sở vật chất… Đến nay, mọi thứ đã dần ổn định, các lớp học nơi tôi công tác cũng được lắp thêm tivi. Tuy nhiên, do đảo xa cách đất liền nên đồ dùng học tập của chương trình giáo dục mới vẫn còn thiếu. Do thiếu điện nên các em ít được xem tivi, tiếp cận công nghệ thông tin. Năm vừa qua, phần lớn thời gian không có điện, thời tiết nóng nực nhưng các em vẫn cố gắng đến trường đầy đủ, đó chính là niềm động lực lớn đối với giáo viên”, cô Kim Tiên nói.
Khi được hỏi về việc có hối hận với quyết định đến đây dạy học, sinh sống hay không, cô Kim Tiên mỉm cười: “Tôi không bao giờ hối hận về quyết định này vì nơi đây là mảnh đất tôi yêu thương. Tôi coi như quê hương thứ hai của mình nên sẽ đồng hành và gắn bó nhiều hơn nữa để giúp các em học hành nên người”.
Gắn bó với lớp học tình thương
Tại đảo Hòn Chuối (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 32km về phía Tây) có 1 người lính kiêm thầy giáo đứng lớp giảng dạy mỗi ngày cho các em học sinh. Đó là Thiếu tá Trần Bình Phục, Đội phó Đội công tác vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối. Thầy Phục là người thầy mang quân hàm duy nhất trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Cách đây hơn 14 năm, anh đặt chân lên hòn đảo này với nhiều lạ lẫm.
“Ngày mới đến đây, tôi nhớ mãi hình ảnh các em nhỏ lấm lem trong bộ quần áo cũ. Đảo có địa hình phức tạp, độ dốc cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa ít và nắng nhiều nên cuộc sống của người dân hết sức khó khăn, phần lớn không ai biết chữ. Thậm chí có gia đình cả 3 thế hệ không biết chữ, tương lai của những đứa trẻ dường như khép lại dần. Với mong muốn gieo con chữ tới các em nhỏ - là tương lai mai sau của đảo nói riêng và của đất nước, tôi xin phép cấp trên cho bản thân được dạy các cháu học để biết đọc, biết viết trong vòng một tháng. Thấm thoát nay đã là năm thứ 14 tôi gắn bó với lớp học tình thương này”, Thiếu tá Trần Bình Phục tâm sự.
Do chưa từng dạy học sinh và không có nghiệp vụ giảng dạy nên thầy Phục phải tự tìm tòi, học hỏi kỹ năng sư phạm. Thầy phải tự tập đứng lớp, cầm phấn viết bảng, nói chuyện một mình mỗi ngày và vào đêm khuya. Cứ như thế, trang giáo án bài bản được thầy soạn ra. Bên cạnh việc dạy học cho các em nhỏ, thầy Phục còn dạy kỹ năng sống, bài học về đạo đức.
Nhiều học sinh từ đảo Hòn Chuối về đất liền để học tiếp, ai cũng ngoan, chăm chỉ và rất chịu khó, thành công. Thầy thường trích tiền lương để mua tặng các em sách vở, phần quà nhỏ nhưng là một chút gì đó động viên các em vững bước trên con đường phía trước.
“Khó khăn khi lên đảo dạy không lời nào có thể diễn tả cho đủ, nhưng khi nào còn khỏe thì tôi còn dạy. Đây không còn là nhiệm vụ của người lính nữa mà là tâm nguyện của cả đời tôi. Sau khi về hưu, nếu tôi có điều kiện thì sẽ xây nhà ở đây để tiếp tục dạy cho các thế hệ sau. Tôi cũng tham mưu cho đơn vị xây dựng trường, tổ chức lớp học bài bản và mong có giáo viên được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm sẽ về đảo để dạy các em tốt hơn. Chỉ có như vậy, tương lai của các em trên đảo Hòn Chuối mới rộng mở”, thầy Phục bày tỏ.
Trong lớp học của thầy Phục, chúng tôi nhìn thấy nhiều em bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn biết đọc, viết, tính toán và lễ phép chào hỏi bất kỳ người lớn nào nếu gặp. Qua một số cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi được biết thầy Phục từng nhiều lần xin chỉ huy cho ở lại đảo để dạy học tiếp. Vì tính chất công việc nên thầy Phục rất ít về thăm gia đình, người thân ở quê. Thế nhưng, vợ con thầy ai cũng ủng hộ tâm nguyện của thầy với các em học sinh ở đảo Hòn Chuối.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gieo-mam-chu-noi-dao-xa-post709962.html