Gieo mầm thiện
Tôi chợt nghĩ, không phải chờ đâu xa, ngay bây giờ, An từ gánh ve chai của mẹ đã vươn lên gặt hái trí tuệ, làm việc ở công ty đa quốc gia, có phải đó đã là hoa thơm, trái ngọt?
Gieo mầm thiện
Đồng cảm
Không biết vì lý do gì nhưng hiện tại, cậu bé khoảng hơn 10 tuổi ấy đã không có đôi chân trọn vẹn. Khi thấy chiếc xe lăn, mắt em sáng lên, một niềm vui mà ai cũng hình dung rồi đây em có thể thoăn thoắt đến chỗ này chỗ kia bằng cách nhanh tay đẩy bánh xe đi. Khi tặng quà cho cậu bé ấy, không ít em trong Ban Từ thiện Đoàn sinh Quảng Đức ở Tánh Linh phần lớn ở lứa tuổi đôi mươi đều cảm thấy sống mũi mình cay cay. Có thể vì nghĩ đến thời khắc hãi hùng nào đó khiến cậu bé đã mất vĩnh viễn đôi chân. Có thể vì nghĩ đến tương lai của cậu bé, những năm tháng sau này sẽ làm gì. Có thể vì nhiều lý do khác. Riêng Trần Thanh An, 24 tuổi, Trưởng ban Từ thiện nhìn cậu bé lại nhớ về tuổi thơ của mình. Em kể rằng, ở lứa tuổi ấy, sau những buổi học trên lớp, cậu và một cậu bạn thường rủ nhau vào chùa Quảng Đức dạo chơi, nghe kinh. Sau đó thì được tham gia sinh hoạt theo gia đình Lam, được động viên, chia sẻ… Về nhà thấy mẹ sau những lúc tất bật với gánh ve chai, thu mua nông sản là hay buồn khóc chuyện ba của An không bỏ được bài bạc, gây nợ nần chưa xong lớp cũ lại bồi lớp mới. An rủ mẹ đến chùa để tĩnh tâm cùng với mình. Có lẽ cân bằng được đời sống tinh thần, những ngày tháng sau đó, mẹ An từ gánh ve chai từng ngày quanh quẩn các xóm thôn ở Đức Bình đã mở rộng lên thành vựa ve chai. Rồi tất bật kinh doanh nông sản theo mùa, “giật gấu vá vai” rồi mẹ An cũng lo được cho hai anh em An ăn học và lần lượt trả các khoản nợ. An từ một cậu bé lấm lem bụi đất ve chai dạo lớp 3, lớp 4, đã đậu đại học kinh tế và hiện đang làm việc tại Công ty Deloite Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, một công ty chuyên tư vấn thuế cho các công ty nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Bây giờ, An đi làm nuôi em gái cũng đang học tại trường đại học kinh tế. Có lúc túng thiếu nhưng mỗi lần tham gia đoàn từ thiện về quê nhà Tánh Linh, An vẫn dốc tiền túi có thể để tặng những hoàn cảnh mà xem ra còn bi đát hơn bản thân mình.
Không chỉ An, Ban Từ thiện Đoàn sinh Quảng Đức còn có 9 bạn khác nằm trong ban điều hành, mỗi em đến với gia đình Lam tại chùa Quảng Đức với những hoàn cảnh khác nhau. Các em đều là người Tánh Linh, một số đang là sinh viên, một số đã đi làm tại các công ty, đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh nhưng em lớn tuổi nhất cũng chỉ 24. Dù tứ tản, mỗi đứa một nơi nhưng cách thức tập hợp và bàn bạc phương án hoạt động của các bạn rất nhanh, vì đều qua facebook nhóm. Khi đã nắm kế hoạch, lịch trình thực hiện các chương trình thiện nguyện vào những ngày lễ, tết, ngày rằm... đứa thì lo đi tìm tài trợ của các mạnh thường quân, đứa đi làm thêm các việc trong sức lực, thời gian có thể để góp tiền về quê Tánh Linh tặng quà cho những hoàn cảnh đáng thương. Với hàng chục chuyến từ thiện tại Tánh Linh và một số lần thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh như tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Chợ Rẫy… với số tình nguyện viên lên con số 65 nhưng các bạn đều tổ chức tặng quà trọn vẹn. Bí quyết chung mà các bạn trẻ này cho biết về sự nỗ lực ấy, đó là sự đồng cảm, yêu thương, tình cảm với quê hương Tánh Linh…
“Hoa thơm, trái ngọt”
Nếu nhìn vào vị trí việc làm hay việc học của các bạn trẻ này mới thấy, những hoạt động thiện nguyện rất vất vả kia phải có sức hút lạ kỳ như thế nào. Như Trần Thị Tố Quyên (sinh năm 1996) hiện đang làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hay em Đoàn Nguyên Sơn Duy (sinh năm 1998) đang là sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải hoặc em Võ Thị Hoàng Linh (sinh năm 1998) đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh… theo lẽ bình thường, các em không tham gia gia đình Lam tại chùa Quảng Đức cũng không sao, nhất là khi đi khỏi Tánh Linh. Nhưng điều đặc biệt ở đây là các bạn trẻ ở nơi xa ấy vẫn kết nối với nhau hướng về quê hương Tánh Linh và chính bạn Trần Thanh An đã có ý tưởng ấy, rồi trở thành hiện thực qua việc thành lập Ban Từ thiện Đoàn sinh Quảng Đức vào tháng 8/2018 rồi. Mục đích của ban từ thiện nhằm thông qua chiếc áo màu lam lan tỏa yêu thương và làm những việc thiện nguyện giúp đời. Và người đứng sau dẫn dắt các bạn trẻ hướng đến hoạt động thiện nguyện cũng như tu dưỡng đạo đức là đại đức Thích Thông Châu, trù trì chùa Quảng Đức, hiện là Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tánh Linh, Trưởng ban Truyền thông Phật giáo tỉnh Bình Thuận.
Theo những người dân sống gần chùa, chùa Quảng Đức tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có cả người già với lịch sinh hoạt đều đặn định kỳ hàng tháng. Bên cạnh, chùa còn cứu trợ phát quà cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, xây cầu, làm đường, phát thuốc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, tổ chức bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện huyện Tánh Linh. Ngoài ra, chùa còn mở một lớp dạy chữ, đạo đức, hướng dẫn cho các em thiếu nhi thuần là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các khóa tu, các hoạt động vui chơi rất có ích. Và Ban Từ thiện Đoàn sinh Quảng Đức là một trong nhiều hoạt động trên nhưng rất nổi bật vì đã huy động được sức trẻ, trí dũng và lòng tốt ở các bạn trẻ. Ở tuổi 24 nhưng Trần Thanh An đã có suy nghĩ rằng, em tin vào luật nhân quả, gieo mầm thiện sớm thì mai sau sẽ gặt hái “hoa thơm, trái ngọt”. Tôi chợt nghĩ, không phải chờ đâu xa, ngay bây giờ, An từ gánh ve chai của mẹ đã vươn lên gặt hái trí tuệ, làm việc ở công ty đa quốc gia, có phải đó đã là “hoa thơm, trái ngọt”?
Ghi chép: Bích Nghị
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/gieo-mam-thien-122576.html