Gieo mầm thiện, nhận trái thiện

Truyện ngắn của LÊ QUANG SÁNG

Đức sinh ra, lớn lên nơi miền biển đồng bằng Bắc Bộ. Ngày còn học phổ thông, Đức đến trường trên con đường nhựa bằng phẳng, trải dài theo bờ biển. Vào quân ngũ, theo học trường sĩ quan, những buổi dã ngoại, đoàn quân của Đức hành quân trên con đường đất sỏi. Cách đây mấy tháng, cùng một số bạn trong lớp ra trường, nhận quyết định về công tác tại các đơn vị phía Nam, Đức được điều động về làm trợ lý dân vận một đơn vị đóng quân trên Tây Nguyên làm nhiệm vụ kinh tế quốc phòng. Đức lần đầu được trải nghiệm cung đường quanh co theo triền dốc khi ngồi sau bác xe ôm vào đơn vị trên con đường bê tông, qua những vườn cây xanh ngút ngàn. Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ, có cái nắng, có cái gió là đây.

Lần đầu tiên tới Tây Nguyên, Đức nhìn lá cây hồ tiêu mà như cây trầu bà thường hái ăn. Đức hỏi bác xe ôm: Sao ở đây họ trồng nhiều cây trầu thế? Được bác xe ôm giải thích là cây hồ tiêu. Lần đầu tiên, Đức biết cây hồ tiêu ngoài thực tế. Qua cung đường gần về đơn vị, cạnh những vạt đồi, khe suối, từng đám hoa vàng khoe bông, cũng qua lời giải thích, Đức mới biết đó là loài hoa dã quỳ, nở vào mùa thu, loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên.

Sáng nay, kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo xã để chuẩn bị cho việc sửa lại mái nhà cho gia đình thương binh Điểu Hú, Đức về đơn vị trên chiếc xe máy cũ. Con đường hôm nay Đức đang đi, nghe chỉ huy và các anh trong đơn vị kể, cách đây mấy năm là đất đỏ bazan. Mùa mưa lầy lội, trơn trượt, mùa khô bụi bay mù mịt. Những ngày ấy “mùa mưa mặc áo giáp, mùa khô mặc áo mưa”. Lần đầu nghe câu ấy, Đức không hiểu. Rồi được đồng đội giải thích anh mới biết được cái vất vả của người dân nơi đây trong việc đi lại. Mùa mưa, đường trơn trượt phải quấn thêm một lớp xích vào bánh sau của xe để tăng thêm độ bám. Mùa khô, bà con phải mặc bộ áo mưa bên ngoài để tránh bụi. Cách đây mấy năm, đơn vị của anh đã quyết tâm cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Đơn vị huy động công sức của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong đơn vị. Tận dụng nguồn nguyên liệu đá có sẵn, mua thêm cát sỏi, xi măng… đến nay, hầu hết tuyến đường từ các thôn, bon đến trung tâm xã đã được bê tông. Tuyến đường từ sở chỉ huy đến trung tâm xã được mở rộng. Hội phụ nữ, đoàn thanh niên của đơn vị và địa phương đã làm đẹp thêm hai bên lề đường bằng trồng những cây hoa tạo thành đường hoa.

Tây Nguyên sau tết, tiết trời cũng khác hẳn miền bắc quê anh. Buổi sáng hơi se lạnh, gần trưa chuyển nóng. Cái nóng không ngột ngạt như mùa hè ở quê nhưng cũng có cảm giác oi ả. Lúc sáng, đi qua đoạn đập nước này, hơi nước cộng thêm sương sớm của núi rừng Tây Nguyên, cảnh vật vắng lặng khiến anh cảm giác hơi ớn lạnh. Giờ đây, khi mặt trời gần đỉnh đầu, về gần tới đập, hơi nước được gió phả những luồng mát tạo cảm giác dễ chịu. Con đập này được huyện đầu tư xây dựng ba năm về trước phục vụ tưới tiêu cho hai bon người đồng bào M’nông và hai thôn là dân kinh tế mới từ ngoài bắc vào. Qua đoạn đập nước này, vượt hai đỉnh đồi nữa sẽ về đơn vị.

Cứu, cứu, cứu với…! Tiếng kêu cứu vang lên từ đập nước.

Đức phóng vội xe về phía có tiếng người kêu cứu. Trên tảng đá cạnh bờ đập, cháu bé chừng 10 tuổi, đang chỉ tay xuống lòng hồ, miệng la lớn. Dưới lòng hồ, một bàn tay bé xíu giơ lên rồi chìm xuống, nhấp nhô.

 Minh họa: Ngọc Tâm

Minh họa: Ngọc Tâm

Đức xuống xe nhảy ùm xuống mặt nước với nguyên bộ quân phục. Bằng những sải tay nhanh lẹ, bơi ra, xoay người mấy vòng, lặn xuống, Đức nắm được lọn tóc của người đang chới với chìm trong nước. Nổi người lên, thở một hơi mạnh, nước từ mũi miệng Đức bắn tung. Một tay sải nước, một tay kéo người bị nạn vào gần bờ. Chân chạm đất, Đức vác người bị nạn nằm úp trên vai chạy lên, chạy vòng quanh thân đập. Chạy được vài chục bước, nước trong miệng cháu bé ộc ra. Chạy thêm vài vòng nữa, Đức đặt cháu bé xuống. Bằng những kiến thức đã được trang bị ở trường sĩ quan, anh hà hơi, ép tim. Cháu bé nằm im, da tím tái. Ấn lồng ngực vài lần nữa, lại thổi ngạt… , nước từ miệng, mũi cháu bé bắn ra, có nhịp thở lại, đều dần, da bắt đầu chuyển sắc sáng.

Đức bế cháu bé bị nạn lên xe, bạn ngồi sau ôm. Xe về thẳng bệnh xá của đơn vị.

Y tá Sự bế cháu bé xuống, chạy vào trong phòng cấp cứu. Các y bác sĩ của bệnh xá nghe tim, đo huyết áp… trợ tim, trợ sức… thay quần áo cho cháu… ủ ấm.

- May đấy Đức ạ! Tiếng của bác sĩ Mười.

- Vâng, em đi sang ủy ban xã về, qua đập nước thì gặp, không biết người nhà của ai. Đức trả lời.

- Em về thay quần áo đi, ướt hết rồi. Yên tâm, ở đây các chị sẽ lo liệu tiếp.

- Vâng!

Đức về phòng thay đồ. Xong, anh lên báo cáo chỉ huy tình hình làm việc với địa phương, chuyện gặp người bị nạn nơi đập nước. Lát sau, quay lại, sân bệnh xá có mấy chiếc xe máy. Trong buồng bệnh ngoài các y, bác sĩ còn có vài người dân.

Đang dựng xe, Đức giật mình nghe tiếng người đàn ông mặc bộ quân phục đã cũ hỏi:

- Đức con bố Nhân phải không?

- Vâng! Có phải chú Hải? Sao chú lại ở đây? Chú bị bệnh hay đi thăm người bệnh?

- Sáng nay, chú vào rẫy cà phê làm cỏ. Vừa nghe tin thằng Hàn bị đuối nước, được bộ đội cứu về bệnh xá. Mừng quá, chú và mọi người chạy vội ra đây. Được các bác sĩ nói may mắn gặp được anh bộ đội tên Đức. Cháu có biết anh ấy không?

- Dạ, là cháu ạ. Cháu đi công việc về qua đập gặp hai cháu nhỏ, một cháu bị ngã xuống đập, cũng may cháu vừa kịp đến.

- Phúc đức quá, cảm ơn cháu nhiều.

- Vậy chú với cháu nhỏ là thế nào?

- Thằng Hàn là con của Hà nhà chú đó. Sáng nay nghỉ học, ở nhà, trốn ra đập nước câu cá rồi trượt chân xuống nước. May mà gặp được cháu.

- Dạ vậy chị Hà vào đây lâu chưa ạ?

- Vợ chồng Hà cưới nhau xong rồi vào Tây Nguyên lập nghiệp hơn chục năm nay rồi. Đợt này chú mới có dịp vào thăm. Mà cháu còn nhớ Hà không?

- Dạ cháu nhớ! Ngày nhỏ ở quê, năm cháu học lớp 1 đi bắt còng, bắt cáy ở biển. Hôm đó, cháu đi một mình, bị trượt chân xuống hố sâu, may mà có chú đi kéo chài gặp, đã cứu cháu. Lúc đó, cháu không nhớ gì, chỉ thấy mình bị uống no nước, mà toàn nước mặn. Lúc cháu tỉnh dậy thấy mình đang ngủ ở giường nhà chú, được chú đắp cho cái chăn bộ đội cũ. Chị Hà còn nấu cho cháu bát cháo có cả trứng gà, mùi thơm, vị ngon đến bây giờ cháu vẫn còn nhớ.

- Cháu công tác ở đây à?

Vâng, ra trường cháu được điều về đây công tác. Thời gian mới được mấy tháng, cháu cũng chưa đi hết địa bàn chú ạ. Cũng vài lần cháu điện về nhà, bố mẹ cháu nói chị Hà vào Tây Nguyên nhưng cháu không nghĩ là chị ở ngay gần đây.

- Biết chị Hà rồi thỉnh thoảng đến nhà chơi. Nhà Hà cách đập nước một đoạn.

- Vâng chú.

Đức phải không em? - Hà từ trong buồng bệnh chạy ra.

- Vâng em đây. Chào chị. Em không ngờ được gặp chị ở đây, mà lại trong hoàn cảnh này.

- May quá, có em không thì hôm nay, thằng Hàn nhà chị và cả thằng Tùng nữa không biết thế nào.

- Chắc gia đình chúng ta có duyên thế nào đó chị ạ.

- Ừ, chị cũng nghĩ vậy. Cảm ơn em nhiều nhé. Chị nghĩ hôm nay cháu Hàn được em cứu sống cũng một phần của luật nhân quả, gieo mầm thiện nhận trái thiện.

- Sau đợt này, em có ý định sẽ tập bơi cho Hàn. Em sẽ xin ý kiến của chỉ huy tổ chức cho đoàn thanh niên của đơn vị phối hợp với các nhà trường tổ chức huấn luyện kỹ năng bơi cho học sinh. Đức trả lời.

- Vậy thì tốt quá. Chú hy vọng cháu vừa giúp học sinh biết bơi, biết đâu lại tìm được một cô giáo tâm đầu ý hợp. Ngày trước, chú và cô lấy nhau cũng là nhờ chú biết bơi giỏi đó - Ông Hải vui vẻ nói.

- Là sao hả chú?

- Ngày còn trong quân ngũ, chú đạt giải nhất thi bơi của đơn vị, được tặng giấy khen, cũng nhờ tấm giấy khen ấy mà cô mới đồng ý cưới chú.

Ông Hải, Đức và chị Hà cùng cười, vui vẻ vào trong buồng bệnh. Hàn nằm lim dim đôi mắt, trên mình đắp tấm chăn bộ đội của chú y sĩ trực đêm. Đức khẽ kéo tấm chăn đắp lên cổ cho Hàn. Hình ảnh tấm chăn bộ đội năm xưa được ông Hải đắp lên cho Đức hiện về.

2,683

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/gieo-mam-thien-nhan-trai-thien-91886.html