Gieo niềm tin, gặt kết quả (kỳ 2)

Với những biện pháp, cách làm hiệu quả và sáng tạo, đặc biệt là vai trò 'truyền cảm hứng' của người đứng đầu các cấp, nhiều chỉ số trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số của tỉnh Hà Nam hiện đang ở mức cao trên bình diện cả nước. Niềm tin vào công cuộc chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, công dân số được Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh Hà Nam, các cấp chính quyền, sở ngành 'gieo' vào người dân, đã bước đầu gặt hái được những trái ngọt…

Những dấu ấn nổi bật

Gặp Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Hà Nam tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và triển khai Kế hoạch số 337 của UBND tỉnh Hà Nam vào cuối tháng 3, ấn tượng với chúng tôi về chị là một nữ chỉ huy quyết đoán, nhanh nhẹn và nhiệt huyết với công việc. Khi đề cập đến Đề án 06, Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh nói say sưa, nhất là những tháng ngày thực hiện cao điểm “90 ngày đêm” cấp CCCD gắn chip phục vụ nhân dân.

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Minh, đó là những “tháng ngày không bao giờ quên”. Bước vào cao điểm cũng trùng với dịp cuối năm, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH của Công an tỉnh Hà Nam gần như làm việc với 200% sức lực. Nhiều CBCS nhà con nhỏ, hoàn cảnh, song vẫn quyết tâm thu xếp việc gia đình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngay như thời điểm trùng vào dịp nghỉ Tết dương lịch năm 2023, Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh đã chủ động đề xuất với Ban Giám đốc Công an tỉnh, trực tiếp là Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh, đưa một tổ công tác gồm 5 CBCS vào TP Hồ Chí Minh để cấp CCCD gắn chip cho người dân tỉnh Hà Nam đang làm ăn, sinh sống tại đây. Trước khi đi, để chuẩn bị thật tốt cho việc cấp CCCD gắn chip, thông qua số điện thoại, các trang, hội nhóm đồng hương, danh sách người thân các gia đình có con em đang đi làm ăn xa tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh đã kết nối và phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hồ Chí Minh để tổ chức hẹn cấp CCCD cho người dân. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, chỉ trong vòng 3 ngày, tổ công tác đã cấp được CCCD cho 1.000 trường hợp người dân tại đây.

“Trước khi lên đường, tổ công tác được Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Tô Anh Dũng quán triệt, dặn dò, động viên và đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát QLCH về TTXH, Công an TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam để hỗ trợ tổ công tác cấp CCCD gắn chip cho người dân nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất. Tổ công tác làm ngày làm đêm nhưng luôn trong trạng thái phấn chấn, bởi được sự ủng hộ rất lớn của các cấp lãnh đạo, nhất là sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của những người dân xa quê đang làm ăn ở các tỉnh thành phía Nam. Thấy bà con quê mình rủ nhau kéo đến các điểm cấp CCCD trong tâm trạng hồ hởi, chúng tôi thật sự rất vui, bởi biết rằng những công sức của mình, của tập thể đã được người dân hưởng ứng bằng những biểu hiện rất cụ thể như vậy” - Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ.

Với những biện pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt, tới thời điểm này, Công an tỉnh Hà Nam đã cấp 732001/759683 thẻ CCCD, đạt gần 97%, đứng thứ nhất toàn quốc. Cùng với đó, đơn vị đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 175.564 tài khoản, đạt 23%, đứng thứ 2 toàn quốc. Riêng việc số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu, đến nay đã hoàn thành 286.527/298.422 hộ với 957.622 khẩu, đạt tỷ lệ 98,24%.

“Muốn người dân tin, làm theo, đam mê với chuyển đổi số thì hơn hết các cấp, các ngành, nhất là những đơn vị phụ trách giải quyết thủ tục hành chính cho người dân phải xác định chuyển đổi số đầu tiên. Khi người dân thực hiện những thủ tục hành chính trên môi trường số được thuận tiện, nhanh chóng, tiện ích, thì chính họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực giúp lực lượng chức năng thêm lan tỏa Đề án 06, chuyển đổi số” - Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chia sẻ. Đối với 11 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an đã được Công an tỉnh Hà Nam triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Thống kê, hiện có 10 dịch vụ công đạt kết quả tốt, trả lời đúng hạn 100% yêu cầu. Cụ thể, đó là xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD; cấp lại, đổi thẻ CCCD; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; cấp biển số môtô, xe gắn máy và xử phạt “nguội” qua dịch vụ công trực tuyến.

Đối với các sở, ngành của tỉnh Hà Nam hiện cũng đã thực hiện 11/14 dịch vụ công đạt kết quả và giải quyết đúng thời hạn. Đáng chú ý, trong những dịch vụ công này có nhiều dịch vụ tỷ lệ giải quyết hồ sơ lên tới 100% như cấp điện mới từ lưới điện hạ áp cho 9.503 công dân và 683 doanh nghiệp; hay như thay đổi chủ thể mua bán, điện cho 1.565 công dân, 365 doanh nghiệp. Riêng thủ tục đăng ký kết hôn cũng giải quyết 5.787 hồ sơ/5.787 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2023 thực hiện Luật Cư trú 2020, trong đó có quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tỉnh Hà Nam đã thực hiện nghiêm, không có trường hợp nào đăng ký kết hôn phải xuất trình những loại giấy tờ trên. Các thủ tục hành chính khác có liên quan đến sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy cũng được các cấp chính quyền rà soát, bỏ ngay từ dưới cơ sở. Đối với kết quả triển khai thủ tục liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi có 3.623/3.749 hồ sơ được giải quyết, đạt tỷ lệ 96,6%. Đối với thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí có 1.183 hồ sơ được giải quyết đạt 96,9%.

Cán bộ Công an xã xuống tận nhà dân hướng dẫn, giúp đỡ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Cán bộ Công an xã xuống tận nhà dân hướng dẫn, giúp đỡ người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Cung cấp công cụ để người dân đam mê với chuyển đổi số

Đề cập đến câu chuyện chuyển đổi số, nhất là Đề án 06 với nền tảng là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh Hà Nam cho biết: Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh Hà Nam đã được kết nối và khai thác chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính điện tử, hệ thống một cửa điện tử của địa phương đã hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu người dân phải khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những kết quả này đã góp phần giảm thiểu thời gian, công sức của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, lợi ích mang lại rất lớn, khó có thể đong đếm được.

Ví dụ được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đưa ra, đó là Sở Tư pháp đã thiết kế, xây dựng và tích hợp 4 biểu mẫu điện tử (eform) theo mẫu đơn của 4 dịch vụ công (đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn và đăng ký lý lịch tư pháp). Đơn vị này cũng ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn triển khai các thiết bị xác minh danh tính, thông tin chủ thể CCCD phục vụ hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, phục vụ việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy theo Luật Cư trú năm 2020.

Không chỉ “phủ sóng” tối đa CCCD gắn chip đến với người dân, mà tỉnh Hà Nam còn thực hiện hiệu quả việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vào CCCD phục vụ cho việc khám, chữa bệnh của người dân. Thay vì phải mang nhiều loại giấy tờ như trước kia, người dân chỉ cần mang thẻ CCCD gắn chip được tích hợp các giấy tờ cần thiết khác để phục vụ cho các hoạt động, giao dịch, thủ tục hành chính. Thống kê của tỉnh Hà Nam cho thấy, tính đến ngày 6/3, có 106/119 cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận công dân sử dụng CCCD để đi khám, chữa bệnh (đạt tỷ lệ gần 90%). Gần 200.000 lượt người dùng CCCD đăng ký khám, chữa bệnh. UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành y tế, bảo hiểm xã hội đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với số thẻ bảo hiểm y tế đạt gần 84%.

Đánh giá về công tác thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số tại tỉnh Hà Nam, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết: Tỉnh Hà Nam có nhiều lợi thế trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số bởi chính sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, tư duy đổi mới, sáng tạo, vượt qua cái cũ, thực hiện phương thức, cách làm mới của những người lãnh đạo đứng đầu Tỉnh ủy, UBND và Công an tỉnh. Đây chính là nhân tố quan trọng, then chốt góp phần truyền cảm hứng đến những lãnh đạo, chính quyền các cấp cùng thực hiện, đam mê và có cách làm hay, hiệu quả.

Dẫn chứng với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh cho biết, tới thời điểm này, gần như Hà Nam là địa phương đầu tiên thực hiện việc lắp đặt 2 máy quét QR trên thẻ CCCD gắn chip hoặc trên ứng dụng VNEID tại những khu du lịch như Tam Chúc, để phục vụ việc đảm bảo an ninh trật tự, tuyên truyền sâu rộng về tính năng, tác dụng của thẻ CCCD, ứng dụng VNEID. Việc lắp đặt máy quét này không những nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT, phòng ngừa các loại tội phạm mà còn góp phần minh bạch, văn minh hoạt động tài chính, lễ hội. Chỉ sau 2 tuần triển khai, hiện đã có khoảng 3.000 lượt du khách được checkin qua 2 thiết bị này.

Bám sát vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đồng thời trên tinh thần “tạo ra giá trị mới từ dữ liệu”, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Cũng theo đồng chí Trương Quốc Huy, hiện Hà Nam đã hoàn thành việc kết nối mạng truyền số liệu cấp II cho 138 cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã) để triển khai dịch vụ, các nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành chung của tỉnh, đảm bảo an toàn thông tin.

“Hiện tại chúng tôi đã xây dựng xong và chuyển mã nguồn chuẩn kết nối và giao diện để phục vụ tra cứu 2 dịch vụ công liên thông tại Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh Hà Nam để Bộ Công an đánh giá an toàn thông tin, từ đó đưa vào vận hành chính thức. Cùng với đó, phối hợp tích hợp, kiểm tra, triển khai hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai với cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin” - đồng chí Trương Quốc Huy cho biết.

Hiện, Hà Nam cũng đã thực hiện xong việc lập danh sách cán bộ, giáo viên để đối sánh, chuẩn bị các điều kiện phục vụ triển khai cấp chữ ký số. Tỉnh Hà Nam cũng đang quyết liệt triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt trong những cơ sở giáo dục. Một trong những phần việc hết sức quan trọng, được lãnh đạo tỉnh Hà Nam chỉ đạo triển khai, đó là xác thực dữ liệu an sinh xã hội trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã cấp gần 6.000 tài khoản an sinh xã hội của công dân trên địa bàn trùng khớp với dữ liệu.

“Với những dữ liệu, tài khoản này, chỉ cần một thao tác “ấn nút” là tiền trợ cấp, hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng được hưởng chính sách, an sinh xã hội sẽ nhanh chóng nhận được, đảm bảo chính xác, minh bạch, hiệu quả, không xảy ra sai sót…” - đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định.

Hoàng Phong – Phạm Tâm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/gieo-niem-tin-gat-ket-qua-ky-2--i687945/