Gieo sạ lúa Đông Xuân linh hoạt hợp lý với diễn biến nguồn nước
Nhằm đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết và các sinh vật gây hại, đảm bảo sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 đạt năng suất cao, UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung gieo sạ theo đúng khung lịch thời vụ chung của tỉnh.
Theo đó, yêu cầu các địa phương bố trí thời vụ sản xuất lúa cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời, căn cứ thời gian, mật độ rầy nâu, sâu năn vào đèn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng tiểu vùng, từng cánh đồng một cách đồng loạt; chỉ đạo gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025 thích ứng linh hoạt hợp lý với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ và từng vùng bị tác động xâm nhập mặn theo khung lịch thời vụ gieo sạ chung cho toàn tỉnh.
Cụ thể, đợt 1 từ ngày 15- 25/10, vùng gò biên giới thuộc các huyện phía Bắc và một số xã thuộc huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và Tân Trụ khả năng thiếu nước tưới cuối vụ; đợt 2 từ ngày 15 - 25/11 vùng đất trung bình, vùng có đê bao thuộc các huyện phía Bắc và các xã chủ động được nguồn nước thuộc các huyện phía Nam; đợt 3 từ ngày 13 – 28/12, tập trung gieo sạ tại các huyện vùng trũng thuộc Đồng Tháp Mười đê bao chưa khép kín.
Về cơ cấu lúa giống, cần sử dụng các nhóm giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt như OM18, OM5451, OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM7347, IR50404; nhóm giống lúa nếp và thơm đặc sản đang có tỉ lệ gia tăng trong cơ cấu giống chung Jasmine 85, ST24, ST25, Nàng Hoa 9, nếp IR4625...
Các địa phương tập trung chỉ đạo, rà soát và thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, các bản tin nông vụ, dự báo tình hình sản xuất tiêu thụ lúa gạo; chủ động kiểm tra thực tế tình hình sinh vật gây hại cây trồng tại các giai đoạn quyết định năng suất để có chỉ đạo kịp thời.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền, đơn vị sẽ tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, chất lượng nguồn nước, cảnh báo sinh vật gây hại cho cây trồng; khuyến cáo khung thời vụ gieo sạ và các giải pháp quản lý phù hợp để kịp thời tuyên truyền rộng rãi đến các cấp chính quyền địa phương và người dân được biết bằng nhiều hình thức để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra sự cố tràn đê do lũ, triều cường và rò rỉ nước mặn tại các cửa cống, hoàn chỉnh hệ thống đê bao dọc theo sông lớn, xây dựng các công trình ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của vùng chuyên canh cây lúa, cây ăn trái; theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt, diễn biến sinh vật gây hại, kịp thời hướng dẫn các giải pháp phòng trừ một số đối tượng, bệnh cần lưu ý như bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, rầy nâu, sâu năn, sâu đục thân,…
Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình sản xuất lúa để phục vụ điều hành xuất khẩu gạo; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai ứng dụng các mô hình công nghệ cao vào sản xuất; tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn áp dụng các quy trình sản xuất giảm phát thải, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp, giảm chi phí sản xuất, sản xuất an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe đất; phối hợp với Sở Công Thương cùng các địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp tục vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, vụ Đông Xuân 2024-2025, tỉnh có kế hoạch gieo sạ trên 224.000ha, phấn đấu năng suất đạt 6,5 tấn/ha, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn. Đối với vụ Hè Thu 2024, tính đến nay toàn tỉnh đã gieo sạ trên 222.000ha; đã thu hoạch gần 191.000, năng suất khô đạt gần 5,4 tấn/ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn.