Gieo tin yêu giữa những ngày giông bão!
Thời chiến hay thời bình, người lính đều luôn ở tuyến đầu, nhận lãnh sự hy sinh trước tiên. Chính họ đã là những người gieo hạt mầm tin yêu, tạo nên điểm tựa tinh thần cho đồng bào ngay trong những ngày giông bão.
Có lẽ một trong những câu chuyện cảm động nhất, những hình ảnh đáng nhớ nhất của năm 2020 là hình ảnh những người lính cứu hộ hy sinh nơi Rào Trăng, là câu chuyện 22 người lính vĩnh viễn không về trong đêm sạt lở kinh hoàng tại Quảng Trị, là hình ảnh những người lính sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất cứu nạn, cứu trợ cho người dân. Thời chiến hay thời bình, người lính đều luôn ở tuyến đầu, nhận lãnh sự hy sinh trước tiên. Chính họ đã là những người gieo hạt mầm tin yêu, tạo nên điểm tựa tinh thần cho đồng bào ngay trong những ngày giông bão.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 giúp người dân xã Ngọc Linh làm đường giao thông. Ảnh: Duy Hùng
1. Ngày 16/10/2020 - thời điểm lũ đang chồng lũ trên dải đất miền Trung, người dân nơi “khúc ruột đất nước”, chỉ trong vòng vỏn vẹn một tuần trời phải năm lần bảy lượt oằn mình chạy lũ - tôi đọc được một bài báo đầy xúc cảm trên Báo Biên Phòng. Trong bài báo, tác giả Viết Lam kể lại nhiều câu chuyện cảm động về những nỗ lực giúp dân sơ tán khỏi vùng tâm lũ, kịp thời đưa nhiều người thoát khỏi cơn nguy hiểm giữa dòng lũ dữ của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị.
Nhưng để lại ấn tượng mạnh trong tôi là câu chuyện mà tác giả Viết Lam tường thuật lại về sự việc xảy đến sáng ngày 13/10. Trong cái ngày bốn bề nước lũ chảy xiết ấy, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay nhận được cuộc điện thoại của anh Hồ Văn Khanh, 28 tuổi, ở thôn La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Trong gấp gáp, hoảng sợ, anh Khanh cho biết, vợ anh là Hồ Thị Ngút, 25 tuổi, đang trong thời kỳ mang thai có dấu hiệu vỡ ối cần cấp cứu nhưng đúng lúc này, thôn La Hót đang bị nước lũ cô lập, muốn chuyển được sản phụ ra tuyến trên cấp cứu phải vượt ngầm tràn dài khoảng 200m. Tình thế nguy cấp, nguy hiểm khó lường, nhưng các cán bộ chiến sĩ của Đồn vẫn tìm mọi phương cách, nỗ lực đưa bằng được sản phụ vượt qua dòng nước lũ, chuyển lên tuyến trên và hạ sinh an toàn. Bé trai được sinh ra trong ngày giông bão ấy đã được cha mẹ đặt tên là Hồ Biên Cương, mà theo lời người cha Hồ Văn Khanh, là để mãi mãi nhớ ơn Bộ đội Biên phòng.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tham gia giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Ảnh: QĐND
2. Và trên thực tế, còn rất nhiều những câu chuyện đẹp thấm đẫm ân tình như thế đã diễn ra trong những ngày mưa lũ tàn phá miền Trung. Những câu chuyện đượm màu cổ tích và những anh “bộ đội cụ Hồ” đã là những người viết nên những câu chuyện cổ tích ấy. Khó có thể kể hết những gì mà những người lính đã làm trong những ngày thiên tai khó lường ấy. Từ việc nhỏ đến việc lớn, không kể giờ giấc, ngày đêm, địa hình… từ việc lái ca- nô xuyên đêm, lao vào vùng rốn lũ, đến từng điểm nguy hiểm nhất, khẩn trương, cấp tập, tìm từng nóc nhà để cứu hộ, đưa dân đến điểm an toàn, tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân ở những vùng bị lũ cô lập. Với những nơi ca-nô không thể tiếp cận, những người lính không quản ngại hiểm nguy dầm mình, bơi qua dòng lũ dữ để đến với dân. Trong mưa lũ là vậy, ngay sau đó, những người lính lại ngay lập tức ra quân giúp dân phục hồi sau lũ với phương châm “nước rút đến đâu, khắc phục ngay đến đó”, từ dọn dẹp nhà cửa, trường học, đình làng… vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch đến tìm lại những đồ đạc bị nước cuốn trôi, rồi vô vàn những công việc khó có thể kể tên, từ việc giúp dân đưa người bệnh tới bệnh viện cấp cứu đến giúp nhà có tang lo hậu sự cho người vừa mất… Trong những ngày thiên tai địch họa, những người lính quân y cũng trở nên bận rộn hơn lúc nào hết, không chỉ về với dân, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho dân, mà những người thầy thuốc khoác trên mình màu xanh áo lính còn đến tận những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, phun thuốc, khử khuẩn môi trường, nguồn nước…
Bộ đội Biên phòng Quảng Trị ứng cứu người dân vùng lũ. Ảnh: Văn Cần
Như chia sẻ của Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng BCH BĐBP tỉnh Quảng Trị, suốt bốn trận lũ lớn trong tháng 10/2020, mỗi ngày có gần một nghìn lượt chiến sĩ về các thôn, bản giúp dân ứng cứu, khắc phục hậu quả. Không chỉ vậy, để giúp người dân phần nào qua cơn túng đói, những người lính đã ngay lập tức hòa mình trong các đoàn công tác vận chuyển, tiếp tế hàng cứu trợ, đến thăm hỏi, động viên, trao tặng những món quà tuy nhỏ nhưng ý nghĩa, thiết thực đến từng hộ gia đình vùng lũ lụt.
Không chỉ trong thiên tai, địch họa, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những người lính cụ Hồ ý thức cao về nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, họ cũng sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo”, dành cho người dân ở các khu cách ly tập trung cơ sở vật chất tốt nhất, điều kiện chăm sóc sức khỏe và văn hóa tinh thần cao nhất để bà con yên tâm và hoàn thành thời gian cách ly.
3. “Việc thì gấp! Vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm!” - đó là những lời cố Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV - nói với anh em trong đoàn công tác trước khi lên đường đi cứu nạn đêm 12 rạng ngày 13/10/2020. Trước khi lên đường, tướng Man cũng nói với Thủ trưởng của mình và các đồng đội: Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh. Vị tướng ấy cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh, trong chính tâm thế ấy.
Và điều đáng trân quý là không chỉ tướng Man, không chỉ các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác, mà dường như hết thảy những người lính, đang vinh dự được mang trên mình danh xưng “Bộ đội cụ Hồ”, không biết tự bao giờ, đều thấm nhuần rất rõ tinh thần “Vì nhân dân quên mình”. Nói như Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín (Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam), “Thời bình hay thời chiến, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam cũng đều có một mệnh lệnh từ trái tim, vẫn sẵn sàng ra đi, vẫn gác lại mọi việc của gia đình, sẵn sàng hy sinh”. Hay như khẳng định của Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam): “Bộ đội sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo đảm, giữ sự bình yên cho nhân dân. Nơi vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn nhất, biên cương, hải đảo đều có người lính”.
Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 kết hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quân giúp nhân dân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả lũ lụt. Ảnh: Tường Vi – TTXVN
Đại tá Hồ Hữu Thắng - Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An trao quà hỗ trợ bà con xóm Lam Thắng, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Ảnh: Hải Thượng
Sự hy sinh đến quên mình ấy được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã khẳng định: Trong thời bình, quân đội đã làm tốt công tác dân vận, được dân quý, dân tin, nơi nào bão lũ, khó khăn, dịch bệnh Covid-19, là bộ đội xuất hiện. Trong thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 22/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đã không ngại gian khổ, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… góp phần làm ngời sáng thêm phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội của dân…
Nhưng có lẽ, điều khiến những người lính trân quý hơn cả, là tình cảm đong đầy mà nhân dân dành tặng cho họ. “Có bộ đội, chúng tôi rất vững dạ, yên tâm” - lời giản dị ấy, niềm tin yêu ấy của những người dân vùng lũ dành cho, với những người lính, có lẽ giá trị hơn hết thảy mọi tấm huân chương, mọi phần thưởng, mọi danh hiệu.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gieo-tin-yeu-giua-nhung-ngay-giong-bao-post117000.html