Gieo trồng ước mơ trong trang trại hoa hồng
Với tình yêu dành cho hoa hồng từ nhỏ, chị Phạm Thị Hồng Nga (SN 1978, phường Đồng Quang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) sau nhiều năm làm giảng viên đã trở thành người chủ của trang trại trồng hoa hồng.
Từ số vốn 2,2 triệu đồng
Đầu những năm 2000, chị Nga là giảng viên tại một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng lương ít ỏi của nghề giáo lúc bấy giờ khiến cho cuộc sống với việc nuôi hai con nhỏ của gia đình chị chẳng mấy dư dả.
Vốn là người yêu hoa, chị Nga tranh thủ ngoài giờ dạy mở quầy bán hoa nhỏ cũng là để có thêm thu nhập. Khi đó, số vốn mà chị Nga tích cóp và vay mượn được chỉ là 2,2 triệu đồng. Với khoản khởi đầu ít ỏi đó, chị Nga phải tính toán chi li để quay vòng vốn, lại chưa có kinh nghiệm nên thu nhập không đồng đều. Dù vậy, công việc này đã giúp chị cải thiện được phần nào kinh tế gia đình và cũng là tiền đề để chị từng bước nuôi dưỡng ước mơ về một trang trại hoa hồng trong tương lai.
Đến năm 2010, khi thật sự nhận ra tiềm năng của thị trường kinh doanh hoa tại Thái Nguyên, chị Nga quyết định đầu tư, chuyên nghiệp hóa hoạt động cửa hàng của mình. Cũng từ thời điểm này, mỗi bước phát triển của cửa hàng hoa tươi đều giúp chị tiến gần tới "ước mơ hoa hồng". Đó cũng là lúc chị biết đến nguồn vốn của TYM và tin tưởng chọn TYM đồng hành cùng chị phát triển kinh tế suốt nhiều năm liền. Chị vẫn còn nhớ món vốn 10 triệu đồng đầu tiên của TYM, chị đã đầu tư vào cửa hàng để mở thêm dịch vụ hoa trang trí hội nghị, sự kiện.
Tính đến hôm nay, chị không còn nhớ đã làm bao nhiêu hồ sơ vay vốn ở TYM. Từ 10 rồi, 20, 30 triệu đồng cho đến nay là 50 triệu đồng (mức vốn tối đa dành cho 1 khách hàng tài chính vi mô). Cứ thế mỗi vòng vốn tăng lên cũng là khi cửa hàng hoa tươi được mở rộng thêm, kinh doanh lớn hơn. Để rồi, cửa hàng hoa tươi của chị trở thành một địa điểm uy tín cung cấp hoa và các dịch vụ về hoa ở thành phố Thái Nguyên.
Thành lập Hợp tác xã hoa hồng
Khi cửa hàng hoa tươi của chị Nga đủ lớn mạnh cũng là lúc chị thực hiện ước mơ nhiều năm của mình là mở một trang trại hoa hồng. Hiện nay, trang trại hoa hồng cổ UniRose Farm tại xóm Cây Thị, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, của chị Nga đã có diện tích gần 10.000m2 với hơn 20.000 gốc hồng đủ loại. Không bó hẹp hoạt động kinh doanh đơn thuần của trang trại là buôn bán hoa tươi và giống cây mà chị còn hướng tới những hình thức khác mang lại nhiều giá trị bền vững cho trang trại như chiết xuất nước hoa hồng và phát triển du lịch sinh thái.
Với mong muốn sản phẩm của mình làm ra sẽ có uy tín và khẳng định chất lượng trên thị trường, tháng 3 vừa qua, chị Nga đã thành lập Hợp tác xã hoa hồng với 8 thành viên tham gia. Hiện tại, sản phẩm chính là nước hoa hồng được chiết xuất từ tinh dầu hoa hữu cơ tại vườn của chị. "Tôi hy vọng hoa hồng của tôi không chỉ làm đẹp cho đời mà còn đẹp cho người. Thời gian tới, hợp tác xã của chúng tôi sẽ ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới từ hoa hồng của trang trại".
Chia sẻ về nguồn vốn của TYM, chị Nga cho biết, sau khi đã tham gia TYM tròn 10 năm và trải qua rất nhiều vòng vay vốn tại TYM, mặc dù mức vốn của TYM chưa đáp ứng được nhu cầu vốn hiện tại của chị nhưng đã trở thành một nguồn vốn bổ sung ổn định, lâu dài, thuận tiện mà lại không cần tài sản thế chấp. Hơn nữa chị cũng không cảm thấy áp lực phải hoàn trả khi gốc lãi được chia nhỏ, trả dần theo tuần, tháng. Món vốn gần đây nhất của TYM mà chị vay là 50 triệu đồng để mua công cụ máy móc, tăng cường các sản phẩm từ trang trại hoa. Chị Nga cũng mong muốn trong thời gian tới, TYM có thể phát triển thêm nhiều sản phẩm vốn khác và tăng mức vốn vay để tạo điều kiện cho những cơ sở sản xuất kinh doanh như chị được tiếp cận với nguồn vốn lớn hơn.
Không chỉ giúp cho bản thân và gia đình "đổi đời", chị Nga còn tạo được việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều người lao động ở địa phương. "Hiện nay, nhân công trong vườn hồng làm việc thời vụ là khoảng 3-5 người, nhân viên quầy hoa là 6 người, mức thu nhập từ 3 đến 10 triệu đồng/tháng và ổn định. Trong đó, nhiều nhân viên còn được đào tạo để làm việc với mức lương từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng", chị Nga cho biết.
Bên cạnh cơ hội phát triển kinh tế, chị Nga còn được tham gia tập huấn về mô hình kinh doanh, thường xuyên được trưng bày sản phẩm theo các chuỗi hoạt động của đề án Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo như giới thiệu sản phẩm và nhân rộng mô hình với các chị em ở các địa phương khác.
Góp phần hỗ trợ cộng đồng
Giờ đây, không chỉ là "bà chủ" của cửa hàng hoa lớn tại Thái Nguyên, là chủ nhân của một trang trại hoa hồng, chị Nga còn tự hào là thành viên Liên minh hợp tác xã, hội viên của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, đồng thời đã có 3 năm trên cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiện tâm Thái Nguyên chuyên giúp đỡ quyên góp cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt cần được sẻ chia.
Tiền thân là một giáo viên nên chị Nga có tình yêu với trẻ theo cách đặc biệt, chị tích cực tổ chức nhiều hoạt động cho các con trong trang trại hoa hồng của mình và kết hợp với các trung tâm nghệ thuật, trung tâm tiếng Anh, gói bánh chưng để tặng trẻ em ở 46 hộ nghèo trên địa bàn xã Thịnh Đức - nơi chị làm trang trại hoa hồng. Chị Nga chia sẻ, chị mong muốn góp phần hỗ trợ cộng đồng vì chính chị đã được TYM giúp đỡ, chị muốn lan tỏa tinh thần phụ nữ hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Bà Lê Thị Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Thái Nguyên, nhận định, mô hình kinh doanh và trồng hoa của chị Phạm Thị Hồng Nga là điển hình về mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ.
Bà Hoa cũng cho rằng, nguồn vốn của TYM được triển khai trên địa bàn thành phố Thái Nguyên từ năm 2010 đã giúp chị em hội viên được tiếp cận nguồn vốn thông qua tổ chức Hội, vốn vay không cần tài sản thế chấp, thủ tục nhanh gọn, thuận tiện. Chị em được vay một món vốn và được trả dần theo tuần hoặc theo tháng. Từ nguồn vốn vay, chị em tích cực lao động phát triển kinh tế, tăng thu nhập nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.