Gieo ước mơ cho trẻ em vùng khó
Dẫu cho nhiều gia đình ở vùng khó canh cánh 'năm học mới nỗi lo cũ' nhưng các bậc mẹ cha vẫn vui lây với nụ cười rạng rỡ của con trẻ mùa tựu trường. Cứ mỗi độ Thu về, lũ trẻ nhỏ vùng khó không đơn độc. Các em luôn nhận được sự hỗ trợ của cả xã hội trên con đường vươn tới tri thức và tương lai.
Mùa Thu về mang theo một chút nắng, một chút gió heo may và mùi thơm của hoa, của lá. Trong tiết trời trong veo ấy, lũ trẻ vùng cao ở Thái Nguyên lại nô nức trở lại trường để được gặp thầy cô, bè bạn. Dẫu cho nhiều gia đình ở vùng khó canh cánh “năm học mới nỗi lo cũ” nhưng các bậc mẹ cha vẫn vui lây với nụ cười rạng rỡ của con trẻ mùa tựu trường. Cứ mỗi độ Thu về, lũ trẻ nhỏ vùng khó không đơn độc. Các em luôn nhận được sự hỗ trợ của cả xã hội trên con đường vươn tới tri thức và tương lai.
Nâng bước em đến trường
Phương Giao, xã vùng cao còn nhiều gian khó của huyện Võ Nhai vẫn có không ít hộ đồng bào dân tộc Mông đang sống trong cảnh… ăn bữa nay, lo bữa mai. Vì lẽ ấy, sau mỗi kỳ nghỉ hè, việc huy động học sinh trở lại lớp không phải là chuyện giản đơn.
Để các em được quay trở lại trường học, cùng với sự nỗ lực của các thầy, cô trong việc vận động cha mẹ cho trẻ đến trường còn có các chính sách hỗ trợ đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, hằng năm có đến hàng trăm trẻ mầm non của xã vùng cao này được hỗ trợ tiền ăn trưa (dự kiến năm học 2023-2024 được hỗ trợ trên 300 nghìn đồng/tháng); nhiều học sinh được hỗ trợ gạo (15hg/tháng)…
Chị Hoàng Thị Mai, người dân tộc Mông ở khu Đồng Giong, xã Phương Giao, cho hay: Được Nhà nước quan tâm, từ khi đi học ở lớp mẫu giáo, 2 con của mình không phải đóng tiền ăn trưa. Giờ, các con đi học ở trường tiểu học rồi nhưng mình cũng không phải lo đóng học phí cho lũ trẻ. Ngoài ra, năm học nào các con cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế và kiểm tra sức khỏe miễn phí… Sự quan tâm của Nhà nước đã giúp gia đình mình và nhiều hộ dân ở đây có điều kiện cho con tới trường.
Cùng với các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều chương trình hỗ trợ giúp trẻ em vùng khó được đến trường học “cõng con chữ” về bản.
Trong đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh chính là nơi kết nối để nhiều chương trình từ thiện nhiều ý nghĩa đến được với các em nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đơn cử như cách đây chưa lâu, Hội đã kết nối, vận động Công ty TNHH K+K Fashion của TP. Hà Nội trao tặng 3.000 bộ quần áo mới cho học sinh Trường Mầm non Bàn Đạt (Phú Bình) - nơi có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện; tặng các bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình.
Triển khai chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” giai đoạn 2022-2027 nhằm góp phần nâng cao thể trạng và điều kiện sinh hoạt cho các em học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh, Hội cũng đã tặng sữa cho Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Tân Long (Đồng Hỷ). Ngôi trường này có 330 em học sinh, trong đó 80% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 50%.
Chung tay vì trẻ em nghèo, nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ 40 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn (5 triệu đồng/em). Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh trao 60 suất học bổng cho 60 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đạt thành tích cao trong học tập của 9 huyện, thành phố. Công ty Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên dành 30 triệu đồng và quà tặng cho 15 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của các huyện Võ Nhai và Định Hóa; ủng hộ 400 triệu đồng vào Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh…
Ngay trước thềm năm học mới 2023-2024 (cuối tháng 8 vừa qua), Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã phối hợp với huyện Định Hóa tổ chức trao tặng học bổng năm 2023 cho 10 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện, với tổng số tiền 50 triệu đồng.
Năm học này, Hội tiếp tục vận động các nhà hảo tâm đồng hành, phấn đấu trao 100 suất học bổng “Niềm tin cho em” cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường - Vì em hiếu học”, 10 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên đã vận động xã hội chung tay giúp đỡ, tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được đến trường.
Từ năm 2012 đến nay, Chương trình đã trao tặng học bổng cho hơn 514 nghìn lượt học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, với số tiền khoảng 70 tỷ đồng.
Tỏa sáng nụ cười trẻ thơ
Hiện nay, Thái Nguyên có hơn 293 nghìn trẻ em, trong đó gần 99 nghìn trẻ người dân tộc thiểu số, hơn 2.300 trẻ bị khuyết tật, gần 22 nghìn trẻ em là con em hộ nghèo và cận nghèo.
Với sự tiếp sức của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh, trẻ em nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số đã có những buổi đến trường trọn vẹn niềm vui. Trong niềm vui ngày khai trường năm học 2023-2024, cô bé Vương Thị Nhung, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, THCS Tân Long (Đồng Hỷ), cho biết: Gia đình em còn khó khăn nhưng bố mẹ vẫn quyết tâm cho em được đi học lên cao. Năm học mới, được gặp thầy cô, bạn bè em vui lắm. Em mong sau này mình có thật nhiều tri thức để cùng gia đình xây dựng cuộc sống no ấm hơn.
Còn cô bé Hoàng Thị Hương, 14 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Dân Tiến (Võ Nhai), thì vô cùng hạnh phúc khi bố mẹ cho em trở lại trường. Em cho hay: Được hỗ trợ gạo, bố mẹ đã cho em đi học tiếp. Mong ước của em là sẽ tốt nghiệp cấp 3 và được học lên đại học.
Ngắm nhìn khuôn mặt rạng ngời của lũ trẻ ngày khai trường, các thầy cô đang “gieo chữ” ở những địa bàn khó khăn của tỉnh vô cùng hạnh phúc. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Ánh, người đã gắn bó với Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá (Võ Nhai) nhiều năm nay, cho biết: Mỗi mùa tựu trường, thấy học sinh của mình trở lại trường đông đủ, tôi và các đồng nghiệp rất vui. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước ngày càng có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để các em được cắp sách đến trường, được quan tâm phát triển cả về thể chất và tinh thần…
Có thể thấy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành chức năng, các tổ chức xã hội trong tỉnh không chỉ giúp những học sinh vùng cao có được nụ cười tỏa nắng trong ngày khai trường mà còn giúp hàng chục nghìn học sinh còn nhiều khó khăn của tỉnh được cắp sách đến trường, được sống đúng lứa tuổi với nụ cười trong trẻo luôn thường trực trên môi.