Gieo vốn trên miền đất võ

Bình Định là miền 'đất võ, trời văn', cũng là nơi có mật độ tỷ phú, triệu phú cao nhất nhì ở khu vực duyên hải miền Trung. Điều đáng tự hào là trong số đó có nhiều người đã dựng nghiệp, rồi 'phất lên' từ vốn vay của Agribank…

Vốn từ Agribank đang giúp nhiều nông dân Bình Định trở thành những tỷ phú, triệu phú

Vốn từ Agribank đang giúp nhiều nông dân Bình Định trở thành những tỷ phú, triệu phú

Những triệu phú cá cảnh, cây cảnh

Mới đây, cùng với cán bộ tín dụng Agribank Bình Định, chúng tôi về thăm thị xã An Nhơn. Theo lời giới thiệu của ông Châu Xuân Cường, Phó giám đốc Agribank Bình Định, đây là địa phương vừa được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện, trên địa bàn cũng đang có nhiều mô hình sử dụng vốn vay từ Agribank có hiệu quả cao.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Bá Luyện ở thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc. Ông vốn nổi tiếng không chỉ ở Bình Định mà còn cả khu vực miền Trung bởi nghề nuôi cá Koi. Cá Koi, hay còn gọi là cá chép Nhật Bản là một trong những loài cá cảnh đang được nhiều người yêu thích.

Trước đây, ở Bình Định ít người nuôi được loại cá này, bởi yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn... Vốn là người ham tìm tòi mô hình phát triển kinh tế mới, lại sẵn có nghề nuôi cá, năm 2014, ông Luyện vào TP. Hồ Chí Minh mua một số cá Koi về nuôi thử nghiệm. Tình hình khả quan bởi khí hậu ở Bình Định thích hợp với cá Koi. Cá sinh trưởng nhanh, ít nhiễm bệnh.

Ngay sau đó, ông đã mạnh dạn vay Agirbank 400 triệu đồng để phát triển nuôi cá Koi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cùng với những tiếp sức kịp thời về vốn từ ngân hàng, mô hình nuôi cá Koi của gia đình ông ngày càng phát triển. Đến nay, ngoài nuôi cá trong hồ xi măng, hồ đất, ông đang thử nghiệm nuôi ghép cá Koi trong lồng nuôi cá thịt diêu hồng, bước đầu có những triển vọng tốt.

Những năm gần đây cá Koi luôn được thị trường ưa chuộng, nhất là những con cá có màu sắc độc đáo thì giá trị lên tới cả chục triệu đồng. Bên cạnh nuôi cá cảnh, ông Luyện còn đầu tư nuôi cá diêu hồng trên sông. Thời kỳ cao điểm, dư nợ của gia đình tại Agirbank thị xã An Nhơn lên đến cả tỷ đồng. Từ những khó khăn ban đầu, đến nay trung bình mỗi năm, trừ hết chi phí thì ông còn lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Đồng thời, còn giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động ở địa phương.

Cũng ở thị xã An Nhơn, tiếp tục “mục sở thị” hiệu quả đồng vốn từ Agribank, xuôi theo tỉnh lộ 631 chúng tôi về xã Nhơn Phong-nơi được mệnh danh là “thủ phủ” trồng mai cảnh ở miền Trung. Theo đại diện UBND xã Nhơn Phong, gần đây địa phương đang khá phát triển nghề trồng mai cảnh với 300 hộ tham gia. Trong đó, với hỗ trợ của ngân hàng, nhiều gia đình đã có vốn đầu tư. Hiện, thu nhập bình quân của người dân ở đây đạt hơn 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ đói nghèo ngày càng giảm xuống. Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2016.

Vụ tết năm vừa rồi, cả Nhơn Phong thu được gần 20 tỷ đồng tiền bán mai. Nghề trồng mai hiện đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động địa phương. Trong đó, có gia đình ông Phạm Thanh Hòa, một trong những khách hàng của Agirbank thị xã An Nhơn.

Được biết, từ năm 2016 ông Hòa vay 200 triệu đồng để đầu tư trồng mai cảnh. Đến nay vườn mai của ông có hơn 4000 gốc mai, có cây trị giá lên đến hàng chục triệu đồng... Sản phẩm mai cảnh của gia đình đã tỏa đi khắp mọi miền đất nước, ngoài tiêu thụ chính ở TP. Hồ Chí Minh còn ra tận các tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng.

Ông Hòa chia sẻ, từ những hỗ trợ về vốn kịp thời của ngân hàng, với nghề trồng mai, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định với mức thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Bởi vậy, ông có thể đảm bảo cuộc sống gia đình tươm tất, lo cho con cái ăn học... yên tâm gắn bó với nghề truyền thống ở địa phương.

Mang cơ hội đến với người dân

Cũng như thị xã An Nhơn, nhiều làng quê khác ở Bình Định đã thoát cảnh nghèo khó, đang từng ngày “thay da đổi thịt”, vươn lên mạnh mẽ. Đóng góp vào những đổi thay đó, có hiệu quả từ những đồng vốn của Agribank. Vốn vay từ Agribank Bình Định đã mang cơ hội làm ăn, phát triển sản xuất, kinh doanh đến với nhiều bà con. Trong số đó, không ít người đã trở thành những “tỷ phú chân đất”, “triệu phú chân đất”… Ông Phạm Thanh Hòa chia sẻ, những hỗ trợ kịp thời về vốn của ngân hàng đã mở ra cơ hội cho gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác có điều kiện làm ăn vươn lên trong cuộc sống...

Với triết lý kinh doanh “Mang phồn thịnh đến khách hàng”, trong nhiều năm qua Agribank Bình Định không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng, đa dạng sản phẩm dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, phong cách phục vụ tận tình, chu đáo... Vốn vay từ Agribank đã giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tại Bình Định, hiện Agribank đang giữ vai trò đầu tàu trong lĩnh vực cấp vốn cho “tam nông”. Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank Bình Định đang triển khai việc vay vốn, với nhiều kết quả tích cực.

Nghị định có nhiều quy định mang tính đột phá, như, tăng mức cho vay và tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay; bổ sung quy định quản lý dòng tiền cho vay trong liên kết sản xuất nông nghiệp, nhằm hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay vốn… Những điều này giúp nông dân, hộ vay vốn dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Agribank Bình Định còn phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai tuyên truyền, tư vấn đến tận người dân. Việc cho vay qua tổ đã giúp Agribank Bình Định ngày càng hoàn thiện quy trình cho vay, thủ tục cho vay theo hướng tinh gọn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của bà con...

Đặc biệt, việc Agribank Bình Định triển khai thành công điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình vay vốn, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Theo đó, chi nhánh đã tổ chức thực hiện điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng tại xã Tây Bình (huyện Tây Sơn), nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến bà con nông dân ở những vùng sâu, vùng xa. Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank Bình Định là một trong 38 điểm giao dịch được triển khai (giai đoạn 2) của Agribank trên cả nước.

Tại những điểm giao dịch lưu động này, giúp khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với các dịch vụ tiện ích của Agribank. Trong đó, tập trung tư vấn tín dụng, giải ngân, thu nợ, thu lãi các gói vay của cá nhân thuộc địa bàn hoạt động; gửi, rút tiền tiết kiệm...

Trong thời gian tới, để có thể tiếp tục “Mang phồn thịnh đến khách hàng”, cũng theo ông Châu Xuân Cường, chi nhánh sẽ tiếp tục giữ vững thị trường nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ưu tiên vốn cho các dự án, phương án có hiệu quả của hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại, HTX, các DNNVV hoạt động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

Ngoài việc đẩy mạnh tín dụng, Agribank Bình Định sẽ tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ trên cơ sở phát huy tối đa công nghệ ngân hàng hiện đại và mạng lưới rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Từ đó, gia tăng giá trị các sản phẩm dịch vụ, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế thấp nhất việc phát sinh nợ xấu; Đẩy lùi tín dụng đen. Đồng thời, củng cố niềm tin với thương hiệu Agribank trên miền “đất võ, trời văn”…

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/gieo-von-tren-mien-dat-vo-92382.html