Gieo yêu thương nơi mái ấm
Trong thế giới của trẻ thơ, Tết Trung thu là dịp để thỏa thuê với những giấc mơ hồn nhiên về một thế giới kỳ diệu và tốt lành. Đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các mái ấm, nhà mở, trung tâm bảo trợ..., Tết Trung thu còn là dịp để các em cảm nhận rõ hơn tình yêu thương, sự quan tâm của cộng đồng.
Tuổi thơ cho em
T.T.H.X. (sinh năm 2012) hướng đôi mắt trong veo nhìn chú thỏ trắng trên chiếc đèn lồng được làm bằng nan tre thật đẹp. Lớn lên cùng các sư thầy, sư cô ở chùa Linh Sơn (quận 4, TPHCM), T.T.H.X. về Làng Thiếu niên Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) chưa đến một năm nhưng đã bắt nhịp rất nhanh cùng các bạn ở đây.
Chiều 14-9, trong bộ trang phục rực rỡ, T.T.H.X. không giấu nổi niềm háo hức khi được biểu diễn múa lân trong chương trình “Đêm hội trăng rằm” tại Làng Thiếu niên Thủ Đức. Mấy ngày nay, T.T.H.X. cùng các bạn chăm chỉ tập luyện để có tiết mục hay nhất dành tặng các ba, các mẹ.
Nhìn “các con” chơi đùa vui vẻ, chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1990), nhân viên Khu gia đình, hiện tại đang quản lý 12 trẻ tại đây, lại càng thương “các con”. Mười năm qua, dù chưa lập gia đình, nhưng chị thực sự đã trở thành người mẹ của rất nhiều “con”. “Tôi không có vướng bận gì nhiều nên dành gần như 100% thời gian cho các con. Nhiều khi không thấy mình là các con hỏi mẹ Hằng đâu rồi. Chúng tôi luôn mong muốn dù ở trong hoàn cảnh đặc biệt thì các con vẫn có môi trường phát triển tốt nhất. Hôm nay vui chơi Trung thu, sau này lớn lên, các con sẽ nhớ lại quãng ký ức đẹp của tuổi thơ”, chị Hằng chia sẻ.
Năm nay, Làng Thiếu niên Thủ Đức đón Tết Trung thu với số lượng trẻ nhiều hơn. Từ chiều 14-9, các nhà hảo tâm, cơ quan, trường học... đã đến trao quà, cùng với đơn vị tổ chức vui chơi cho các bé. Chị Hằng chia sẻ, nhận được sự quan tâm, tình yêu thương lớn của cộng đồng xã hội vừa là niềm vui, là động lực để đội ngũ cán bộ, nhân viên của Làng Thiếu niên Thủ Đức tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc các trẻ mỗi ngày.
Hơn 26 năm làm ba của “các con” ở Mái ấm Ánh Sáng (quận 3, TPHCM), ông Nguyễn Thiên Hải, trưởng Mái ấm Ánh Sáng cho biết, bữa cơm là khoảng thời gian ông cảm nhận được rõ nhất ý nghĩa hai từ “gia đình” của các trẻ tại đây. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, mấy con thường xin nhặt rau, quét nhà... phụ người lớn; khi mọi người bận rộn thì đứa lớn kèm cặp, trông coi đứa nhỏ. Nhìn những điều giản dị ấy diễn ra hàng ngày, chúng tôi cũng nhẹ lòng”, ông Hải tâm sự.
Năm nay, Mái ấm Ánh Sáng đã phối hợp phường 14, quận 3 và một số đơn vị khác tổ chức vui chơi, tặng bánh Trung thu, lồng đèn cho các em. Theo ông Hải, đây cũng là dịp để người lớn tự nhắc nhở mình phải quan tâm hơn tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bằng tình yêu, trách nhiệm và những hành động thiết thực. Để từ đó, mọi trẻ em đều được đón Tết Trung thu đầy đủ, trọn vẹn hơn.
Dạy các em về sự sẻ chia
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Làng Thiếu niên Thủ Đức, hàng năm, đơn vị đều tổ chức chương trình chăm lo cho các trẻ vui Tết Trung thu chu đáo. Năm nay, Tết Trung thu diễn ra trong thời điểm cả nước chung tay hướng về miền Bắc sau đợt mưa lũ và tình hình dịch sởi diễn biến khó lường trên địa bàn thành phố; đơn vị đã chủ động tổ chức Tết Trung thu một cách an toàn, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo không gian vui chơi cho các em, và cũng dạy các em hiểu hơn về sự sẻ chia khi đồng bào miền Bắc đang hoạn nạn.
Với đặc thù Làng Thiếu niên Thủ Đức mới tiếp nhận thêm 37 trẻ từ Mái ấm Hoa Hồng, đơn vị đã đa dạng thêm các hoạt động vui chơi, chăm lo chu đáo về sức khỏe cho trẻ. Hoạt động vui Tết Trung thu cũng là dịp để ổn định tâm lý, tạo những ký ức đẹp về tuổi thơ trong lòng các em.
Phụ má chăm các em...
Tất bật chuẩn bị tổ chức Tết Trung thu cho các trẻ tại Mái ấm Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, trực thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM), chị N.T.N.A. (sinh năm 1993) kể với chúng tôi cơ duyên được làm “con” của các má tại đây. Năm 1999, khi đang mưu sinh với mẹ ngoài đường, chị N.A. được giới thiệu, đưa về nuôi dưỡng tại Mái ấm Bà Chiểu. Cuộc đời của cô bé 6 tuổi từ đó rẽ sang một trang mới, với nhiều niềm vui, hạnh phúc hơn. Ở Mái ấm Bà Chiểu được một thời gian, mẹ chị N.A. qua đời. Mái ấm trở thành chỗ đi, về duy nhất của chị. Sau khi học hết cấp 2, chị N.A. đi học nghề may, nghề trang điểm... và được các má tạo điều kiện để ra ngoài kiếm tiền với mức lương khá. Thế nhưng, chị N.A đã quyết định ở lại mái ấm, để phụ các má chăm lo cho các em.
Trò chuyện với má Trương Thị Yến - phụ trách Mái ấm Bà Chiểu, chúng tôi cảm nhận được lòng biết ơn thật đẹp của những đứa trẻ được nuôi dưỡng từ tình thương trong mái ấm: “Bạn tự quyết định ở lại phụ trách làm bếp, nấu ăn... Bạn nói đã ở đây từ nhỏ, giờ muốn đáp đền tình cảm, phụ má chăm em”. Má Yến kể, “các con” của mái ấm dù đã có gia đình riêng nhưng vẫn thường xuyên quay lại thăm nom các em nhỏ khác. 24 năm công tác tại đây, má Yến hạnh phúc chứng kiến các con lớn lên, nên người. “Nhìn các con trưởng thành, tôi mừng lắm. Nếu các con không trở thành người có ích cho xã hội thì sẽ rất khó để các má có nhiệt huyết chăm sóc, nuôi dưỡng các con”, má Yến nhìn chị N.A., trào nước mắt.
Cũng là trẻ phải theo ba mẹ kiếm sống ngoài đường, chị N.T.M. (sinh năm 1987) được đưa về nuôi dưỡng tại Mái ấm Bà Chiểu từ năm 1998. “Hồi bé em ở quê, khổ quá nên theo ba mẹ vào đây bán vé số, lượm ve chai, lượm rác ở quận Tân Bình. Mẹ em đi đổ rác thuê cho nhà cô Linh hay đi làm từ thiện, cô thấy em không được đi học thì xin mẹ cho đưa em đến Mái ấm Bà Chiểu. Mẹ em sợ người ta bắt cóc con nên cứ đi vòng vòng quanh mái ấm không dám về. Vô được 2 ngày, thấy em được ăn uống đầy đủ, áo quần tươm tất, mẹ mới yên tâm. Mẹ muốn cho em đi học lắm mà nhà nghèo quá”, chị M. kể với chúng tôi về hành trình đến với Mái ấm Bà Chiểu như thế.
Ở Mái ấm Bà Chiểu, chị M. được tiếp tục đi học. Năm 2010, chị M. lập gia đình và hiện tại là chủ của một tiệm làm tóc ở chợ Hóc Môn (TPHCM). Ngoài tình thương của các má, chị M. đang sống hạnh phúc cùng chồng và 2 đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu. Ôm ngoại Phong (bà Đoàn Lê Phong, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM), chị M. không ngừng xúc động: “Nếu không có các ngoại, các má, các cô... thì con không thể có ngày hôm nay. Cảm ơn ngoại, cảm ơn má vì đã bao dung, yêu thương và chăm sóc cho chúng con vô điều kiện”.
Kể về người chồng của mình, chị M. không giấu được niềm hạnh phúc: “Em quen chồng hiện tại từ hồi đang đi học. Thấy chồng em tử tế nên các má chỉ cho một mình chồng em được phép tới mái ấm để kèm cặp em học tập thôi. Nhờ các má chăm chút, tụi em mới có gia đình ấm êm ngày hôm nay”. Anh Huỳnh Thanh Tuấn (chồng chị M.) bày tỏ: “Tôi không quan tâm hoàn cảnh vợ như thế nào, ngược lại càng yêu và nể phục nghị lực và tấm lòng của vợ. Cảm ơn mái ấm, cảm ơn các má đã cho vợ tôi thêm một gia đình để vợ có được như ngày hôm nay”.
Hạnh phúc khi các con trưởng thành
Dịp Trung thu năm 2024, Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM đã phối hợp CLB Những người bạn và Công viên Văn hóa Đầm Sen tổ chức chương trình “Nụ cười đêm trăng” lần thứ 20 cho các em thiếu nhi kém may mắn.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM, các trẻ tại 7 mái ấm trực thuộc Hội (Mái ấm Ánh Sáng, Mái ấm Bà Chiểu, Mái ấm Hướng Dương, Mái ấm Bình Minh, Mái ấm Ga Sài Gòn, Mái ấm Hoa Sen, Mái ấm Tân Bình) thường xuyên được chăm lo, nuôi dưỡng chu đáo. Tất cả trẻ đều được đến trường, trừ những em chậm phát triển… 100% trẻ đều có mã số định danh cá nhân. Bà Nguyễn Thị Huệ tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc khi các con trưởng thành, vào đời và trở thành công dân tử tế. Tôi hy vọng những nàng dâu, chàng rể của mái ấm hãy luôn thương yêu các bạn, vì các bạn đã rất thiệt thòi”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/gieo-yeu-thuong-noi-mai-am-post759274.html